Khuynh hướng ra đề và cách làm bài
Lịch thi các địa phương * Báo Thanh Niên sẽ đăng bài giải gợi ý - Ngày 18.6, hơn 71.000 HS Hà Nội dự thi vào lớp 10. Các trường THPT công lập sẽ lấy 49.428 chỉ tiêu. Từ ngày 19 đến 21.6, HS thi vào các lớp chuyên, trường chuyên theo lịch. - Ngày 21 - 22.6, hơn 70.000 HS TP.HCM dự thi, có hơn 57.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Cũng trong 2 ngày này, hơn 10.000 HS Đà Nẵng dự thi để tuyển chọn 8.649 chỉ tiêu vào công lập. Bài giải gợi ý các môn thi của 3 thành phố trên sẽ đăng trên www.thanhnien.com.vn sau mỗi buổi thi. Ngoài ra, Báo Thanh Niên sẽ đăng bài giải gợi ý của Hà Nội và Đà Nẵng vào số báo in ngày hôm sau. |
Đối với môn văn, bà Doãn Thị Đông, giáo viên văn Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), người có rất nhiều kinh nghiệm luyện thi lớp 10, nhận định: “Mỗi địa phương sẽ có một cấu trúc đề thi riêng nhưng có điểm chung là bao giờ cũng có 2 nội dung chính”. Phần một là những câu, bài tập đòi hỏi tính chất thông hiểu, nhận biết, chỉ yêu cầu trả lời thông tin. Các tỉnh Nam Định, Hòa Bình thường ra kiểu trắc nghiệm khách quan, gồm những câu hỏi nhỏ liên quan đến tác giả, tác phẩm, thời kỳ văn học… thường cơ số sẽ là 0,25 điểm cho câu hỏi nhỏ. Hà Nội thường ra đề tự luận ở phần này. Đề thi thường yêu cầu học sinh (HS) đọc một đoạn văn và trả lời các câu hỏi liên quan đến đoạn văn ấy. Bà Đông lưu ý: “HS cần cung cấp thông tin một cách ngắn gọn theo đúng yêu cầu của đề bài. Cơ số điểm cho phần này rất tùy thuộc vào từng địa phương, ví dụ ở các tỉnh phía nam như TP.HCM thì điểm cho toàn bộ phần này khoảng 2 điểm. Các địa phương khác dao động từ 2-4 điểm”.
Phần thứ hai trong cấu trúc đề thi là bài tập vận dụng, sáng tạo, chiếm từ 5-8 điểm. Thường có 2 dạng: tạo đoạn hoặc viết bài hoàn chỉnh. Ví dụ đề thi của Hà Nội bao giờ cũng chỉ yêu cầu tạo đoạn, HS viết một đoạn văn theo cấu trúc đã được yêu cầu từ trước hoặc sử dụng một dạng câu nào đó, cách nối theo yêu cầu của đề. Dạng viết bài hoàn chỉnh có thể ở cả nghị luận xã hội và văn học. Với dạng nghị luận xã hội, đề thi vào lớp 10 thường có 2 xu hướng: nghị luận về một tư tưởng đạo lý, hiện tượng đời sống.
Bà Đinh Thị Ngọc Nhung, tổ trưởng tổ văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), chỉ dẫn: Câu 1 thường là kiến thức văn học, ngoài thuộc nội dung, học sinh chú ý hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử, sự nghiệp của tác giả… Câu 2, bài tập tiếng Việt đòi hỏi HS nắm vững lý thuyết để ứng dụng. Câu 3 và 4 về nghị luận xã hội và văn học. Bà Ngọc Nhung hướng dẫn các bước làm nghị luận xã hội: giải thích vấn đề, nêu một số biểu hiện, nguyên nhân nảy sinh vấn đề, đưa ra một vài dẫn chứng nhỏ làm rõ cho vấn đề đang bàn. Cuối cùng bản thân thực hiện như thế nào, có thể mở rộng bằng cách phản đề. Đối với bài nghị luận văn học, bà Phạm Thị Tuất, Tổ trưởng tổ văn Trường THCS Phú Mỹ, Q.Bình Thạnh, lưu ý: “Học sinh phải làm dàn bài để tránh thiếu ý, lạc đề, sai lối diễn đạt… Trong bài viết nên thể hiện suy nghĩ, nhận thức riêng về nhân vật, cách viết của nhà văn từ đó rút ra cho mình bài học”.
Tránh mất điểm do trình bày cẩu thả
Ông Nguyễn Quang Phương, giáo viên dạy toán Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Q.Đống Đa, Hà Nội), hướng dẫn: “Đề thi toán những năm gần đây thường có 5 dạng bài, tính phân hóa đề thi sẽ thể hiện ngay trong mỗi dạng bài đó”. Theo ông Phương, bài dạng hình nhiều HS bị mất điểm do trình bày cẩu thả. Ở dạng bài giải toán, lưu ý phải làm đủ 3 bước: lập phương trình, giải phương trình và trả lời. Trong khi lập phương trình, yêu cầu phải biểu diễn những số chưa biết nhưng HS thường quên và bỏ qua phần này hoặc trong khi biểu diễn các số chưa biết, HS thường quên đơn vị.
|
Theo bà Vi Bích Duyên, tổ trưởng tổ toán Trường THCS Phú Mỹ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), HS tránh mắc lỗi viết sai đề. “Sau khi đọc qua đề thi, nên dành 30 phút và chọn phần đại số (6,5 điểm) trong đó câu dễ, vừa tầm làm trước. Khi xong phần này, các em dùng máy tính kiểm tra lại kết quả cho chính xác”, bà Bích Duyên lưu ý. Với bài tập hình học, bà Duyên chia sẻ: “Kinh nghiệm chấm bài cho thấy, hình vẽ sai là không chấm bài. Thế nên, mọi thao tác vẽ hình phải được thực hiện trên giấy nháp để tính trước sự cân đối, sau đó vẽ lại vào bài để hình vẽ nằm trọn trong giấy thi”.
Về kinh nghiệm làm bài thi môn tiếng Anh, bà Trần Tuyết Thanh, tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Phú Mỹ (Q.Bình Thạnh), cho biết: “Thí sinh hay bị vướng vì không thuộc từ vựng, nhiều khi biết chỗ trống đó điền danh từ hay tính từ nhưng không thuộc dẫn đến viết sai chính tả. Như vậy câu đó coi như không có điểm”. Thông thường ở phần trắc nghiệm, đề thi có khoảng 2 câu yêu cầu tìm lỗi sai. Muốn tìm ra đáp án, HS cần lưu ý những chỗ không gạch dưới là chỗ đúng để suy luận. Kinh nghiệm để vượt qua phần đọc hiểu, theo bà Thanh, không nên mất thời gian vào việc tìm nghĩa của từng từ mà tập trung tìm ý của câu, của đoạn văn, chắc chắn sẽ tìm ra đáp án.
Cơ hội cho học sinh trượt nhưng điểm cao Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Năm 2013, đối với những trường THPT công lập gặp khó khăn trong tuyển sinh, thay vì hạ thấp điểm chuẩn để lấy đủ chỉ tiêu, sở sẽ căn cứ tình hình cụ thể để xem xét cho phép trường được tuyển nguyện vọng 3”. Đây là các HS không đăng ký nguyện vọng 1 hoặc 2 vào trường nhưng có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường từ 2 trở lên. Với cách làm này, nhiều HS khá giỏi vẫn có cơ hội học trường công với mức học phí thấp cùng chất lượng giáo viên tốt, đồng thời cũng giúp nhiều trường công nâng cao được chất lượng đầu vào. Thi tuyển vào lớp 10 không có chế độ đỗ đặc cách, do vậy thí sinh không may bị ốm, tai nạn không thể tham gia thi tuyển thì sẽ phải chờ tới năm sau để thi lại. Tuệ Nguyễn |
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh
Bình luận (0)