Phạt người cởi trần chốn đông người: Khó khả thi?

07/06/2013 20:55 GMT+7

(TNO) Quy định cởi trần ở chốn đông người có thể bị phạt trong dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội được Bộ Công an lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ đang gặp không ít ý kiến trái chiều.

(TNO) Quy định cởi trần ở chốn đông người có thể bị phạt trong dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội được Bộ Công an lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ đang gặp không ít ý kiến trái chiều.

>> Cởi trần chốn đông người có thể bị phạt 200.000 đồng

cởi trần
Nhiều thanh niên cởi trần xem tivi ở một điểm buôn bán tạp hóa - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo dự thảo những cá nhân có hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh như không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước hoặc chửi tục nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng...

Anh Nguyễn Việt Thanh, đang làm nhân viên phục vụ một quán bia tại Q.Đống Đa (Hà Nội) cho biết quy định “không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi đông người” là khá mập mờ. Anh Thanh cho biết, chẳng những người bán, mà khách hàng đến uống bia vào những ngày nóng nực cũng thường xuyên ở trần cho mát.

“Đa phần cánh đàn ông, ngồi quán vỉa hè uống bia, lấy đâu ra điều hòa mát rượi mà chả cởi trần, nhất là những người đã uống nhiều, nóng, thì việc "phơi thịt" là chuyện khó tránh”, anh Thanh chia sẻ.

cởi trần
Không ít du khách nước ngoài cũng vô tư cởi trần đi mua sắm trên phố Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Còn theo quan điểm của ông Tính, chủ nhà trọ tại Q.Long Biên (Hà Nội), khái niệm “chốn đông người” trong dự thảo nói trên khá mù mờ.

Ông Tính cho biết, nhà gần chợ Long Biên, nên khách trọ phần lớn là những người tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống bằng công việc bốc dỡ hàng hóa trong chợ.

“Họ là dân lao động, trời nóng nực vẫn phải bốc xếp, dỡ hàng hóa thì chuyện cởi trần là bình thường. Mùa hè này, ở chợ Long Biên, nhiều người chỉ vắt cái khăn mặt dấp nước lên vai, quần quật lưng trần làm việc. Chợ cũng là chốn đông người, thì chả nhẽ hành động đó cũng bị cấm”, ông Tính nêu giả thuyết và cho rằng quy định nói trên không phù hợp với thực tế hiện nay cũng như thói quen của một bộ phận dân chúng.

Thanh Niên Online đã thăm dò ý kiến của nhiều người dân, người lao động ở Hà Nội, đa phần đều cho rằng dự thảo quy định này sẽ khó khả thi vì lực lượng chức năng sẽ khó có đủ người đi giám sát, xử lý chuyện ăn mặc của người dân.

"Nếu có một đám rất đông thanh niên cởi trần, nhảy múa, hò reo trên phố đông nghìn người vì đội bóng Việt Nam giành chiến thắng từng có ở Hà Nội thì lực lượng chức năng sẽ xử lý thế nào? Liệu có đủ người để bắt không? Nếu không bắt được ngay thì sau đó căn cứ vào đâu để phạt nguội được? Nếu xử lý người này nhưng không xử lý người kia thì lại thành thiếu công bằng. Trường hợp người cởi trần, mặc quần đùi, không mang theo tiền thì sẽ giải quyết thế nào?", anh Trần Nhân Nghĩa, 34 tuổi, làm việc gần bờ hồ Gươm đặt vấn đề.

Giá như quy định rõ ràng về đối tượng, phân theo độ tuổi hoặc giới tính và cụ thể về địa điểm thì sẽ có phần hợp lý hơn, chị Nguyễn Thị Thu, giáo viên một trường tiểu học tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội góp ý.

Chị Thu cho biết chỉ lo ngại việc ra luật rồi lại lãng quên, không thực thi triệt để như bao văn bản khác đã ban hành trước đó. Do vậy, các nhà làm luật nên lưu tâm đến vấn đề này.

Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng đưa ra mức phạt từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung như làm ồn ào huyên náo tại bệnh viện hoặc trường học, có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác...

Dự thảo cũng quy định phạt tiền từ trên 1,5 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm...

Phạt tiền từ trên 500.000 - 1 triệu đồng đối với người có hành vi cưỡng ép sử dụng các loại thuốc kích dục hoặc có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn.

Theo dự thảo, thẩm quyền xử phạt các hành vi trên là của công an, chủ tịch UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước. (Thái Sơn)

Đan Hạ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.