Sau khi bơm cạn nước biển, hút cát bên trong đê vây ra ngoài, con tàu cổ đã phát lộ hình dáng từ đuôi đến mũi với chiều dài 24 m, rộng 5 m; đồng thời một khối gốm sứ bị cháy dính liền nhau cùng nhiều cổ vật bị bể và còn nguyên vẹn nằm ngay phần đuôi tàu cổ đắm mà trước đó ngư dân khai thác trái phép để sót lại.
Tại hiện trường khai quật, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy một số cổ vật có hình dáng khác so với những hiện vật mà các cơ quan chức năng thu giữ của ngư dân lặn vớt trước đó như: lọ đựng rượu có 4 tai, chén sứ, bát sứ hoa lan, men có hoa văn chìm... “Theo đánh giá ban đầu của chúng tôi, các loại gốm sứ trên tàu cổ đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển là đồ dân gian thời Nguyên (Trung Quốc), thế kỷ 14. Trong đó nhiều cổ vật gốm sứ tạo văn giống tương tự như hoa văn gốm thời Trần của Việt Nam”, TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật Bộ VH-TT-DL nhận định.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, ước tính “kho” cổ vật trên tàu cổ đắm khoảng 40.000 món, với trị giá lên đến hàng chục tỉ đồng.
Hiển Cừ
Bình luận (0)