Ý tưởng về một khu công nghệ cao
Năm 1994, khi ngành CNTT Việt Nam mới đang bước những bước đi đầu tiên, ông Bình đã mơ ước đến một khu công nghệ cao (KCNC) quốc gia, nơi thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và là một trong những cách tốt nhất giúp Việt Nam vươn lên ngang tầm với các nước tiên tiến. Nhưng để hiện thực hóa được ước mơ này, ông cần phải cung cấp cho các nhà lãnh đạo cấp cao, các ban ngành trung ương và Hà Nội những luận chứng khoa học thuyết phục. Vậy là ông Bình đã cùng các cộng sự lao vào nghiên cứu, lập đề án “KCNC quốc gia - Điểm đột phá trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. “Các thông tin, tài liệu thu thập càng ngày càng dẫn chúng tôi đến niềm tin sâu sắc rằng đây là hướng đi tất yếu của Việt Nam”, ông Bình nhớ lại.
|
Ông Bình đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục những người có quyền quyết định sự sống còn của bản đề án này. Kết quả là tháng 11.1994, FPT được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai KCNC Hà Nội, tiền thân của KCNC Hòa Lạc hiện nay. Hiện KCNC Hòa Lạc được xem là một thành phố khoa học với 32 dự án đã và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động với gần 6.000 người thường xuyên học tập và làm việc. FPT là một trong số những nhà đầu tư hoạt động tích cực tại đây với hai dự án lớn là Trường đại học FPT và Làng phần mềm F-Ville. Trường đại học FPT tại KCNC Hòa Lạc hiện có trên 1.200 sinh viên đang theo học. Còn F-Ville dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối quý 3 năm nay với trên 1.500 nhân viên.
Lượm kinh nghiệm trong... thùng rác
Năm 1998, sau 10 năm thành lập FPT, ông Bình quyết định tìm hướng đi mới cho công ty là toàn cầu hóa. “FPT có thể đi vào con đường suy thoái nếu như tự hài lòng với vị trí số 1 Việt Nam và không có những thách thức mới”, ông Bình bộc bạch. Thách thức mới đó là xuất khẩu phần mềm (XKPM) và là bước đi đầu tiên trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT. Trong một hội nghị lãnh đạo FPT, ông Bình đã thuyết phục được tất cả lãnh đạo ký quyết tâm thư cho cuộc chiến XKPM. Ông cùng đồng sự đi học hỏi kinh nghiệm của các công ty phần mềm lớn thế giới, ghi chép, xin tài liệu, thậm chí nhặt cả giấy nháp trong thùng rác.
Từ năm 2000, ông Bình đã mơ ước về một FPT có 5.000 lập trình viên và 200 triệu USD doanh số XKPM. Nhưng không phải cứ có ước mơ là thành công, những chiến dịch xuất khẩu phần mềm đầu tiên của FPT hầu như toàn gặp phải thất bại. Sau 2 năm thực hiện chiến lược xuất khẩu phần mềm, năm 2000, doanh thu mảng này của FPT đạt trên 400.000 USD. Vậy nhưng tổng số tiền mà FPT đã bỏ ra đầu tư đã lên đến 920.000 USD. Sau những vấp ngã đầu tiên, thất thủ tại Ấn Độ và Mỹ, ông Bình và cộng sự ngộ ra được nhiều điều và FPT đã gặt hái được những thành công lớn từ thị trường Nhật Bản. Hiện Nhật Bản là thị trường mang lại doanh thu lớn nhất cho lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT, chiếm trên 50% tổng doanh thu lĩnh vực này.
Năm 2002, ông Bình nhận thấy công cuộc XKPM sẽ khó thành công khi FPT đơn độc trên con đường này. Ông nỗ lực vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, nay là Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA). Đây là tổ chức liên kết các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam, với sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm lớn của thế giới. Ông là Chủ tịch VINASA từ ngày thành lập cho đến nay.
Còn trong giai đoạn hiện nay, ông đang trăn trở với việc làm thế nào để ngành phần mềm Việt Nam có được vị thế cao hơn nữa tại thị trường Nhật Bản, trong bối cảnh các đối tác Nhật Bản đang đi tìm lời giải hiệu quả cho những vấn đề họ đang gặp phải như Trung Quốc + 1; thiếu nhân lực ICT; cắt giảm chi phí. “Vấn đề của các doanh nghiệp phần mềm bây giờ không phải là cạnh tranh lẫn nhau, mà phải cùng nhau “đan lưới” để đánh bắt mẻ cá lớn từ Nhật Bản. Nếu có một tấm lưới chắc hơn to hơn, chúng ta có thể bắt được một mẻ cá nặng hơn. Còn nếu chúng ta cứ mạnh ai nấy làm thì không khác gì đi bắt cá bằng đơm”, với tư cách là Chủ tịch VINASA, ông Bình chia sẻ.
Ngày 22.5, ông Bình đã được Tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản, Nikkei Inc. trao giải thưởng Nikkei Asia 2013 trong lĩnh vực Phát triển khu vực, vì những cống hiến của ông cho chính công ty ông sáng lập cũng như sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam.
Chớp cơ hội từ xu hướng dịch chuyển công nghệ
Suốt 25 năm qua, ông Bình luôn trăn trở với việc làm thế nào để nâng cao vị thế công nghệ của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Và theo ông giai đoạn hiện nay đang là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam có thể tạo ra sự thay đổi lớn về vị thế công nghệ. “Cả thế giới đang dịch chuyển từ mô hình máy chủ - máy trạm (Client Server) sang công nghệ di động (Mobility), điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data). Điều này có nghĩa là Việt Nam có cơ hội để cùng đứng chung với cả thế giới trong cuộc đua dịch chuyển công nghệ này”, ông Bình cho biết.
Ông Bình cũng chia sẻ thêm ở lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT đã có những bước tiến xa hơn về công nghệ. Từ việc cung cấp dịch vụ gia công cho đối tác, FPT đã có thể đứng ở vị trí tư vấn, cung cấp cho đối tác những giải pháp, dịch vụ trọn gói theo các xu hướng công nghệ mới. “Chúng tôi đã và đang triển khai giải pháp và phát triển ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây của Amazon với một công ty sản xuất ti vi hàng đầu Nhật Bản, hay hợp đồng về dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) và công nghệ di động (Mobility) với một hãng hàng không lớn bậc nhất của Mỹ”.
Có lẽ cũng vì thế mà FPT đã xác định năm 2013 là năm công nghệ của FPT. Ông Bình khẳng định: “FPT xác định phải nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để gần hơn với mục tiêu trở thành Tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh”.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Lộc Phạm
>> Chủ tịch FPT nhận giải thưởng Nikkei châu Á 2013
>> Trải nghiệm FPT T6 cùng xu hướng công nghệ
Bình luận (0)