Niềm tin của người làm báo

21/06/2013 03:00 GMT+7

Gần 16 năm qua, cùng với những yếu tố tích cực cho sự kết nối đa dạng trong thế giới phẳng nói chung, internet ngày càng tác động sâu sắc, đa dạng, phong phú, phức tạp, thậm chí xô bồ đến bữa tiệc thông tin của công chúng ở VN.

Gần 16 năm qua, cùng với những yếu tố tích cực cho sự kết nối đa dạng trong thế giới phẳng nói chung, internet ngày càng tác động sâu sắc, đa dạng, phong phú, phức tạp, thậm chí xô bồ đến bữa tiệc thông tin của công chúng ở VN.

Tất nhiên, không phải đợi đến kỷ nguyên internet mới có câu chuyện tin tức vỉa hè - tin tức chính thống, lề phải - lề trái, nhưng những màn hình tương tác giờ đây đã thành công cụ đơn giản, thông minh và lợi hại để mỗi giây, những công dân net có thể tải lên hàng tỉ byte thông tin.

Thế giới thông tin phân mảnh, thông tin "mã nguồn mở" dẫn đến sự khủng hoảng tâm lý tiếp nhận truyền thông; từng nơi, từng lúc là va chạm giữa phương tiện truyền thông cũ và mới. Dấu hiệu quan trọng của sự việc này là vấn đề niềm tin của công chúng: ai và những gì đáng tin cậy hơn: chuyên nghiệp hay nghiệp dư, các nhà báo hay blogger?

Các dịch vụ blog, các mạng xã hội như YouTube, Facebook, Twitter… giờ đây thành một kênh thông tin có biên độ, cường độ lớn. Xét về nhiều mặt, truyền thông xã hội đang cạnh tranh trực diện và mạnh mẽ với báo chí chính thống. Nhà báo chuyên nghiệp giờ đây không còn là người duy nhất và đầu tiên đưa tin. Sức mạnh của truyền thông xã hội ngày càng lớn hơn, tầm ảnh hưởng rộng hơn; bên cạnh yếu tố tích cực trong lan tỏa nhanh những thông tin bổ ích và có lợi cho cộng đồng, những tác hại do thông tin sai sự thật, bị bóp méo trên môi trường mạng xã hội cũng không hề nhỏ.

Đã có ý kiến cho rằng công chúng đang mất dần niềm tin vào báo chí; hoặc đang quay lưng với báo chí. Nhận định ấy xuất phát từ một số hiện tượng kỹ thuật, hiện tượng kinh tế trong nền công nghiệp báo chí ở một số nước tư bản hoặc một số hiện tượng truyền thông cá biệt ở VN.

Nhưng thực tế cho thấy, một số người đang chỉ trích báo chí trong nước vẫn hằng ngày đọc báo. Thông tin báo chí vẫn là món ăn tinh thần quan trọng của công chúng. Đó là niềm tin bất di bất dịch của người làm báo và bạn đọc.

Mỗi quốc gia có những cách riêng để quản lý, kiểm soát báo chí. Nền báo chí của từng nước có những đặc trưng khác nhau; khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông của từng nước cũng khác nhau. Nhưng không một nhà nước nào có thể từ bỏ vai trò là người bảo lãnh cho một nền báo chí khách quan, trung thực, độc lập với các lợi ích nhóm. Báo chí là công cụ hàng đầu để công chúng thực hiện quyền tiếp cận thông tin “chính thống” - hiểu theo nghĩa là thông tin được kiểm chứng theo những quy tắc nghề nghiệp được công nhận nhằm đảm bảo độ tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng - điều khiến báo chí khác hẳn về chất với những phương tiện truyền thông khác. 

Tất nhiên, thời đại số buộc báo chí phải thay đổi cách nói với công chúng truyền thông của mình. Sự thay đổi ấy không chỉ ở phương pháp tác nghiệp mà còn ở thiên chức phục vụ. Công nghệ đã giúp cho người làm báo hôm nay khả năng vô cùng phong phú để tương tác với công chúng, để làm tốt chức năng “diễn đàn của nhân dân”. Truyền thông xã hội là phát minh của nhân loại, báo chí chắc chắn sẽ phải có sự tiếp cận, tạo ra sự giao thoa vững chắc với nó để thu hút độc giả, để mời công chúng “cùng làm báo”.

Giữa đan xen nhiều gam màu của bức tranh truyền thông hôm nay, hơn lúc nào hết, báo chí chính thống, với thiên chức của mình, với nguyên tắc kinh điển về độ tin cậy, sự trung thực và đạo đức cần được phát huy nhiều hơn nữa trước yêu cầu sàng lọc và định hướng thông tin cho công luận.

Phan Văn Tú
 (Khoa Báo chí - Truyền thông - Đại học KHXH-NV TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.