Sến gì mà sến 3 dây ?
Một người chơi đờn lâu năm đã hỏi gặng như thế khi nghe tôi nhắc đến cây đờn (đàn) sến trong tay nghệ nhân Trần Minh Đức (Hai Đức, ngụ P.Thường Thạnh, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ). Độc đáo nảy sinh từ sự phá cách khởi nguồn bởi những đòi hỏi của cảm xúc nơi nghệ nhân chân chất.
Cách nay ít lâu, nhà văn Lê Đình Bích (giảng viên Trường ĐH Cần Thơ) trong nỗ lực tìm tòi và quảng bá các loại nhạc cụ dân tộc đã đưa đến cho nghệ nhân Trần Minh Đức tốp học viên từ các nước phương Tây. Lúc này, người ta bắt đầu chú ý đến cây đờn sến mới mẻ vốn đã ra đời rất lâu. Lê Đình Bích tâm đắc rằng: “Đờn sến 3 dây vừa giòn giã như tiếng mandoline, lại vừa nhấn nhá rất mùi như tiếng đờn kìm khi đờn vọng cổ”.
Trong cơn mưa hè bất chợt, tiếng sến cũng trỗi lên như bất chợt vui, bất chợt buồn và kéo tâm trạng người nghe vào vùng cảm xúc được dựng sẵn nhiều tầng, nhiều lớp. Người đàn không “phiêu”, không nắn nót, không rê dắt… mà bất cứ khi nào tiếng sến trong tay ông cũng “nhập” vào người đối diện. Hai Đức giải thích rằng cây sến cải tiến 3 dây 14 phím âm (so với 2 dây 12 phím cổ điển) “khéo” ở chỗ thêm được chữ “tì” kết âm song thinh với dây số 1, vừa trợ âm, hay những lúc xuống “xàng”, thêm dây thứ 3 sẽ làm lắng nhịp. Khi nhịp lắng xuống là lúc cảm xúc thăng hoa. Cây đàn 3 dây vừa giòn tan theo những cung điệu vui, vừa “nhấn nhá” buồn khi trỗi điệu nam ai, tứ đại oán, văn thiên tường… Hai Đức nói, đờn sến 3 dây sẽ phát huy hết công hiệu trong những điệu oán và bắc, gần như đạt đến sự hoàn hảo khi biểu trưng cho “trời - người - đất” và tương trợ nhau rất tốt.
|
Một thời đam mê cải lương, Hai Đức đã xin nhà theo đoàn gánh hát. Thuận chí của con, người cha đã mua tặng Hai Đức cây đờn sến với mong mỏi nếu không thành danh thì cũng tìm được cho mình một sở trường. Hiểu ý ba, Hai Đức tìm thọ giáo những danh cầm ở miền Tây như thầy Hai Duyên, danh sư Sáu Hóa. Tiếp cận được đỉnh cao của đờn cổ, Hai Đức quyết tâm lãnh hội được những tuyệt chiêu của thầy và nhanh chóng trở thành tay đờn giỏi.
Vắng bóng truyền nhân
Chơi được nhiều nhạc cụ nhưng cây đờn sến vẫn luôn theo Hai Đức trong suốt thăng trầm cuộc sống, trên sân khấu cải lương, trên sóng phát thanh truyền hình, trong các cuộc liên hoan thi thố hay lúc thất chí đi bán quần áo dạo ở khắp vùng Rạch Giá, Cà Mau. Tiếng sến theo ông qua nhiều hoàn cảnh, có lúc nó như lạ, như thiếu mà tâm trạng đòi hỏi dù ngón đờn có điêu luyện cũng không “chiều” theo được. Năm 1990, Hai Đức thấy cần cho cây sến thêm dây để nhịp vui thêm giòn, để nhịp buồn thêm lắng.
Sáng chế và được chấp nhận, hơn 30 năm, đờn sến 3 dây của ông len lỏi vào đời sống âm nhạc. Nhiều lúc người ta giật mình biết tới và muốn ông biểu diễn và đều có chung nhận xét với ngón đờn của người nghệ nhân này, đờn sến 3 dây đã đạt tới một giá trị khác mà ít ai tưởng tới. Tuy nhiên, cũng không ít người hoài nghi về tính lưu truyền của loại đờn này, bởi chỉ ở trong tay Hai Đức nó mới phát huy được công hiệu bằng sự sáng tạo và đòi hỏi của người đờn. Lúc song thinh hay xuống sàn, người ta đã vốn hài lòng với cây sến cổ.
Trở lại nghiệp đờn lúc cuộc sống còn thắt ngặt, Hai Đức phải “chạy sô” cho các quán nhậu, phục vụ tiệc tùng… Cây sến lại nhẫn nại như người chia sẻ, nhấn gằn những khi buồn giận, trải lòng như “kể thêm” cho người phong trần những lúc tri âm. Sến 3 dây được biết đến nhiều cũng trong những lần ông mang đờn đi biểu diễn, thi thố khắp nơi. Nhiều bạn đờn biết được đã nhờ Hai Đức làm cho cây đờn 3 dây. Ông rất sẵn lòng làm đờn gửi tặng và cũng mong tìm được người để lưu truyền tâm huyết.
Hơn 30 năm cùng cây sến 3 dây, vinh quang cũng lắm, cơ cực cũng nhiều nhưng Hai Đức đến giờ vẫn chưa tìm được người để kế thừa ngón đờn tuyệt kỹ. Ông nói, để truyền thụ được sến 3 dây cũng rất cần người cảm nhận được nó. Trẻ thì ít người cảm thụ được, còn khi cảm thụ được thì… đã già. Thêm nữa, để truyền dạy được sến 3 dây thì tốt nhất là người học… chưa biết đờn sến 2 dây. Đờn sến bây giờ lại rất ít người theo học, vì dễ đờn, nhưng rất khó để đờn hay.
Dù tri âm, tri kỷ cũng nhiều, nhưng ngón sến lão làng này vẫn mòn mỏi đợi truyền nhân.
“Cây đờn sến cải tiến 3 dây từ 12 phím thành 14 phím cho đúng 2 bát bộ trong mỗi dây, với âm vực: dây 1 (dây buông): liêu - tương đương nốt là; dây 2 (dây buông): xang - tương đương rê; dây 3 (dây buông): hò - tương đương la. Thật tuyệt khi sử dụng đờn sến 3 dây để đờn Xuân nữ, Bài chòi Nam Trung bộ, hay những nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca như Một lần dang dở của Nhật Ngân, Điệu buồn phương Nam của Vũ Đức Sao Biển… và đặc biệt là Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu” - nhà văn Lê Đình Bích |
Tiến Trình
>> Mèo mù đánh đàn
>> Siri “trổ tài” đánh đàn piano
>> Đánh đàn guitar nhanh nhất thế giới
Bình luận (0)