“Cây lúa sau khi gieo sạ xuống ruộng lại lên lá trắng, chúng tôi không giải thích được. Truy tìm nguyên nhân thì ra nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ cho hạt giống, hay nói nôm na là dùng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm”, một lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đưa ra ví dụ điển hình về tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu hiện nay của nông dân.
Báo cáo mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho thấy trung bình mỗi năm nước ta sử dụng từ 15.000 - 25.000 tấn thuốc BVTV. Gần 100% diện tích đất canh tác nông nghiệp đều có sử dụng thuốc BVTV, áp dụng cho tất cả các loại cây trồng. Ước tính trên 1.000 chủng loại thuốc BVTV có độc tính cao đang được sử dụng trên đồng ruộng. Các hóa chất BVTV hiện nay có một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid và một số chất khác như aldicarb, camphechlor… với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng và quản lý. “Tình trạng lạm dụng, sử dụng sai liều lượng, thời điểm thuốc BVTV đã đến mức báo động. Việc hằng năm nhập một lượng thuốc BVTV quá lớn cũng không tốt”, GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận định.
Việc lạm dụng thuốc BVTV khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, bởi hiện nay nông dân ĐBSCL gần như sản xuất quanh năm. Trong đó, các tỉnh thành trong vùng có kế hoạch tiếp tục gia tăng diện tích lúa vụ 3 trong mùa lũ lên hơn 800.000 ha (tăng gần 200.000 ha so với những năm trước). Điều này đồng nghĩa với việc có thêm khoảng 200.000 ha sử dụng thuốc BVTV và mất gần 200.000 ha đất có thể được gột rửa dư lượng thuốc BVTV tồn đọng, thông qua nước lũ. “Các doanh nghiệp có nhiều cách quảng cáo và nông dân lạm dụng ngay cả khi phun thuốc theo phác đồ của doanh nghiệp”, ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, nhận định.
Những nguyên nhân khiến nông dân lạm dụng thuốc BVTV ẩn chứa những hệ lụy khó lường: ô nhiễm môi trường; dư lượng thuốc BVTV còn “dính” trên sản phẩm nên bị phát hiện sẽ khó tiêu thụ ở thị trường nước ngoài; nguy cơ bùng phát dịch bệnh là khó tránh khỏi. Hiện tại tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đã dẫn đến kháng thuốc đối với một số cỏ dại. Dư luận đang lo lắng tình trạng này có chuyển sang đối với sâu bệnh.
Cao Phong
>> Có gần 6.300 cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật ở ĐBSCL
>> Chanh nhập từ Trung Quốc nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
>> Rau an toàn chứa thuốc bảo vệ thực vật
>> Gần 27% số hộ nông dân vi phạm quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
>> 70% người tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật bị ngộ độc
Bình luận (0)