Thiếu những cái tên
Rạp u Cơ (Hà Nội) tắt toàn bộ đèn. Trong bóng tối, một giọng nói vang lên rành rẽ. Nào, có một con vật đen đen, dài dài, mềm mềm sẽ trườn lên đùi các bé... Khán giả nhí hét lên, không phải vì sợ, mà vì chúng nhận ra chủ nhân giọng nói. “Chú Xuân Bắc đấy”, một bé thì thào. Xuân Bắc, Tự Long là hai tên tuổi phòng vé cho trẻ em phía bắc. Dịp 1.6 vừa qua, nhà tổ chức đã phải mở thêm suất diễn để các bé có thêm lựa chọn về thời gian, không bị lỡ dịp gặp diễn viên mà các em yêu mến.
|
|
Nhưng cũng chính chú Xuân Bắc với miệng cười mủm mỉm lại chưa thể thành thần tài của sân khấu kịch cho người lớn, cho dù những vai diễn của anh ở nhà hát kịch cũng rất nắn nót. Nhìn xung quanh, trừ kịch thiếu nhi, sân khấu phía bắc giờ không có những tên tuổi có thể gây bão phòng vé. Qua rồi cái thời người ta phát điên lên trước cửa phòng vé vì nét duyên không thể cưỡng của Trần Tiến, sự đằm thắm của Hoàng Cúc, hoặc sự e lệ thanh khiết của Lê Khanh trong các vai diễn...
“Phía nam là cảm giác đó (ngôi sao của phòng vé - NV) vẫn giữ được”, NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, cho biết. “Chẳng hạn chị Ngọc Giàu diễn là lượng vé bán lên hẳn. Người ta bán trọn vé. Đó là nền sân khấu của những ngôi sao”.
Cần xã hội hóa hơn
Có một lý do để các nhà hát phía bắc - phần lớn trực thuộc nhà nước - khó có ngôi sao. Theo một nghệ sĩ chia sẻ: “Nếu vun cho Lê Khanh để Khanh có một vai rực rỡ thì nội bộ của nhà hát có thể phức tạp. Còn trong kia họ nói Thành Lộc phụng sự lại những người mua vé đến xem Thành Lộc. Cho nên bầu trời phải chấp nhận bầu trời nền đen thì các ngôi sao mới lấp lánh được. Ở đây là sự nhân nhượng với nhau trong nghề nghiệp”.
Nền sân khấu của những ngôi sao như thế, theo nhà phê bình sân khấu PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, liên quan chặt chẽ tới việc xã hội hóa sân khấu. Các tên tuổi ngôi sao như Thành Lộc, Hồng Vân, Hoài Linh... gắn bó chặt chẽ với nền sân khấu xã hội hóa sau lưng. “Công chúng của xã hội hóa được chiều chuộng. Họ được quyền chọn nghệ sĩ mình thích, và người làm sân khấu cũng phải có ngôi sao đó nếu muốn bán vé. Cách thưởng thức như trong miền Nam như vậy nó mới ra ngôi sao phòng vé”.
Tuy nhiên, theo bà Thái, điều này không hẳn do ảnh hưởng của văn hóa vùng. Nó chủ yếu do sự phát triển, phân loại của sân khấu. “Chỗ nào sân khấu phát triển thì có ngôi sao. Còn nếu đứt mạch đập của kịch trường thì ngôi sao không có”, bà nói. Theo bà, sự đứt mạch sân khấu bắc thì rất rõ. Đến vở diễn hay nhất cũng không diễn liên tục được, chẳng hạn vở Nhà Oshin của NSND Lê Khanh. Hiện thực trên cho thấy khán giả mất thói quen thưởng thức, còn sân khấu không đủ sức “đối thoại” với công chúng. Điều này, chỉ xã hội hóa mới cứu được, bằng sự đa dạng của các vở diễn, diễn viên ngôi sao. Cũng phải nói thêm, những vở diễn của Xuân Bắc - Tự Long đều là vở xã hội hóa.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết chính ông cũng đang thực hiện một nghiên cứu về vấn đề xã hội hóa sân khấu. Đề tài này ông Chương làm do nhu cầu tự thân vì việc xã hội hóa là tất yếu. Nhất là khi, theo một nghệ sĩ, quỹ văn hóa công cộng hầu như đã không còn nữa. |
Trinh Nguyễn
>> Liên hoan sân khấu hóa - hợp xướng Sử ca VN
>> Đừng sân khấu hóa du lịch!
>> Nguy cơ sân khấu hóa di sản
Bình luận (0)