Phát biểu tại hội thảo, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Joseph Y.Yun một lần nữa khẳng định quan điểm của nước này là phản đối mọi hành vi đơn phương cưỡng bách, đe dọa và dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở biển Đông. Theo ông, Mỹ ủng hộ toàn khối ASEAN đàm phán với Trung Quốc để nhanh chóng tiến tới Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông. Ông còn nói Mỹ sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc ở nhiều cấp với các bên liên quan với mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và tự do giao thương trong khu vực. Cũng trong ngày 5.6, Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel Locklear cũng có những tuyên bố tương tự trong chuyến thăm Malaysia.
|
Gần đây, có một số đề xuất lặp lại tuyên bố thường thấy từ Trung Quốc rằng các bên nên “gác tranh chấp, hợp tác khai thác”. Nhận định về điều này tại hội thảo, chuyên gia Ernest Z.Bower của CSIS nhận định rất khó thực hiện cùng hợp tác khai thác và phát triển ở vùng tranh chấp vì nó đòi hỏi lòng tin và sự minh bạch tối đa, chưa kể tính nhạy cảm về mặt đối nội.
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên trước khi hội thảo bắt đầu, chuyên gia Bonnie Glaser của CSIS bày tỏ lo ngại về căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang do Manila kiểm soát. Theo tờ The Philippine Star, Trung Quốc vừa điều thêm 1 tàu hải giám đến bãi Cỏ Mây, nâng số tàu công vụ có mặt phi pháp ở đây lên 3 chiếc.
Trong một diễn biến liên quan, Hãng tin CNA dẫn lời giới chức Đài Loan hôm qua tuyên bố quan hệ giữa đảo này và Mỹ “vẫn tốt đẹp” sau vụ tàu Đài Loan chạm mặt máy bay Mỹ ở khu vực quần đảo Trường Sa. Theo truyền thông Đài Loan, vụ việc xảy ra ngày 25.5 khi một tàu khu trục lớp Lafayette của Đài Loan hoạt động phi pháp ở khu vực quanh đảo Ba Bình, thuộc Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Đài Bắc chiếm đóng. Bất ngờ một máy bay PC-3 của Mỹ xuất hiện, theo đuôi tàu chiến trên một quãng dài rồi mới rời đi. Một số ý kiến cho rằng động thái này thể hiện sự lo ngại của Mỹ đối với các hành động phi pháp của Đài Loan tại Trường Sa. Chính quyền Đài Bắc thì khẳng định không có dấu hiệu thù địch hay căng thẳng xảy ra giữa tàu khu trục và chiếc PC-3 đồng thời vụ việc “không có gì bất thường”.
Trọng Kha
>> Hội thảo quốc tế về biển Đông tại Anh
>> Khai mạc hội thảo quốc tế về biển Đông
Bình luận (0)