Mỗi địa phương trong cả nước đều tồn tại ít thì vài điểm đen, nhiều thì vài chục điểm đen tai nạn giao thông (TNGT), mỗi năm cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trong đó, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Kỳ Anh đều là những địa danh dọc tuyến QL1 qua Nghệ An - Hà Tĩnh khiến nhiều tài xế xe khách, xe hàng đường dài phải rùng mình ớn lạnh...
Dốc Truông Vên, một điểm đen giao thông - Ảnh: Mai An |
Mát ga là... chết !
|
Tài xế Nguyễn Đức Toàn (H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), người có nhiều năm chạy xe khách tuyến Hà Nội - Nghệ An, khẳng định “đã được tuyển làm tài xế chạy xe khách tuyến này thì chẳng có tài nào là lái non, ít kinh nghiệm cả”. Theo anh Toàn, nhà xe chỉ chọn những tài “cứng cựa” để còn đủ sức tranh giành khách với những nhà xe khác. “Xe tốt, lái già, nhưng tai nạn vẫn thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân à? Đều do sự chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường nhằm bắt được nhiều khách…”, anh Toàn nói và cho biết nhiều tài xế anh quen biết chạy xe cả chục năm chỉ trên một vài tuyến nhất định, nên họ thuộc từng khúc cua, từng vị trí công an lập chốt kiểm tra, từng điểm giao cắt hay khu vực đông dân cư. “Ngoại trừ những điểm cần cảnh giác, chú ý thì họ mới giảm tốc độ, còn lại các tài phóng chẳng khác gì ma đuổi. Chính vì vậy, khi bất chợt gặp tình huống khẩn cấp, chướng ngại vật trước mặt là rất khó để xử lý an toàn”, anh Toàn phân tích, rồi giọng chùng xuống: “Rất nhiều tài già vì chủ quan phải trả giá đắt cho những lỗi mà từ khi mới ngồi ôm vô lăng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần”.
Chạy tuyến Hà Nội - Vinh cả chục năm nay, tài xế Trần Văn Tùng (ở Quỳ Hợp, Nghệ An) chia sẻ, một số điểm như cầu Bùng (thuộc xã Diễn Kỷ, H.Diễn Châu, Nghệ An), K431- 433 đoạn qua xã Diễn An, K428-429 + 300, đều là những đoạn đường đẹp, ít người qua lại song vẫn thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. “Đoạn cầu Bùng vắng vẻ, có cua, hơi khuất tầm nhìn, do vậy tài xế nào mà ỷ thế đường đẹp, “mát” ga thì kiểu gì cũng gây tai nạn. Như tôi đây, đã có lần chủ quan phóng nhanh, khi vừa vào cua, chưa kịp trả lái thì gặp chiếc xe đi ngược chiều lấn làn. May lần đó xử lý kịp nên thoát chết. Từ sau đận đó tôi hú vía, nhớ mãi”, tài xế Tùng kể.
Cũng theo tài xế Tùng, không ít vụ TNGT thảm khốc có thể tránh được, nếu chính những người ngồi ôm vô lăng “xuống nước”, nhường nhau chỉ một vài mét đường. “Đã chấp nhận chạy xe khách thì chẳng tài nào là không phóng nhanh, lấn làn để vượt. Nhưng vượt kiểu lấn làn là vô cùng nguy hiểm. Vì khi vượt mà gặp xe khác đi chiều ngược lại, trong trường hợp xe họ đi đúng đường, họ không nhường cho chỉ 1 - 2 m đường thì tai nạn kiểu gì cũng xảy ra. Đã có nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra trong trường hợp này”, tài xế Tùng tiết lộ.
Điển hình như vụ tai nạn giữa tháng 6.2012, tại Km 383 QL1A qua thị trấn Hoàng Mai (Nghệ An). Xe tải 29C-210.33 chạy hướng Hà Nội - Vinh đã va chạm với xe tải khác và một xe khách giường nằm tuyến Vinh - Hà Nội BKS 29B-004.76 chạy chiều ngược lại, khiến 1 hành khách trên xe khách chết tại chỗ, hai người bị thương nặng, giao thông tại khu vực ách tắc gần 2 tiếng. Trung tá Võ Quang Trung, Đội phó CSGT huyện Quỳnh Lưu, nói nguyên nhân vụ tai nạn là xe tải 29C-210.33 chạy quá tốc độ quy định, trời mưa nhưng vẫn cố gắng vượt lên trên, trong khi xe khách đi chiều ngược lại không nhường đường. “Nếu xe khách đánh sang bên một chút, thì xe tải sẽ lọt giữa hai xe. Nhưng những hành khách còn sống sót trên xe cho biết dù thấy xe tải vượt đường, tài xế xe khách vẫn lao thẳng, đối đầu trực diện khiến cả 2 xe bẹp dúm phần đầu. Chúng tôi phải dùng cẩu kéo mãi mới ra. Cả 2 xe đều mắc lỗi hỗn hợp khi không nhường đường và giảm tốc độ. Nhưng đáng tiếc là tâm lý nhiều tài xế là phần tôi tôi đi, không nhường không tránh mà sẵn sàng đối đầu, kết quả là tai nạn thảm khốc”, ông Trung chia sẻ.
Vụ tai nạn xe khách xảy ra trên QL1A, đoạn qua xã Kỳ Đồng, H.Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) làm 1 người chết, 5 người bị thương - Ảnh: C.T.V
|
Đoạn đường “ma ám” (?)
Tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 2 người chết, xảy ra tại địa bàn xã Diễn Thịnh, H.Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) - Ảnh: C.T.V
|
Nhiều người dân địa phương gọi những điểm đen trên tuyến đường này là các “điểm ma”, như khu Quỳnh Giang - giáp Diễn Trường (Diễn Châu, Nghệ An) hay cầu Đen, thường xuyên xảy ra va chạm trên đường trống. “Xe không thấy chướng ngại vật nên phóng rất nhanh. Việc xảy ra quá nhiều vụ va chạm giữa xe khách, xe tải đường dài khiến nhiều người coi đây là khu vực tâm linh, nhiều lái xe đi qua đều khớp”, trung tá Võ Quang Trung cho biết.
Ông T., sinh sống gần dốc Truông Vên tại xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), từng tham gia cứu hộ nhiều vụ xe tự lật, vẫn hoang mang khi kể lại: “Chỗ dốc này nhiều tai nạn lắm rồi, có thời gian cứ cách vài ngày lại có một vụ xe tự lật, nghe nói có oan hồn bị tai nạn không được siêu thoát nên cứ lang thang đây đó nhằm bắt người (?!)”. Theo quan sát của chúng tôi, dốc Truông Vên là đường cua gập khuỷu tay, khi trời mưa đường trơn thường xuyên xảy ra tai nạn hoặc xe tự lật bởi lái xe phóng nhanh, không kiểm soát được tốc độ, phanh gấp là lật. Những người dân địa phương chưa quên được vụ tai nạn lúc 4 giờ 30 sáng 23.8.2012 tại Km 12 + 500 QL48 (dốc Truông Vên). Xe khách 29B-036.29 do lái xe Mai Trường Giang đi hướng tây sang đông, từ thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đi ra ga Yên Lý, đường cua, trơn, xe đổ xuống vực khiến 3 người chết, 35 người bị thương. Theo trung tá Võ Quang Trung, dốc Truông Vên nổi danh với nhiều vụ tự lật xe, va chạm xe không chỉ bởi địa hình nhiều dốc cua gập, mà còn do thiếu hệ thống cảnh báo với giới tài xế. “Chúng tôi đã đề nghị gắn biển báo hiệu tai nạn ở đoạn dốc này nhưng chưa có”, ông Trung nói.
Đoạn qua xã Kỳ Giang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từng là điểm đen được mệnh danh là đoạn đường “ma ám”, nơi những vụ tai nạn tập trung nhiều đến mức khiến người dân phải đồn thổi về những câu chuyện tâm linh xung quanh các vụ tai nạn. Như vụ tai nạn tháng 3.2012, ô tô con 29A-173.54 do V.V.T (Hà Nội) điều khiển chở theo 3 người đều ở Chương Mỹ (Hà Nội) đã va chạm mạnh với xe tải 54N-6067, hậu quả 3 người trên xe con tử nạn tại chỗ, người còn lại bị thương nặng. Khi PV khẳng định không có chuyện ma quỷ, ông Vũ Văn Thịnh (53 tuổi, một người dân sinh sống tại xã Kỳ Giang) “cật vấn” lại: “Thế tôi hỏi chú, đoạn đường này rất bằng phẳng, đẹp, khá rộng, thời điểm gần trưa vắng người qua lại, làm sao có chuyện tài xế taxi không quan sát thấy chiếc xe tải đi ngược chiều”.
Gần đây, đoạn Kỳ Giang không còn nổi lên như điểm đen gây kinh hoàng cho dân lái xe và người dân địa phương, thì nhiều đoạn trong địa bàn Kỳ Anh như qua xã Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Khang lại “nổi lên” thay thế. Lỗi có lúc do lái xe tải, nhưng đôi khi cũng do chính nạn nhân...
Theo Thông tư số 26 của Bộ GTVT ban hành ngày 20.7.2012, điểm đen TNGT được quy định là nơi thường xảy ra TNGT, điểm tiềm ẩn là nơi có thể xảy ra TNGT. Tiêu chí xác định điểm đen là tình hình TNGT xảy ra trong một năm (12 tháng) đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí sau: 2 vụ TNGT có người chết; 3 vụ tai nạn trở lên trong đó 1 vụ có người chết; 4 vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương. Tiêu chí xác định điểm tiềm ẩn TNGT trong 1 năm thuộc 1 trong 2 trường hợp: hiện trạng công trình đường bộ, tổ chức giao thông và xung quanh vị trí có yếu tố gây mất an toàn giao thông. Xảy ra 5 vụ va chạm trở lên hoặc có ít nhất 1 vụ tai nạn nhưng chỉ có người bị thương. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN, tính đến hết năm 2012 tổng số điểm đen và tiềm ẩn TNGT trên cả nước là 315 vị trí (trong đó có 64 vị trí điểm đen và 251 vị trí tiềm ẩn TNGT).
|
(Còn tiếp)
Mai Hà - Minh Sang
>> Lại xảy ra tai nạn giao thông ở “điểm đen”
>> Dựng rào chắn xóa điểm đen tai nạn
>> Lại xảy ra tai nạn ở “điểm đen” An Đồn
>> Xóa 24 điểm đen tai nạn giao thông
>> Tập trung xóa điểm đen tai nạn giao thông
Bình luận (0)