Một trong số đó là tình trạng điều chỉnh tăng TMĐT quá lớn ở hầu hết các dự án, dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn.
Điều chỉnh tổng đầu tư tới hơn 6 lần
|
Cơ quan giám sát dẫn chứng: Quyết định số 171 của Thủ tướng ngày 24.7.2006 về TMĐT ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 150.668 tỉ đồng, nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 110.000 tỉ đồng. Đến Báo cáo số 152 ngày 19.10.2010 của Chính phủ, TMĐT điều chỉnh từ các bộ, ngành, địa phương đã lên tới 570.990 tỉ đồng, trong đó nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 530.302 tỉ đồng, nhu cầu còn lại sau năm 2010 là 315.000 tỉ đồng. Theo báo cáo mới nhất vào ngày 17.5 vừa qua của Chính phủ, TMĐT đã điều chỉnh lên 684.794,5 tỉ đồng.
Những ngành, lĩnh vực có dự án đội vốn đầu tư lên nhiều so với dự toán được cơ quan giám sát dẫn theo Báo cáo số 196 của Chính phủ, là các dự án giao thông, các dự án thủy lợi, các dự án bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh.
Tồn tại khác được chỉ ra trong báo cáo giám sát là cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thực sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”.
Lãng phí lớn
Kết quả giám sát cũng cho thấy bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) bằng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 có nơi, có lúc còn chưa nghiêm, bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém.
Đơn cử, theo quy định tại khoản 2 điều 27 của luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Nghiêm cấm việc bố trí dàn trải vốn đầu tư gây nợ đọng khối lượng xây dựng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định này, nhiều dự án ở nhiều bộ, ngành và địa phương thường không cân đối đủ vốn đầu tư, vượt quá khả năng kinh tế, có quá nhiều dự án được phê duyệt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng XDCB, nhiều dự án dở dang, gây lãng phí lớn cho ngân sách.
“Qua giám sát cho thấy, một trong những vấn đề gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước và TPCP là tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công các dự án, chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng. Chỉ có 2.027/2.863 dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012 hoàn thành, trong đó rất nhiều dự án chậm tiến độ, còn trên 800 dự án chưa hoàn thành”, báo cáo nêu.
Có 4 nguyên nhân của những tồn tại được chỉ ra trong báo cáo, trong đó có nguyên nhân xử lý lãng phí chưa nghiêm; các quy định về quyền hạn chưa đi đôi với chế độ trách nhiệm, chưa có chế tài cụ thể xử lý các sai phạm, kể cả người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị có sai phạm...
Bảo Cầm
Bình luận (0)