Với chủ đề Giai đoạn mới của tiến trình cải cách: Từ chương trình tới hành động, các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn doanh nghiệp VN giữa kỳ năm 2013 sáng 3.6, đều bày tỏ mong muốn được thấy Chính phủ có những hành động thực tế để giải quyết các gút mắc của nền kinh tế.
|
Nhấn mạnh tới vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu u tại VN (Eurocham), việc các DNNN đang chiếm tới 40% nền kinh tế không đáng quan ngại, vấn đề ở chỗ các DNNN được ưu đãi nhiều hơn, thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp... nhưng lại thường không hoạt động hiệu quả, kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Eurocham cho rằng Chính phủ cần cổ phần hóa (CPH) các DNNN nhanh hơn, để tạo ra môi trường cạnh tranh hơn.
|
Trong khi đó, theo ông Mark Gillin, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại VN (Amcham), VN không phải là nước đầu tiên gặp vấn đề về ngân hàng và nợ xấu, cũng như vấn nạn tham nhũng, quản lý kém, khó khăn trong việc giải thể các DNNN hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm giải quyết các vấn đề này, để “những cơ hội không tiếp tục bị tuột mất khỏi VN”. Ngoài những vướng mắc thường niên về cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ băn khoăn việc chậm áp dụng Thông tư 02 về phân loại nợ, trích lập dự phòng của Ngân hàng Nhà nước, có thể là một tín hiệu không tốt đối với xử lý nợ xấu, cũng như làm sạch hệ thống ngân hàng.
Trả lời các nhà đầu tư, ông Lê Hoàng Hải, Cục phó Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho hay, thị trường tài chính hiện nay không thuận lợi cho tiến trình CPH, nhưng Chính phủ VN khẳng định chủ trương tiếp tục sắp xếp CPH DN trong giai đoạn 2015 - 2020. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH-ĐT xây dựng lại hệ thống tiêu chí phân loại DNNN, xác định những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, có thể CPH. Ví dụ ngành điện, nhà nước nắm giữ khâu truyền tải, một số khâu sản xuất khác có thể CPH.
Nhìn nhận VN đã có những hỗ trợ mạnh mẽ cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng các DN Úc cho rằng kinh doanh tại VN ngày càng khó khăn hơn. Ông David Whitehead, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Úc tại VN cảnh báo, nếu không tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn thì nguồn FDI vào VN có thể tiếp tục giảm, do những cạnh tranh gay gắt từ các thị trường khác như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, đặc biệt là thị trường mới nổi Myanmar.
Mai Hà
>> Thực hiện triệt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
>> Nợ công với gánh nặng doanh nghiệp nhà nước
>> Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
>> Doanh nghiệp thắt hầu bao di động thời khủng hoảng
>> Kiến nghị sáp nhập doanh nghiệp bất động sản
Bình luận (0)