Đề mở, người chấm cũng phải... mở

07/06/2013 03:20 GMT+7

Đề mở, đáp án mở chỉ phát huy được hết ý nghĩa khi người chấm cũng phải mở lòng ra để đón nhận và phân tích những ý tưởng mới mẻ của thí sinh.

Về câu hỏi nghị luận xã hội (đề thi môn ngữ văn) bàn về hành động hy sinh tính mạng cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam, trong đáp án và hướng dẫn chấm thi, Bộ GD-ĐT ghi rõ: “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn vì Bộ không hướng dẫn rõ thế nào là lệch lạc và tiêu cực?

Đề mở, người chấm cũng phải... mở
Thí sinh chuẩn bị thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại hội đồng thi Trường THPT Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhiều cách biểu hiện lòng dũng cảm

Nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), người đã có kinh nghiệm nhiều năm tham gia chấm thi môn văn và làm chủ tịch hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT cho rằng: “Nhiều năm nay khi Bộ ra đề thi theo hướng mở thì chúng tôi cũng đã quen xử lý những tình huống như vậy”. Ông giải thích thêm: “Đề mở thì người chấm cũng phải mở - không thể áp đặt ý chí chủ quan của người chấm vào bài làm học sinh”.

 

Tôi tin rằng, qua đề thi tốt nghiệp THPT, câu chuyện của Nam sẽ làm lay động suy nghĩ của nhiều bạn trẻ. Sẽ không có lý gì mà không cho điểm cao khi học sinh nói được một điều đơn giản: hành động của Nam giúp em phải xem lại bản thân mình, có lúc nào đó mình đã sống ích kỷ, thờ ơ và vô cảm với những người xung quanh hay chưa 

Nguyễn Thị Như Hương
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội

Theo ông Đại, việc lệch lạc về tư tưởng đạo đức, có cách nghĩ tiêu cực theo kiểu chê bai, bài xích… rất dễ phát hiện. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra tình huống rất dễ xảy ra, đó là học sinh rất khâm phục và ngợi ca hành động dũng cảm của Nam nhưng khi liên hệ với bản thân các em có thể nói là không thể học tập theo hành động của Nam, không đủ dũng cảm như Nam... Với cách trả lời như vậy thì vẫn cho điểm nhưng không cho điểm tối đa của câu hỏi đó. Thế nhưng, nếu thí sinh đưa ra ý tưởng và có lập luận tốt thì vẫn cho điểm cao. Dù thí sinh không nói thẳng sẽ học tập theo Nam trong hành động cụ thể cứu người như đáp án nhưng chắc chắn có không ít người sẽ nói: “Em sẽ học tập ở Nam, biết giúp đỡ người khác từ những hành động rất nhỏ. Dũng cảm và biết nghĩ cho người khác chứ không đặt quyền lợi của mình lên trên hết thể hiện ở rất nhiều hành động khác trong cuộc sống, ví dụ như: giúp một cụ già đi sang đường dù mình đang rất vội đi đâu đó, giúp một em nhỏ lạc mẹ ở nơi công cộng… Làm những việc đó người giúp đỡ không phải đứng trước nguy cơ hy sinh tính mạng nhưng đòi hỏi phải biết nghĩ đến người khác”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Như Hương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội, nói: “Lệch lạc về đạo đức là điều rõ ra ngay, không khó khăn gì trong nhận biết được”. Bà Hương chia sẻ: “Tôi thấy mọi người cứ tranh cãi chuyện có học tập theo Nam nhảy xuống sông cứu người hay không, suy nghĩ đó là tương đối phiến diện. Tôi tin rằng, qua đề thi tốt nghiệp THPT, câu chuyện của Nam sẽ làm lay động suy nghĩ của các bạn trẻ. Dù bài làm các em không nói rằng em sẽ học tập theo bạn Nam, nhưng sẽ không có lý gì mà không cho điểm cao khi học sinh nói được một điều đơn giản là: hành động của Nam giúp em phải xem lại bản thân mình, có lúc nào đó mình đã sống ích kỷ, thờ ơ và vô cảm với những người xung quanh hay chưa”.

Bà Hương cho hay có học sinh lo lắng vì không nói sẽ học tập theo Nam dũng cảm cứu người vì thấy nói như vậy là nói dối. Nhưng học sinh này có viết: “Em sẽ học theo Nam từ những gì mình có thể, sẽ không thờ ơ với những đợt kêu gọi hiến máu nhân đạo; không để mặc các bạn đánh nhau mà không nhảy vào can ngăn như trước đây nữa…”. Học sinh này băn khoăn không biết viết như vậy có được chấm điểm không? “Tôi cho rằng, nói được như vậy là em đã làm rất tốt, rất đáng trân trọng” - bà Hương khẳng định.

“Gạn đục, khơi trong”

Ông Đặng Đình Đại cho biết: “Khi chấm thi tốt nghiệp, chúng tôi luôn tâm niệm là “gạn đục, khơi trong”. Dù câu trả lời lủng củng, diễn đạt chưa chuẩn xác nhưng chỉ cần lóe lên được ý tưởng tốt thì chúng tôi cũng cho điểm. Với những câu các em làm không đúng thì không cho điểm chứ không có chuyện trừ điểm”.

Nguyên tắc chấm thi tốt nghiệp THPT là 2 vòng độc lập, 2 giám khảo khác nhau. Nếu có sự bất đồng về quan điểm mà tranh luận cũng không thống nhất được thì bài thi đó sẽ được chấm hội đồng với sự tham gia của thanh tra chấm thi để đi đến kết luận điểm cuối cùng. “Nguyên tắc là không làm cho thí sinh bị thiệt thòi chỉ vì những bất đồng quan điểm của giám khảo” - ông Đại nói.

Bà Lương Kim Thanh Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho hay: “Học sinh hoàn toàn có thể yên tâm vì giáo viên có thể phân biệt và cho điểm với nhiều cách nhìn nhận khác nhau của học sinh”.

Không bắt buộc “đếm ý cho điểm”

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa”. Các giáo viên đánh giá đây là chủ trương phù hợp với cách ra đề mở, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh và cũng không còn bắt buộc người chấm phải “đếm ý cho điểm” như trước đây nữa.

Tuệ Nguyễn

>> Đề mở nên không có đáp án đóng
>> Vụ thí sinh cấp cứu sau khi thi: Xét đặc cách tốt nghiệp dựa vào điểm môn văn
>> Đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT 2013
>> Những khoảnh khắc khó quên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013
>> Đi thi tốt nghiệp lần 6
>> Chủ tịch xã đi thi tốt nghiệp
>> Xúc động với thông tin học sinh quên mình cứu 5 em nhỏ vào đề thi tốt nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.