|
“Điểm đen” ý thức
Theo ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Thuận, mỗi điểm đen ở Bình Thuận đều có một đặc điểm khác nhau. Có những điểm thường xảy ra TNGT do tập trung đông người, đường xấu, đường cong, cua khúc khuỷu, nhưng cũng có những điểm đen đường khá tốt.
Thống kê cho thấy 31% TNGT do không đi đúng phần đường; 18% do thao tác của lái xe vi phạm luật; 20,4% do vượt sai và chuyển làn đường không đúng quy định. “Những điểm đen trên đường nếu biết, mình vẫn có thể tránh và khắc phục được, không để xảy ra tai nạn. Nhưng "điểm đen" về ý thức thì rất khó khắc phục. Đó là ý thức chấp hành luật giao thông của lái xe, của người đi đường”, ông Thanh phân tích.
“Nhiều tuyến đường tốt, đường đẹp tai nạn cũng tăng. Đơn cử như tuyến đường 716, 719 (H.Tánh Linh và Đức Linh) vừa được mở rộng và nâng cấp, nhưng tai nạn tăng đến 300% so cùng kỳ năm trước. Không phải cứ đường tốt là tai nạn giảm, cái quan trọng là việc chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông”, ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh nói thêm.
Anh Trần Văn Toàn (ngụ Quy Nhơn), từng có 24 năm lái xe đường dài, tổng kết: “Nói thật là đường sá Bình Thuận từ trước đến giờ nổi tiếng hay xảy ra tai nạn, nhiều đoạn thường trơn trượt, kể cả khu vực thuộc địa phận Đồng Nai, nhất là khi trời mưa, nhấp thắng là quay xe ngay. Tai nạn xảy ra bất kỳ lúc nào nếu mình không cẩn thận. Nhiều lái xe phía bắc vào đây hay bị nạn là do chạy ẩu. Đường quen mình chạy 6 giờ thì đường lạ phải chạy mất 7-8 giờ. Cái quan trọng không phải là điểm đen trên đường mà là tính nhẫn nhịn của người tài xế. Đức tính của người lái xe có thể giúp vượt qua điểm đen một cách an toàn”.
Khiếp vía khi “ôm” vô lăng
Dù đã được nâng cấp đồng bộ, từ mặt đường mở rộng, phân làn đường, lắp thêm biển báo, hệ thống chiếu sáng, nhưng điểm đen tại Km 1754 (QL1A đèo Giăng Co, H.Hàm Tân) vẫn là nơi làm cánh tài xế xe khách và xe container khiếp vía khi “ôm” vô lăng. Nơi đây từng có 2 vụ tai nạn thảm khốc. Một vụ cách đây hơn 10 năm làm chết 14 người, một vụ xảy ra năm 2008 làm chết 15 người và hàng chục người khác bị thương tật suốt đời.
Anh Lê Văn Tư, 38 tuổi, một lái xe khách là “dân Phan Thiết chính gốc”, nhưng cũng thừa nhận khi qua đoạn đường này luôn có cảm giác sợ. “Theo linh tính của người lái xe, dù mình chưa bao giờ bị nạn trên cung đường này nhưng đến đây mình đều bóp còi như để trấn an chính mình. Dân Phan Thiết mình có câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” mà. Ý nói những người chết bất đắc kỳ tử ở vùng đất này rất thiêng”, anh Tư giải thích.
Còn anh Nguyễn Thao, lái xe khách ở Đồng Hới, tâm sự: “Tôi từng chạy xe khách gần 18 năm từ Quảng Bình ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội vào TP.HCM và ngược lại. Nhưng cứ đến đoạn đường Bình Thuận bao giờ tôi cũng cảnh giác và hơi bị nhát tay. Nhưng rồi vẫn bị nạn 2 lần, thậm chí suýt mất mạng tại khu vực gần Ngã ba 46. Tôi thường dặn đồng nghiệp đàn em dù sao cứ đến Bình Thuận là phải đề cao cảnh giác, vì tay lái của mình đang quyết định sinh mệnh vài chục con người đang ngồi trên xe, cứ cẩn trọng là tốt nhất”.
Trong khi đó, suốt gần 1 tuần đi thực tế tại cung đường nhiều “điểm đen” thuộc các xã Tân Phúc, Tân Nghĩa và thị trấn Tân Minh, H.Hàm Tân, PV Thanh Niên vẫn thường xuyên chứng kiến cảnh xe khách chạy quá tốc độ cho phép, vượt mặt nhiều xe khác khá nguy hiểm, dù ở đoạn đường đó có gắn biển báo cấm vượt. Quan sát các “hộp đen” của xe khách tại máy chủ đặt ở Sở GTVT Bình Thuận, khi đi qua cung đường “tử thần” vẫn “đỏ lòm” màn hình. Tức là hàng loạt xe vẫn vượt tốc độ ngay trên những điểm đen chết người.
Ông Lê Bảy, Phó phòng Quản lý vận tải và người lái (Sở GTVT Bình Thuận), nói: "Không chỉ lái xe các tỉnh phía bắc vào đến đây bị nạn, mà ngay cả lái xe của Bình Thuận cũng không an toàn qua những điểm đen này".
Phát hiện tài xế sử dụng ma túy Trong buổi cam kết không vi phạm luật Giao thông của 72 doanh nghiệp vận tải Bình Thuận mới đây, thượng tá Nguyễn Văn Chính, Phó phòng CSGT Công an Bình Thuận, cho biết lực lượng CSGT từng kiểm tra phát hiện có những tài xế sử dụng ma túy. Có tài xế không có thứ giấy tờ gì nhưng vẫn điều khiển xe chạy từ bắc vào nam. Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cũng cảnh báo, do quy định không cho phép tài xế lái xe vượt quá 4 giờ liên tục và một ngày không được lái quá 8 giờ nên khi đến Bình Thuận, nhiều tài xế thường "đạp" cho kịp giờ về TP.HCM trả khách, giao hàng. Và tai nạn xảy ra từ đây. |
Quế Hà
>> Hai vụ tai nạn trên cùng địa điểm
>> Tai nạn giao thông nghiêm trọng, 1 người chết, 18 người bị thương
>> Ô tô gây tai nạn liên hoàn, 2 người bị thương nặng
>> Xe chữa cháy gây tai nạn chết người
>> Truy tố lái xe ý thức kém gây tai nạn
>> Tai nạn trên đường ray
Bình luận (0)