Khó bởi, họ không được xây nhà cao lên, nhưng cũng chưa biết bao giờ có lô đất để giãn. Thêm vào đó, lô đất đó cũng còn phải thế nào lòng dân mới thuận. Một lô đất thế nào bao gồm rất nhiều chuyện. Đất có gần làng hay không. Ruộng có gần nhà hay không để thuận tiện việc đồng áng hằng ngày. Rồi còn điện, đường, trường, trạm. Vốn chỉ quanh quẩn trong làng, họ không thể đi đến cả chục cây số mỗi ngày chỉ để gửi con. Một chuyện khác cũng không kém quan trọng là chuyển đến đất mới thì tiền đóng góp để nhận lô đất mới ra sao. Phần lớn làm nông nghiệp, dân Đường Lâm khó lòng có tiền để bỏ ra mua mảnh đất để giảm mật độ dân số cho làng.
Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích Đường Lâm, trước năm 2005, địa phương từng cấp đất cho một số hộ để giãn dân. Nhưng sau đó chẳng thấy mấy người ra khu đất đó ở. Bởi đứng trước việc phải nộp tiền đất, họ không biết làm sao, nên có người còn bán lúa non. “Kiểm tra thì có 60-70% đã bán đất được cấp rồi”, nguồn tin cho biết.
Giờ đây, sự bức xúc khiến nhiều hộ Đường Lâm tái khẳng định họ không muốn phải “chịu đựng” thêm nắng nóng với cuộc sống vùng lõi di sản nữa. Thế nhưng, hội thảo khoa học mới đây cũng cho thấy quy định cấm xây nhà tại khu vực một hiện hành không thể thay đổi. Thêm vào đó, quy trình quy hoạch chắc chắn sẽ còn kéo dài, bởi nếu được thông qua chúng ta cũng mới chỉ có quy hoạch 1/2.000. Với tỷ lệ này, đây mới chỉ là một quy hoạch hết sức định hướng. Trong khi di tích lại cần cụ thể chuyện ứng xử với từng hộ. Phải chờ đến những lượt làm quy hoạch kỹ hơn với tỷ lệ 1/500, rồi 1/200 và 1/100 mọi chuyện mới rõ ràng được.
Sự dích dắc, tốn thời gian của quy trình khoa học này, chưa ai nói với người dân trong tất cả các cuộc họp Đường Lâm từ trước tới giờ. Cũng giống như từ khi làm hồ sơ di sản tới giờ, dân làng luôn thiệt thòi vì ít được thông tin đầy đủ. Chắc chắn họ sẽ còn bức bối vì phải chờ đợi quá lâu.
Vì thế, ở Đường Lâm, câu chuyện người dân chưa thực sự được làm chủ di sản chắc sẽ còn tiếp diễn.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)