Được biết những hộ dân này có gốc gác từ xã Triệu Long (H.Triệu Phong), sống ở khu vực sụt lún, chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Sau trận “đại hồng thủy” năm 1999, UBND H.Triệu Phong và tổ chức SODI (Đức) thống nhất đưa số dân này về Khu tái định cư Tân Định (Khu phố 6, thị trấn Ái Tử). Từ năm 2000 - 2002, những hộ dân đã lần lượt sang “cắm dùi” ở đất mới, trung bình mỗi hộ được cấp 500m2 đất. Xuất thân từ nông dân, trước nay cũng sống bằng nghề nông nhưng lại “may mắn” được cấp đất trong vùng đô thị nên nhiều hộ dân của Tân Định nhiều năm sau đó vẫn phải sống kiểu “1 cảnh 2 quê”. Ở bên này, nhưng phải về làng cũ sản xuất nông nghiệp. Hoặc, một số phải tạt ngang qua nghề khác, chủ yếu cũng là việc chân tay như thợ nề, thợ mộc... Anh Đoàn Văn Thắng, chuyển lên Khu tái định cư Tân Định từ năm 2000 cho biết hiện đời sống gia đình vẫn rất khó khăn, nghề đúc bờ-lô của 2 vợ chồng không kham nỗi việc nuôi 3 đứa con. “Tôi cũng như hàng trăm hộ dân khác đều rất mong muốn chính quyền cho phép làm sổ đỏ sớm ngày nào hay ngày ấy. Có vậy chúng tôi mới yên tâm và mạnh dạn vay vốn, mở rộng kế sinh nhai”, anh Thắng nói. Trong khi đó, ông Đoàn Thi (62 tuổi) cũng cho hay đất đai gia đình được phân thì chỉ để ở không trồng trọt được gì, ngoài mấy sào ruộng nước ở quê cũ, ông còn thuê đất làm rẫy ở tận xã Hướng Phùng (H.Hướng Hóa) nhưng giờ cũng đang kẹt vốn. “Giá như có cái sổ đỏ thì mọi việc dễ dàng với tôi hơn”, ông Thi cảm thán.
|
Ông Đoàn Minh Triết, Khu phố trưởng KP.6 cho biết, sở dĩ suốt một thời gian dài mà dân địa phương vẫn chưa làm sổ đỏ là bởi trước đây, người dân và UBND huyện đã có cam kết là phải sau 10 năm kể từ khi cấp đất, sổ đỏ mới được cấp. “Phần vì chính quyền lo lắng sẽ xảy ra hiện tượng, bà con khi có sổ đỏ rồi lại không ở mà sang nhượng lung tung thì sẽ mất hiệu quả của dự án”, ông Triết nói. Mang câu chuyện này đến chính quyền thì ông Ngô Xuân Ái, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết từ năm 2012, UBND thị trấn đã có tờ trình gửi cho UBND huyện về việc tiến hành các thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ dân ở KP.6 và đã được UBND huyện đồng ý. “Nhưng trong năm 2013, chúng tôi được biết, Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị đang có dự án lập bản đồ, đo đạc dữ liệu đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thị trấn nên chúng tôi đợi thêm một thời gian để bà con được hưởng lợi từ dự án này. ”, ông Ái giải thích. Còn ông Phan Quang Giải, Phó chủ tịch UBND H.Triệu Phong cũng khuyên người dân hãy yên tâm vì những bước để hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ ở KP.6 đang được triển khai rốt ráo.
Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cần sớm được các cấp chính quyền ở H.Triệu Phong giải quyết. Sau bao năm mòn mỏi đợi chờ, nhiều người dân trải lòng: “Thực tâm chúng tôi mong chính quyền các cấp nói là làm, không nói suông. Bởi chưa an cư nên khó lạc nghiệp, cũng không thể an tâm đầu tư lâu dài...”.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)