Ít quan tâm, thiếu kinh phí
Lãnh đạo CSGT tỉnh Bắc Kạn cho biết đã có nhiều kiến nghị lên cơ quan quản lý đường bộ địa phương, Khu quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ để điều chỉnh lại giao thông trên tuyến QL3 nhằm đảm bảo an toàn. Năm 2012, Bắc Kạn kiến nghị QL3 đi qua huyện Ngân Sơn đường hẹp, cong cua, nhiều đoạn đèo dốc đứng, tầm nhìn hạn chế, cần mở rộng mặt đường tại các điểm cong cua gấp khúc, hạ thấp độ cao mặt đường dốc đứng, hạ thấp độ cao ta luy dương để tầm nhìn không bị hạn chế… Nhưng đề xuất mãi vẫn chưa được xử lý. Tháng 4.2013, Bắc Kạn tiếp tục đề xuất các giải pháp xử lý điểm đen cũ như đào ta luy, mở rộng mặt đường, sơn gờ giảm tốc, lắp đèn cảnh báo… Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh cho rằng nhiều giải pháp rất đơn giản như sơn gờ giảm tốc, lắp đèn cảnh báo hay gương cầu lồi, cắm biển hạn chế tốc độ xe container 30 km/giờ... có thể làm ngay để cảnh báo các tài xế container không phóng nhanh, vượt ẩu, nhưng tới nay cơ quan quản lý đường bộ cấp trên vẫn chưa thực hiện. Hệ lụy là các điểm đen trên QL3, đặc biệt đoạn qua Đèo Gió, mỗi năm vẫn lấy đi ít nhất vài mạng người, làm bị thương hàng chục người, chưa kể thiệt hại về tài sản.
Thiếu tá Phan Đăng Trân, Đội trưởng Đội CSGT H.Diễn Châu (Nghệ An), nhìn nhận ngoài nguyên nhân chính là ý thức tài xế, còn có lỗi của hạ tầng kém, đường sửa đi sửa lại nhiều lần, trong khi lưu lượng phương tiện qua lại dọc QL1 rất đông. Theo ông Trân, vạch kẻ đường, gờ giảm tốc trên QL1 do xe chạy qua lại nhiều nên rất nhanh xuống cấp, nhưng lại chậm được sửa chữa, khiến lái xe có cớ để “cãi cùn” khi chạy lấn phần đường bị công an xử phạt...
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ, cho biết Bộ GTVT đã có quy định xử lý điểm đen (Thông tư 26 quy định xác định và xử lý vị trí điểm đen ban hành tháng 7.2012). Tuy nhiên, việc xử lý điểm đen hiện tại mới chỉ giải quyết được các giải pháp trước mắt như đặt biển báo hạn chế tốc độ, gương cầu lồi… “Xử lý căn cơ như mở rộng đường, hạ dốc, cải tạo đường cong thì phải theo các chương trình xây dựng cơ bản. Chủ trương không vướng nhưng hạn chế về kinh phí”, ông Quyền nói.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư, kế hoạch năm 2013 quỹ đã phê duyệt cho Tổng cục Đường bộ triển khai 4.000 tỉ đồng, liên quan đến xử lý các vấn đề liên quan đến hạ tầng trên các tuyến QL như xử lý ổ voi, ổ gà, thiếu biển báo, tôn lượn sóng... Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay kinh phí cấp theo kế hoạch là 4.000 tỉ đồng nhưng số tiền giải ngân tính đến nay mới chỉ khoảng 1.200 tỉ đồng.
|
Ưu tiên xóa điểm nghiêm trọng
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết sau hàng loạt vụ tai nạn xe khách, xe tải thảm khốc vừa qua, Ủy ban ATGT sẽ phối hợp Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư xây dựng chương trình trọng tâm vào xử lý điểm đen trong năm nay. Kiểm tra rà soát tất cả các điểm đen và điểm có nguy cơ gây tai nạn giao thông, những điểm từ đường nhánh ra đường lớn phải đảm bảo có các biển cảnh báo, gờ giảm tốc… Đặc biệt, với kịch bản lặp lại nhiều vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng trên các đèo tại Khánh Hòa, Lâm Đồng, sẽ rà soát các điểm đèo dốc và làm ngay các đường cứu nạn cứu hộ. “Ví dụ, xe khách bị tai nạn tại Khánh Hòa vừa rồi, nếu chạy 500 m nữa có đường cứu nạn nhưng tài xế không chạy kịp. Việc làm các đường cứu hộ dọc các con đèo chi phí rất lớn, có thể phải xẻ một phần núi, nên trước mắt, khu vực nào nguy cơ cao sẽ làm ngay”, ông Hiệp nói.
Bên cạnh cải thiện hạ tầng, theo ông Hiệp quan trọng và căn cơ nhất là phải tập trung vào người lái xe, phương tiện an toàn và doanh nghiệp vận tải an toàn. “Doanh nghiệp ít quan tâm, khoán doanh thu, khoán trắng cho lái xe gây áp lực rất lớn, tạo ra mệt mỏi căng thẳng cho lái xe. Để giải quyết gốc của vấn đề, Bộ GTVT đã ra chỉ thị tập trung xử lý, siết chặt các hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng không làm khó, hoặc làm tăng chi phí các doanh nghiệp. Đặc biệt là kiểm tra qua thiết bị hộp đen (sẽ được lắp trên 48.000 phương tiện) đảm bảo các xe lúc nào cũng được giám sát và được cảnh báo. Mỗi khi chạy quá tốc độ sẽ bị cảnh báo, xe vi phạm nhiều bị cấm chạy, doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm tốc độ bị rút giấy phép kinh doanh, có xử lý nghiêm thì người lái xe mới sợ, không lờn luật”, ông Hiệp nói.
Theo Tổng cục Đường bộ, năm 2010 và 2011 đã xử lý hoàn thành 46 vị trí điểm đen với kinh phí 60 tỉ đồng và 95 vị trí tiềm ẩn gây tai nạn giao thông trên cả nước (riêng năm 2011 cải tạo 68 điểm đen và điểm mất ATGT). Đồng thời các Sở GTVT cũng đã đầu tư xử lý 332 điểm đen và điểm mất ATGT trên hệ thống đường địa phương. Đầu năm 2012, theo Tổng cục Đường bộ còn 315 điểm đen và tiềm ẩn TNGT, Tổng cục đã cho phép xử lý 304 điểm, các điểm còn lại sẽ tiếp tục xử lý trong năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, vấn đề ở chỗ điểm đen cũ bị xử lý thì điểm tiềm ẩn tai nạn nguy cơ lại thành điểm đen mới. |
Mai Hà - Hà An
Bình luận (0)