Vì sao Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long bị bắt ?

17/06/2013 03:25 GMT+7

Việc Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long Nguyễn Hữu Khai, từng là một “điển hình thành đạt”, bị bắt tạm giam đang gây rất nhiều sự chú ý trong dư luận.

Vì sao Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long bị bắt ?

Ông Khai được di lý về tới sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: Nam Anh

Ông Khai bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội thực hiện lệnh bắt chiều 15.6, tại trụ sở Công ty TNHH đông nam dược Bảo Long (ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM). Trưa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội dẫn giải ông Khai ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Thời điểm bị bắt, ông Khai là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đông nam dược Bảo Long, Giám đốc Công ty TNHH đông nam dược Bảo Long TP.HCM.

Từ nguyên mẫu lên phim...

Ông Nguyễn Hữu Khai (61 tuổi, quê quán thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) từng theo học Đại học Kiến trúc, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau đó bỏ học và vượt biên sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, ông Khai được một bà chủ hiệu thuốc truyền nghề chữa bệnh bằng các phương thuốc Trung y. Năm 1979, ông Khai về nước và bị bắt, phạt tù giam 3 năm tại các nhà tù ở Lạng Sơn và Hỏa Lò vì tội vượt biên trái phép. Mãn hạn tù, ông Khai quay lại quê hương và bắt đầu chữa bệnh bằng các bài thuốc đã học được trong thời gian ở Trung Quốc. Nhưng do nợ tiền các hiệu thuốc quanh vùng khá nhiều và không có giấy phép hành nghề y, ông Khai phải lặn lội vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng, Sông Bé tiếp tục kiếm sống bằng nghề bốc thuốc.

Sau hai năm ở vùng kinh tế mới, ông Khai vào TP.HCM để hành nghề xem mạch, kê đơn, bốc thuốc; tới năm 1987 mở lớp dạy y học cổ truyền tại Q.5 cho các học viên đến từ Tây Ninh, Tiền Giang, Sông Bé, Cần Thơ…

Khoảng năm 1993, ông Khai thành lập Công ty TNHH đông nam dược Bảo Long ở xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM. Bắt đầu từ đây, ông Khai mở ra nhiều chi nhánh khắp các tỉnh phía bắc.

Năm 2005, ông Khai xây dựng Bệnh viện đa khoa Bảo Long (tại xã Cô Đông, TX.Sơn Tây, TP.Hà Nội), đồng thời có sự tham gia làm việc của nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Lúc này, Tập đoàn Bảo Long đã lớn mạnh trong cả nước với hơn 1.000 nhân viên, sản phẩm làm ra được xuất đi nhiều nước. Năm 2007, ông Khai khởi công xây dựng trường phổ thông võ thuật với quy mô từ bậc tiểu học cho tới bậc trung học phổ thông.

Không chỉ thành công trong công việc với vô số những danh hiệu như huân chương, cúp vàng thương hiệu Việt…, ông Khai còn được dư luận, báo đài nhắc tới với vai trò một mạnh thường quân hay ra tay cứu giúp rất nhiều những trường hợp, cảnh ngộ khó khăn. Thậm chí, còn có bộ phim truyền hình dài tập Đường đời với nhân vật chính là nguyên mẫu ông Nguyễn Hữu Khai.

...đến trốn thuế và sử dụng tài sản trái phép

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc liên tục mở rộng phạm vi kinh doanh một cách dàn trải, trong khi tầm nhìn chiến lược cũng như công tác quản lý còn yếu kém, chính là một trong những nguyên nhân đi xuống của Tập đoàn Bảo Long.

Sau một thời gian dài thanh tra, cuối tháng 12.2012, Cục Thuế TP.Hà Nội đã yêu cầu Tập đoàn Bảo Long phải nộp lại số thuế cộng với tiền phạt lên tới 1,9 tỉ đồng. Trong số thuế Bảo Long phải nộp lại, có khoản tiền 939 triệu đồng là thuế GTGT. Xác định đây là hành vi trốn lậu do không nộp hồ sơ khai thuế GTGT, Cục Thuế Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chưa hết, quá trình thanh tra, Cục Thuế Hà Nội còn phát hiện Tập đoàn Bảo Long không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân trong việc chuyển nhượng cổ phần gần 37 tỉ đồng, trong đó có 24 tỉ đồng của ông Nguyễn Hữu Khai.

Trong diễn biến khác, do thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, để thanh toán chi phí sản xuất, trả lương cho cán bộ, nhân viên, công nhân, Bảo Long chấp nhận đi vay tiền với lãi suất cao. Tính đến ngày 31.1.2011, tập đoàn này đã vay tổng số 286,785 tỉ đồng từ các ngân hàng, cá nhân và từ các cổ đông. Đặc biệt, có những khoản vay mà Bảo Long phải trả lãi suất từ 18 - 21%.

Khó khăn, không đủ khả năng thanh toán các khoản vay buộc Bảo Long phải bán cổ phần. Ngày 3.3.2011, tại trụ sở của Tập đoàn Bảo Long, ông Khai cùng các cổ đông đã ký bản hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm cho Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn.

Theo bản hợp đồng được ký, Tập đoàn Bảo Sơn đã chuyển 227,5 tỉ đồng cho Tập đoàn Bảo Long để mua cổ phần tại Bảo Long gồm toàn bộ vốn cổ phần của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ 53.382,7 m2 quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả các công trình ngầm, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp, nhãn hiệu và bản quyền thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Hữu Khai với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Trong suốt thời gian từ 2011 đến nay, ông Khai đã nhiều lần chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn. Việc ông Nguyễn Hữu Khai chiếm giữ những tài sản đã bán này gây ra nhiều thiệt hại cho Tập đoàn Bảo Sơn, cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài.

Sau quá trình dài điều tra, chiều 15.6, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng ông Khai để điều tra về hành vi sử dụng trái phép tài sản.

Hà An

>> Bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.