Đây là thông tin được Sở Thông tin- Truyền thông Bình Thuận nêu ra tại cuộc giao ban báo chí ngày 31.5 vừa qua.
Điện gió trên đảo Phú Quý - Ảnh Quế Hà |
Càng nhiều điện, càng ít dùng
|
Trước đây, trên đảo chỉ có nguồn điện duy nhất là từ máy chạy dầu diesel có công suất 3MW của Công ty Điện lực Bình Thuận. Tháng 9.2012, Tổng Công ty điện lực dầu khí đã đưa vào khai thác nhà máy điện gió với 3 trụ tua bin với công suất 6MW.
Kể từ khi nhà máy điện gió đi vào hoạt động, nguồn điện trên đảo dồi dào hơn. Tuy nhiên, người dân sử dụng điện ít hơn do giá điện quá cao. Nếu như năm 2010, toàn đảo Phú Quý tiêu thụ sản lượng điện thương phẩm là 8 triệu kWh, thì năm 2011 chỉ còn 7,2 triệu kWh. Dự kiến năm 2013 sẽ còn thấp hơn, do giá điện quá đắt, bà con ít sử dụng.
Theo đánh giá của Sở Công thương Bình Thuận thì người dân trên đảo Phú Quý phải mua điện đắt hơn trong đất liền từ 2-5 lần. Đối với hộ nghèo trên đảo hiện phải mua điện với giá 1.863 đồng/Kwh (nếu dùng dưới 50 KW). Các đối tượng khác phải mua điện với giá từ 2.329- 3.105 đồng/Kwh; giá điện sản xuất, dịch vụ lên đến 6.647 đồng/Kwh (chưa có thuế VAT).
Trong khi đó thời gian được sử dụng điện trên đảo chỉ 16 tiếng/ngày. Trên lý thuyết, nếu nhà máy điện gió trên đảo có công suất tới 6MW, cộng với 3 MW của điện Diesel thì trên đảo sẽ không thiếu điện. Tuy nhiên, ông Dương Tấn Long- Trưởng Phòng quản lý điện và Năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận) phân tích: “Nguồn điện 6MW của nhà máy điện gió trên đảo không thể thâm nhập hết công suất trên. Có những lúc điện gió cung cấp dư. Nhưng có lúc điện gió yếu thì nguồn điện Diesel vẫn phải chạy bù vào. Nó xuất hiện tình trạng thừa vẫn thừa, nhưng có lúc lại thiếu điện trên đảo”. Theo ông Long thì đây chính là nguyên nhân chính chỉ có thể cung cấp điện 16 giờ trên ngày cho bà con trên đảo Phú Quý.
Ưu tiên giá điện cho Phú Quý
Tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hôm 18.2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý về mặt chính sách ưu tiên về giá điện cho người dân trên đảo Phú Quý. Thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất trình Thủ tướng cơ chế giá. Tuy nhiên, theo Sở Công thương Bình Thuận thì các Bộ ngành chưa có động tĩnh gì về vấn đề này.
Mới đây, vào ngày 23.5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cơ chế hạ giá điện bằng với giá điện đất liền để bà con trên đảo bớt khó khăn và nhằm thúc đấy phát triển kinh tế trên đảo. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo EVN tăng nguồn điện Diesel trên đảo từ 3 MW hiện nay lên 6WM và sáp nhập nhà máy điện gió của Tổng công ty điện gió dầu khí vào một chủ sở hữu là EVN cho dễ quản lý…
Quế Hà
Bình luận (0)