Với lại không có gì để nhìn, ngoài những tờ báo cũ, màn hình trước mỗi lưng ghế không thể mở. Hầu như mọi người đều buồn ngủ. Tôi mỉm cười, dù sao, không phải như ở trong nhà, dưới đất, mà đang trên trời, lúc này phải có người thức. Nhất định cần có viên phi công, và các cô tiếp viên. Chuyến bay đêm, đêm là thời gian nhất định phải ngủ. Mặc nhiên. Mọi người đều phải ngủ. Là con người thì chẳng có cách khác. Nhưng trên các chuyến bay, phi công thì không thể. Các vị thay nhau nếu chuyến bay dài, phi công có trách nhiệm với toàn bộ con người đang ngồi trên đó. Khổ thay có cả tôi, tôi thường cho rằng mình chẳng đáng gì. Phi công được tôn trọng, tương tự viên thuyền trưởng tàu biển, dưới mặt đất. Mà tôi đang chăm chú nhìn xuống.
Lần hồi, trái đất như giãn ra, các thành phố trôi qua trong veo, lấp lánh ánh đèn khuya. Nhiều vùng đất - rừng - núi - không người, trong đêm trường lặng lẽ im lặng. Rồi thì hình như thoang thoáng đàng xa. Cứ mỗi một khoảng trống dài, lại có một thành phố nho nhỏ dưới màn sương, hay là bên bờ sông ánh bạc. Một thành phố khác cạnh biển, dưới mưa. Mưa trên biển và trên thành phố đó. Chỉ mù mờ một nơi, còn thì sáng trưng. Tôi đang ở trên cơn mưa, bay cho tới đêm nhưng trên cao bầu trời khá sáng, và khi tối khi sáng bất thường. Tôi được dịp nhìn rõ các áng mây mọng nước chung quanh. Thì ra. Có một sự tích tụ, giữa mây và mưa. Thêm vài vệt sấm sét chói lòa rền vang, cảnh trời thật huy hoàng. Tôi nghe nói thiên đường, liệu có thể đây là cửa vào đó không. Tôi say mê bức vẽ đẹp như thần thoại này. Một phần vì tò mò, nếu ở mãi dưới đất, e rằng suốt đời cũng không thể có cảnh lạ như vầy mà thưởng thức.
Các nơi tôi bay ngang, dù mưa hay sương mù, dù thành phố, hay huyện thị lớn nhỏ, dưới đó tôi đồ rằng không khỏi có người thao thức và giao hợp. Tôi đoán còn có người ngước nhìn cái đèn đỏ chớp tắt sau đuôi chiếc máy bay. Nhiều lần trong đêm khi đứng dưới đất, tôi cũng thao thức nhìn thấy như vậy. Ban đầu cứ tưởng một vì sao lạc. Có thể đêm nay hẳn có người thức giấc nhìn lên trời sao, đó là một nghệ sĩ, người gác đêm, anh thợ nướng bánh mì, người tài xế chuyến xe chở cá.
Có ánh đèn nhỏ tí quanh quẹo dưới kia. Khi nhìn từ trên cao, ánh đèn của chiếc xe tải trên con đường dài trông như chiếc thuyền trôi trên một dòng sông. Điều này làm tôi mỉm cười. Đêm không hẳn là khắp trái đất. Tám giờ tối ở Việt Nam thì là vào lúc sáng ở Mỹ. Nhiều chiếc đồng hồ ở các khách sạn quốc tế ghi giờ khác nhau. Các múi giờ khác biệt làm xáo trộn giấc ngủ, khi người ta di chuyển nhanh qua thời gian. Định kiến lâu đời cho rằng mỗi con người tạo hóa ban cho một thời gian, và các cuộc mây mưa nhất định. Nghĩa là không ai vượt qua thứ xa xỉ phẩm hiếm hoi đó.
Song cũng có người chứng minh, con người có thể mua được thời gian. Vượt và qua mặt thứ thời gian đóng khung. Đúng nhất là trên các chuyến bay, và xe tốc hành. Trong số kẻ làm được điều đó có thằng tôi. Ngày xưa thế nào, khi người ta cưỡi ngựa trên con đường dài. Những chuyến chuyển thư trên lưng ngựa, và còn chậm chạp hơn, chính là những người khiêng kiệu tội nghiệp. Thời đại khoa học kỹ thuật có khác. Giờ thì việc gì cũng nhanh chóng, biến đổi nhanh, kể cả những nhận thức.
Những người khác thường. Những người nổi tiếng, các nghệ sĩ, hay ca sĩ chẳng hạn. Dù là đang ở đâu cũng vướng bận hơn tôi. Tôi đang ở trong khoang hẹp của chiếc máy bay. Chung quanh tôi giờ thì không ai nói chuyện với nhau. Hầu hết hành khách đều ngủ thật sự. Một nữ tiếp viên nhẹ nhàng lướt dài theo các hàng ghế. Nhìn để kiểm tra chiếc khóa thắt lưng của từng người. Chiếc máy biết bay. Nặng nề. Sắp đi vào vùng trũng với nhiều lo lắng. Song vẻ đẹp của các cô tiếp viên làm cho hành khách khuây khỏa. Cô tiếp viên không giấu nổi vẻ nghi ngại. Khi nhìn thấy tôi. Rồi cô khẽ mỉm cười không hào hứng cho lắm. Cô biết tôi thích ngồi cạnh cửa sổ. Nhưng hoàn toàn không biết vì sao trên chuyến bay nào, tôi cũng cứ ngồi như thế. Nghĩa là cạnh cửa sổ để làm gì. Còn tôi thì nói đùa:
- Ngồi đây nhìn trời mây sông nước. Còn được mở cửa ra cho mát.
Câu nói đùa không làm hài lòng cô tiếp viên và người chung quanh. Người ta không thiết kế chiếc cửa nhỏ đó để mở. Cánh cửa đó mà mở ra trên chuyến bay mọi vật sẽ bị áp lực khủng khiếp, cửa sẽ vỡ toang ra, rồi thì trông rất lộn xộn khi mà tất cả chen chúc, giành nhau, cố chui qua cái cửa, để gọi là thoát ra ngoài kia. Các cô nghi ngại tôi ư. Không chỉ vì tôi có vẻ như phù thủy, tuy nhiên khuôn mặt đang ở hồi thất tình của tôi và cái nón ít khi rời khỏi đầu. Cô nàng tiếp viên có vẻ tò mò thì đúng hơn. Khi nào tôi lụ khụ vào phi trường, đáp chuyến bay nào đó. Đôi khi lại đúng vào chuyến có cô gái này. Hay là những chuyến khác. Các cô thường mỉm cười chào tôi và điều dễ thương nhất lại diễn ra. Các cô vẫn sắp cho tôi ngồi bên cửa sổ. Chuyện ưu tiên này không nên cho nhiều người biết. Kể cả có khi tôi không có số ghế ở bìa tôi vẫn được ngồi cạnh cửa sổ. Bây giờ. Tôi nhìn qua ô cửa, chiếc cửa hình trái xoan, có viền cao su, lại có hai lớp kính dày. Thế nhưng không ngăn được mặt trời, đang nhấp nháy con mắt chột duy nhất mới thức giấc ngủ mê, trông buồn cười. Ông trời, chính ông ta làm cách nào mà tôi không hay biết. Như một trò ảo thuật. Mà cho dù khán giả là thằng tôi có nhìn chăm chăm, thì thứ ánh sáng đó cũng đã qua bên này cửa từ khuya. In trên mặt tôi một chút hơi ấm dễ chịu.
Kỳ diệu thay. Ánh sáng đó đi thẳng qua lúc nào không hay. Mà không làm vỡ kính. Nhiều người cho rằng tất nhiên. Còn tôi, lúc nào tôi đây cũng ngạc nhiên như một đứa trẻ con. Nhưng bóng tối thì có lúc ở cả hai phía, trong và ngoài chiếc máy bay. Bóng tối không đi qua mảnh kính, nó chỉ đợi lúc thuận tiện khi mà thời gian có vẻ như thiếu cẩn trọng, nó như là cái mền dày, úp chụp lấy chung quanh cho bằng được. Rồi mọi việc, kể cả việc tạo giống sinh sản, có khi đều ở trong cái mền tối thui, khổng lồ đó. Nó cũng gần giống như tình yêu vậy. Bất ngờ và nhiều đột biến. Một nghệ sĩ nói, nếu không yêu nhiều, cho dù yêu cách nào đi nữa. Không yêu. Thì không làm nghệ sĩ được. Một ngày qua tôi yêu nhiều bóng hình. Và ngày khác cũng thế. Vì yêu nhiều nên tôi quên bớt dần cho khỏi nặng nợ. Mà có mấy ai biết rằng tôi yêu họ. Tôi yêu mà chẳng mở miệng nói gì cho mệt.
Máy bay đang tăng dần độ cao. Tôi đang ở bên trên các tầng mây điểm sắc hồng. Trời đang rạng sáng. Thích thật. Nếu như tôi là ánh sáng ngoài cõi bao la kia, đang lặng lẽ tìm cách vào tận đây, trò chuyện tí chút với mọi người, mà không mở cửa và không làm vỡ kính. Cũng có ý nghĩ khác, thích thật, ánh sáng im lặng, tất nhiên không nhiều lời và gần như vô hình. Tôi hay mỉm cười một mình, mà nếu như tôi nghĩ, thì chỉ có ánh sáng mới làm được, với điều kiện là phải có một cửa kính, hay một khung cửa mở. Còn bóng tối thì tự thân không có ánh sáng nó đã là bóng tối rồi. Tôi thì phàm tục hơn, không chạy nổi qua bên kia mảnh giấy mỏng. Lúc nào tôi cũng khao khát được mở một cánh cửa. Có khi bất chợt tôi mở cánh cửa ngay trong căn phòng của mình. Nó ăn thông qua một căn phòng khác, chứa các vật dụng không dùng tới. Tôi muốn mở cánh cửa đó. Để nhìn thấy bên kia, và tôi thấy một triền đồi cỏ xanh và cành thông ở Đà Lạt, không phải trong phòng kia mà trong lòng tôi, đầu óc của tôi.
Tôi nhớ Đà Lạt, khi tôi tới đó định tĩnh dưỡng và thề độc là không suy nghĩ, và cũng không làm gì. Đà Lạt mà cứ mỗi chiều tôi đi bộ xuống khoảng hồ, lần tới khu chợ đêm lạnh buốt. Đà Lạt. Nơi tôi trốn tránh để được làm biếng, tôi lần lữa không muốn viết cho xong một kịch bản phim khá dài. Tôi không giấu nổi chính tôi. Khi tìm về miền đất lạnh này. Thật ra, cũng là trốn bỏ chuyện khác, không làm tôi khuây khỏa. Vì rằng tôi bị sốc nặng, tuy vết thương cũng không lộ rõ cho lắm. Câu chuyện lần hồi làm tôi khác thường hơn. Bởi vì, sau một thời gian dài gần như không còn có thể yêu, tôi bỗng yêu, để rồi lúc trở về nơi không còn phải cứ diễn xuất, mà còn là ưu tư, vì nó là một đoàn phim, còn tôi thì phải lòng một người. Bỗng nhiên. Tôi bị úp chụp trong nỗi cuồng si khó chịu và thú vị. Cái mền lớn bất ngờ đổ ập vào thằng tôi như cơn bão, mà cơn bão nào hầu như cũng mang tên một phụ nữ. Trời ạ, bây giờ mà yêu thì chỉ có chết, nó lại khổ làm sao, ở vào cỡ tuổi quá oải của tôi.
Ấy là một người phụ nữ mà hình như tôi chờ đợi đã lâu. Tôi nghĩ rằng ai cũng có lúc nghĩ vậy. Bất ngờ xuất hiện, lúc đầu tôi cũng không để ý cho lắm. Cho tới khi tôi phát hiện một điều kỳ cào. Bỗng nhiên tôi… làm dáng, rồi cũng có khi tôi tự đày đọa mình. Tỏ ra cô đơn xa vắng khinh bạc lạnh lùng. Lạ chưa, bất chợt cười cợt thái quá, lại có lúc tỏ ra… trí thức, nói chuyện văn chương, mang mục kỉnh, tay cầm cuốn sách. Chuyện kỳ cào đó cứ diễn ra, khi nào trước mắt tôi có người đó.
Người đó, như tôi nói chính là tâm bão. Còn với tôi thì đây là lời tỏ tình cuối mùa thu. Bà vô tâm và tử tế, đã để cho tôi thao thức. Buồn cười cho ông lão rụng răng có vẻ như muốn trở về thời kỳ thanh niên. Tôi muốn mở cửa tìm một dòng suối mơ trên Thiên Thai. Ngoài vài cánh cửa trong căn phòng nơi tôi thuê, cánh cửa qua bên kia căn phòng chứa phế liệu, tôi vẫn muốn mở nhiều cánh cửa khác. Một cánh cửa đi vào bên kia một trái tim.
Giờ thì tôi khao khát muốn mở ngay một cánh cửa. Nhất là mở cửa sổ trên các chuyến bay. Tôi muốn bước ra ngoài rong chơi trên các áng mây và hy vọng sẽ gặp lại, một người phụ nữ ân cần hiếm thấy trên cõi đời này. Người mà tôi tình cờ gặp trên sân quay phim. Người đã tốt bụng băng bó vết thương cho tôi khi tôi gặp tai nạn trong pha diễn khá nguy hiểm.
Tôi cũng hiểu ánh sáng xuyên qua mảnh kính là chuyện không lạ. Và con người có thể làm được nhiều thứ - kể cả chuyện khác thường. Như là tìm gặp người mình thương yêu, khi tôi ngủ, khi người tôi yêu thương cũng ngủ, mỗi người ở cách xa nhau, cả thời gian và không gian. Còn tốt hơn vậy nếu cả hai đừng có bao giờ thức giấc. Tôi hiểu người phụ nữ đó, chỉ còn gặp tôi trong trường hợp sau cùng. Chồng bà ở tận bên Mỹ, bà nuôi những đứa con và chờ ông ta. Bỗng nhiên tôi khóc vì điều đó. Tôi muốn thấy lại hai chiếc răng cửa thật là trắng của bà. Mà tôi ngờ rằng đó là răng giả. Tôi yêu nỗi ưu phiền mà bà tránh không nói tới. Tôi muốn hôn lên mái tóc ngả màu của bà. Và khi bà đồng ý cùng chụp với tôi một tấm ảnh, mà sau lưng “chúng tôi” là một dòng sông lớn. Tôi đã khẽ khàng chạm tay vào bờ vai bên kia của bà. Tấm ảnh này tôi “ken” vào màn hình máy vi tính xách tay của tôi. Hàng đêm tôi nhìn tấm ảnh, và không viết gì, không muốn có một hành động gì. Cho tới khi tôi có ý định mở cánh cửa trên máy bay… đi tìm bà.
Bà Khánh không giấu nổi tôi. Sự ưu phiền, cả trong khi bà huyên thuyên, nói những câu chuyện vui và cười. Tôi cũng thế, tôi là người có nhiều nụ cười buồn. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi hứa hẹn sẽ cười qua điện thoại với nhau. Sau vài giây gọi cho nhau qua điện thoại, lại là một khoảng trời trống vắng sầu muộn khôn nguôi. Tôi nhớ vào buổi tối quay cảnh cuối cùng. Tôi hốt hoảng, đâm lo rồi đây mình sẽ không còn được gặp bà. Trước khi tạm biệt. Tôi tha thiết yêu cầu bà rằng: Bà đừng quên bà đã hứa cho phép tôi. Thỉnh thoảng gọi điện trò chuyện với bà. Hay là nếu không phiền cho tôi nhắn tin cho bà cũng vui.
Ban đầu bà Khánh chỉ cười, sau đó bà đồng ý. Ở tuổi “bà già” này mà có một “ông già” thỉnh thoảng nhắn tin cho mình cũng vui. Một người yêu mình dù là ảo cũng vui. Lạ thật khi nhắn tin hay điện thoại tôi mới dám nói với bà Khánh nhiều điều, bạo miệng hơn là tôi tưởng. Còn khi đứng trước mặt bà tôi chỉ nói đùa. Tôi nhắn tin qua máy của bà Khánh, lúc đó bà không xa tôi bao nhiêu, mà đang đứng cạnh cửa xe, bà đang lo công việc của bà, tôi thì ngồi trên xe, bà chỉ cách tôi vài bước. Rồi như là tôi trông thấy dòng chữ mà tôi nhắn tới bà đang bay trong không gian. Có lẽ chiếc điện thoại run trong tay bà lúc nó nhận được dòng tin đó. Bà cúi xuống đọc: Anh nhớ em quá Khánh ơi. Tôi ước chi cái điện thoại đang run trong lòng tay của bà… là bàn tay của tôi. Khuôn mặt tỉnh rụi, mà có vẻ vui vui của bà, khổ thay, lại khó cho tôi biết rằng bà vừa nhận tin nhắn của tôi. Nhưng một lúc sau tôi lại nhận được một tin nhắn bằng… thơ: Khánh giờ sống cũng bằng không. Coi như Khánh đã sang sông đắm đò.
Mọi người trong đoàn phim đều nói bà Khánh tốt bụng bẩm sinh. Bà Khánh còn đẹp và dễ thương. Tôi muốn xóa đi chữ Còn chỉ xin giữ lại chữ Đẹp thôi. Đâu phải tự nhiên tôi đổ đốn. Già mà còn yêu. Tôi không hiểu vì sao chỉ có những người trẻ mới được phép yêu. Tôi yêu như một phản xạ có điều kiện. Đúng là Khánh dễ thương nhưng khó mà yêu. Khánh cứ văn thơ trốn tránh. Thật ra tôi vẫn muốn bà và tôi cứ trốn tránh hú tim. Hay một cuộc chơi trốn tìm mà cả hai có ý định tẩu thoát. Vì sao, chính vì cả hai đã có cuộc đời thất bại. Hết vốn và có phần kinh hãi vì đã quá yêu thương. Nay thì tuyên bố phá sản.
Đôi khi tôi nghĩ về bà Khánh. Hay là chuyện ưu phiền dang dở của bà. Là do bà biết quá nhiều thơ, đọc quá nhiều tiểu thuyết. Tiểu thuyết vốn nhiều chữ lại còn có những ẩn dụ. Có một số người chỉ xem truyền hình và truyện tranh, với những ý nghĩa có sẵn, khỏi phải suy nghĩ. Với lại khổ thay bà Khánh hay giải thích các câu chuyện với khá nhiều hàm ý, cách chơi chữ, rồi thì phép gián cách. Bà có nói với người chồng bỏ đi xa “mà vẫn mang theo nụ cười” của bà không. Kinh nghiệm chữ nghĩa chán chường của mình, tôi nhận thấy điều đó sẽ phiền toái cho một tình nhân, càng phiền toái hơn cho một ông chồng làm nghề kinh doanh thực tế khô cằn. Nhưng rồi, nếu ngược lại thì nó có hơn gì, khi bà thấy có sự đồng cảm nào đó. Với một người quá nhạy cảm và lãng mạn tới bến là tôi. Bà Khánh sợ cả hai. Và chính tôi cũng sợ phải yêu vào giờ phút cuối cùng, tôi thở dài, chính ra là vào lúc vở diễn đã tới hồi hạ màn.
Tôi chợt thức, chỉ một mình tôi thức. Tôi thấy mặt trời buổi sáng, trên cánh máy bay ướt sương, ngoài cửa sổ, bên trái tôi. Và kia cuối tầm mắt, nhiều cụm mây trắng ở chân trời, như là một thôn xóm xa vắng. Tôi nghĩ bà Khánh đang ngồi khóc ở đâu đó trong làn mây này. Rồi tôi mở cái khóa an toàn nơi thắt lưng. Tôi đứng lên đi dài theo hàng ghế khi mọi người còn ngủ. Tôi mở cửa máy bay bước ra ngoài. Kỳ diệu hơn tôi tưởng. Cửa mở. Nhưng không hề lôi cuốn ai và vật gì ra ngoài kia. Mọi người bình yên. Tôi bước lên cụm mây, chiếc máy bay nhỏ dần, trôi xa hẳn tôi, tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ còn có dịp trở lại chuyến bay đó nữa.
Khi tôi bước ra ngoài trời. Mưa đang lâm râm mưa dưới chân tôi. Chính là vì tôi đứng trên cơn mây mưa, tuổi của mình đứng ngoài việc này là tốt. Tôi nhìn và đồ chừng, từ đây tới cửa ngõ làn mây tận xa kia thì bao nhiêu bước. Muốn đi tới đó gặp Khánh có thể đi cạn láng số tuổi ít ỏi mà tôi còn lại. Tôi không còn mua được thời gian nữa rồi. Bỗng nhiên tôi khóc mà trong lòng thấy nhẹ tênh. Buồn cười thay một phút trôi nhanh, tôi muốn trở lại cái khoang máy bay yên ổn đó, đường về phía chân trời khá xa, còn Khánh thì lưỡng lự. Tôi muốn, dù biết là chuyện này đã ở vào một thời gian khác đi rồi, nó khác hơn mình tưởng. Đàn ông mạnh mẽ là thế, lại có rất nhiều khi là phái yếu, yêu nhưng không dám tiến tới. Lười biếng chiếm lĩnh và lười phiêu lưu.
Mới đây tôi điện thoại cho bà Khánh, tôi nói rằng: Tôi ở một mình trên Đà Lạt, một mình trên khu đồi hoang vu, gần Hang Cọp. Tôi đang nhìn chiều vàng xuống chậm và buồn trên những cành thông. Trong sương mù tôi ước gì thấy Khánh hiện ra và đang bước về phía tôi. Bên kia điện thoại tôi nghe tiếng Khánh cười giòn. Rồi bà nói: Chuyện đó cũng có thể. Trời hỡi, ngón đòn ác liệt thật, làm cho tôi lập tức hân hoan, mê sảng không khác năm tôi mới mười tám tuổi. Tuy tôi biết tỏng, nỗi sầu muộn trong tiếng cười của bà. Hay là chính nỗi buồn đó sẽ là chuyến xe, đưa bà đến cùng tôi vì chính tôi cũng có một nửa nỗi buồn như bà. Không hề, tôi chợt tỉnh thở dài. Chúng tôi chỉ có thể đến với nhau, khi phiêu bồng trong lúc ngủ, và chỉ trong giấc mơ.
Giờ thì, biết là vậy tôi vẫn cứ bước, bước chậm trên những cụm mây, chúng êm như các sợi tơ, trải trên các bậc thang cuốn. Còn gì mà phải hà tiện với số tuổi ít ỏi còn lại của tôi. Dù cho chuyến đò chót vét này, tôi sẽ đi hết cuộc đời tôi mới tới ngôi làng dưới chân mây kia. Tôi cố ý đi chậm lại và mỉm cười: bà Khánh có khác gì tôi, bà ở đó, đôi mắt màu nâu, và một chút mơ hồ nồng nàn, tôi nghĩ bà phải chờ cũng lâu. Bằng ngang số thời gian mà cả hai có được. Tôi hết sức muốn gặp bà, mà lại cố dằn cơn nôn nóng, tôi cố làm cho bước chân ngắn hơn và chậm lại. Tôi đếm bước chân của mình tỉ mỉ không dám hoang phí. Cũng không tệ cho lắm, còn hay nữa là đàng khác. Bởi vì cứ bước cho thật là chậm như thế, cũng vừa, cho đến lúc tôi tới ngưỡng cửa ngôi nhà cuối cùng của bà. Khánh cũng sẽ không còn gì vướng bận. Tôi sẽ lau nước mắt cho bà, hoặc chỉ đưa chiếc khăn tay.
Chúng tôi dạo quanh trên các tầng mây. Còn mưa thì ở dưới kia. Đêm về tôi ngồi với bà, trên chiếc băng ghế cũng bằng mây mềm, nơi này hoang vắng, chỉ còn có hai người. Thinh lặng và yên tĩnh tới nỗi chỉ nghe tiếng tim cả hai vang vang. Tôi với Khánh nhìn xuống mặt đất ồn ào khói bụi dưới kia. Những thành phố trôi qua với ánh sáng long lanh xa vời. Tôi đã trôi dài miên man biết bao lâu, giờ về tới bến cũ, và cho là đã trọn gói, khác hơn khi tôi còn ở dưới mặt đất, luôn thiếu thốn đủ điều.
Nay nếu tính ra thì chỉ có bao nhiêu, tí chút giây phút cuối cùng này. Nhưng cũng không có gì trọn vẹn, thì như các mơ ước khác, nó vẫn khắc khoải và không hài lòng. Có chạy lên trời cũng không thoát. Gần nhau hơn, tôi phát hiện Khánh nói nhiều hơn là tôi đã biết, bà hay trách móc, và đặc biệt khó tánh, nhưng chả sao. Vì tôi đây cũng khó chịu, không kém chi bà, song tôi cũng chịu khó, nhẫn nại không ai bằng. Khi ngồi im nghe Khánh nói.
Như vậy là đã đủ, cho cả hai, tôi cho là tốt hơn hết, dù có một phút thoáng qua, tôi muốn trở lại chuyến bay, và đóng chặt cánh cửa. Tôi vui, vì tôi đã có bà ngồi bên cạnh, giờ thì tôi không còn cần gì nhiều, và cũng không cần phải nói gì thêm. Tôi ngồi, im lặng và hài lòng, chịu khó nghe Khánh nói mãi về câu chuyện không vui của bà và người chồng ở tận bên kia đại dương.
Truyện ngắn của Mạc Can
Bình luận (0)