Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn trả lời báo chí - Ảnh: Hoàng Trang |
Thông tin này được khẳng định tại cuộc họp báo về Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân, do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua.
|
Theo ông Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án, các bộ Tư pháp, Công an và các bộ ngành liên quan đã gấp rút thực hiện theo lộ trình để đảm bảo mục tiêu đề án đưa ra.
Một trong những nội dung trọng tâm của đề án này là mã số cho công dân sẽ được thực hiện từ năm 2016. Trong đó, cơ quan công an sẽ cấp đối với những người khai sinh trước ngày 1.1.2016, còn cơ quan tư pháp cấp mã số công dân cho người khai sinh sau thời điểm này.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Hồng Sơn cho biết mã số công dân là một dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, được gọi nôm na như chiếc chìa khóa để truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, người dân sẽ giảm được nhiều loại giấy tờ trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, cư trú và nhiều lĩnh vực liên quan, như: giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu...
Tiết kiệm 1.600 tỉ đồng/năm
|
Theo Bộ Tư pháp, trước khi cấp mã số công dân thì cơ quan chức năng phải hoàn thiện được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời rà soát thủ tục hành chính để thay đổi theo hướng tinh giản, gọn nhẹ.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng và dự kiến sẽ vận hành từ 2016 cùng với việc cấp mã số công dân. Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), cho biết chỉ tính riêng chi phí xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là khoảng 4.000 tỉ đồng. Phía Bộ Tư pháp không đưa ra con số tổng thể về kinh phí, nhưng cho biết qua việc rà soát lại 1.300 thủ tục hành chính và sửa đổi khoảng 178 văn bản quy phạm pháp luật tại nhiều bộ ngành sẽ tốn khoảng 30 - 40 tỉ đồng/năm.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết với việc giảm các thủ tục hành chính nói trên, và sử dụng mã số công dân sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và nhà nước khoảng 1.600 tỉ đồng/năm.
Dù cho rằng lợi ích của mã số công dân là rất lớn và làm sớm sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng, nhưng cả Bộ Tư pháp và Công an cho biết không thể đốt cháy giai đoạn. Theo Bộ Tư pháp, việc triển khai đề án sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, với quy mô 90 triệu dân thì việc thu thập thông tin dữ liệu công dân để xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia là vấn đề không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Chưa hết, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, nếu muốn cải cách, đưa ra phương án đơn giản hóa thì phải sửa đổi các quy định trong văn bản liên quan. Vì vậy, từ nay đến 2014, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì giúp Chính phủ hoàn thiện trình Quốc hội thông qua luật Hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý cho mã số công dân. Bộ Công an xây dựng trình chính phủ nghị định về cấp, quản lý và sử dụng mã số công dân, nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Thái Sơn
>> Số CMND mẫu mới sẽ thành mã số công dân
>> Mã số công dân
>> Mã số chứng minh nhân dân sẽ là mã số công dân
>> Đề xuất cấp mã số công dân
Bình luận (0)