Ngày 8.6, Trung Quốc lần đầu tiên công bố sách xanh của nước này về Ấn Độ Dương, trong đó đề cập chi tiết chiến lược và những kế hoạch nhằm bảo vệ cái gọi là quyền lợi của Bắc Kinh ở khu vực. Sách xanh đưa ra nhận định của Bắc Kinh dựa trên thuyết “mối đe dọa đối với Trung Quốc” và đặc biệt là “chiến lược Chuỗi ngọc trai”.
Những bước đi của Bắc Kinh
Theo báo The Washington Times, tên gọi “Chuỗi ngọc trai” xuất hiện lần đầu tiên trong một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2005. Khái niệm “Chuỗi ngọc trai” đề cập đến một mạng lưới cảng biển với “công năng kép” thương mại và quân sự do Trung Quốc đầu tư thiết lập nằm rải rác như những hạt ngọc trai. Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu chiến lược cũng thuộc Lầu Năm Góc, đảo Hải Nam được xem là một đầu của Chuỗi ngọc trai với các căn cứ hải quân sẵn có, đủ khả năng đáp ứng cả việc đồn trú tàu ngầm hạt nhân tấn công.
|
Từ Hải Nam, thông qua tuyến hàng hải xuyên qua biển Đông và eo biển Malacca, các viên ngọc khác đã và sẽ góp mặt để hình thành một xâu chuỗi phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh. Tại cảng Gwadar của Pakistan, Bắc Kinh đã thiết lập các chốt “nghe trộm” và theo dõi tàu bè đi qua eo biển Hormuz và biển Ả Rập. Cảng container Chittagong của Bangladesh cũng được Trung Quốc đưa vào “chuỗi ngọc” của mình. Theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh đã cân nhắc chi 20 tỉ USD để xây dựng một kênh đào xuyên qua khu vực Kra Ithmus của nước này để tránh đi qua eo biển Malacca. Trung Quốc cũng đang hợp tác phát triển cảng Hambantota của Sri Lanka. Về lâu dài, cùng với một số cảng biển mà Trung Quốc đang ra sức phát triển ở châu Phi, Bắc Kinh sẽ thiết lập một “vòng vây” bao quanh “kỳ phùng địch thủ” Ấn Độ.
New Delhi đáp trả
Ngay sau khi Trung Quốc công bố sách xanh về Ấn Độ Dương, truyền thông Ấn Độ đã lên tiếng kêu gọi điều chỉnh lại chính sách của New Delhi để đối phó với Bắc Kinh. Theo tờ Economic Times, chiến lược “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc có thể được đối phó bằng việc thành lập một “chuỗi trường kiếm” với những nước có cùng suy nghĩ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trên thực tế, Ấn Độ đã âm thầm thực hiện chiến lược này khi sớm nhận ra “mối đe dọa Trung Quốc”. Theo tạp chí điện tử The Diplomat, cùng với việc củng cố sức mạnh hải quân bằng việc đầu tư trang bị vũ khí và trang thiết bị hiện đại, hải quân Ấn Độ gần đây đã tăng cường “xâm nhập” châu Á - Thái Bình Dương bằng những chuyến thăm hữu nghị và tập trận chung với các nước trong khu vực. Đây là một phần trong chính sách “Hướng sang phía đông” với mục tiêu đảm bảo an ninh, ổn định tại khu vực cũng như để kiềm chế Trung Quốc. Chuyến thăm Malaysia, Philippines và Việt Nam của một đội tàu chiến Ấn Độ hồi đầu tháng này không nằm ngoài mục đích kể trên.
Nhật đang nổi lên như một phần quan trọng trong “chuỗi trường kiếm” của Ấn Độ. Theo Economic Times, bất chấp phản ứng giận dữ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cuối tháng trước đã thỏa thuận nâng quan hệ chiến lược giữa 2 nước bằng việc cam kết sẽ cùng nhau đảm bảo sự ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước cũng đã nhất trí tăng cường các cuộc tập trận hải quân chung và Tokyo cũng đã tỏ ý sẵn sàng cung cấp thủy phi cơ US-2 cho New Delhi. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang thắt chặt quan hệ với nhiều đối tác khác như Mỹ, Úc…
Trùng Quang
>> Trung Quốc sẽ mua thêm Su-35 của Nga
>> Trung Quốc mở phiên tòa xét xử cựu bộ trưởng tham nhũng
>> Trung Quốc xét xử cựu Bộ trưởng Đường sắt
>> Trung Quốc phát triển tên lửa chọc thủng lá chắn Aegis của Mỹ
>> Mỹ, Trung Quốc muốn Triều Tiên giải trừ hạt nhân
>> Mỹ thúc giục Trung Quốc “xuống thang” đối với Senkaku/Điếu Ngư
Bình luận (0)