Khi luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực tháng 1.2006, rất nhiều người kỳ vọng tình trạng lãng phí - vốn được xem là nguy hại ngang với tham nhũng - sẽ được kiểm soát. Nhưng thực tế thì, sau 7 năm, báo cáo của Chính phủ thừa nhận: "Tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực", từ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, đến lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước…
Đối chiếu thực tế lãng phí nhức nhối, việc thi hành luật hiện hành kém hiệu lực thì bản dự thảo cũng chưa có được những nội dung đầy đủ để bảo đảm một cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu quả.
Cũng giống như các đạo luật khác, luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí muốn đi vào cuộc sống, giải quyết được thực trạng phức tạp thì cần phải xác định được chủ thuyết. Nếu coi chống lãng phí là trọng tâm thì không nên có một mệnh đề giống như khẩu hiệu ngay ở tên luật là “thực hành tiết kiệm”. Thực hành tiết kiệm là một hành vi nặng về động viên hơn là có thể chế tài. Hãy gọi đơn giản là luật Chống lãng phí, để thể hiện rõ mục tiêu và tiện cho việc thiết kế các cơ chế phát hiện, chế độ trách nhiệm và đặc biệt là biện pháp chế tài.
Chế tài nghiêm minh là chỉ dấu quan trọng nhất của một văn bản luật, chính vì vậy đối tượng của luật “chống lãng phí” chỉ nên áp dụng là các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên, ngân sách nhà nước, không nên mở rộng với “sản xuất và tiêu dùng của nhân dân”. Vì thực tế không thể chế tài xử lý, kiểm soát được công dân hoặc doanh nghiệp không thực hiện các quy định về chống lãng phí, dẫn đến có quá nhiều điều luật bị “treo” hoặc vô nghĩa trên thực tế.
Muốn chống lãng phí thì việc nhận diện thế nào là lãng phí rất quan trọng. Nhưng đọc toàn bộ dự thảo, hoàn toàn không rõ việc này và không biết cần phải chống lãng phí như thế nào. Cần phải có quy định cụ thể, mức độ thế nào được coi là lãng phí, ở mức độ bao nhiêu thì xử lý như thế nào và đặc biệt cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân. Tránh tình trạng suốt 7 năm, không có một cá nhân, tập thể nào bị xử lý vì để xảy ra lãng phí, thất thoát; trong khi tình trạng cầu xây xong bỏ hoang vì không có đường dẫn, công trình trăm tỉ “đắp chiếu” do thiếu trang thiết bị… chẳng phải là hiếm.
Các quy định lặp đi lặp lại “người đứng đầu phải giải trình với cơ quan chức năng và công luận khi để xảy ra lãng phí, thất thoát tại đơn vị mình” trong dự thảo rất chung chung, hoàn toàn không phải là quy phạm chế tài trong một văn bản luật.
An Nguyên
Bình luận (0)