Trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh) cho biết:
Đây là chuyến thăm Trung Quốc (TQ) đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang và là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao VN tới TQ sau khi TQ có Ban lãnh đạo mới. Mục đích chính của chuyến thăm nhằm khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước VN củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với TQ và nhằm tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Xin Bộ trưởng cho biết các hoạt động và kết quả nổi bật của chuyến thăm?
Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm là việc lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi và đạt nhất trí cao về tầm quan trọng của việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN - TQ. Hai bên nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước; khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Hai bên đã trao đổi những phương hướng lớn nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng bất đồng, nhất là trong vấn đề trên biển.
|
Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng. Hai bên đã ra Tuyên bố chung, ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có những văn kiện vừa định hướng cho tương lai quan hệ hai nước, vừa đề ra các bước phát triển hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực để thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu hơn nữa. Hai bên đã trao đổi biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực kinh tế thương mại, nhất trí đề ra các biện pháp hữu hiệu, quyết liệt nhằm giảm dần nhập siêu của VN, tiến tới cân bằng thương mại, phấn đấu thực hiện trước thời hạn đưa kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỉ USD vào 2015.
Việc hai bên ký Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu, một mặt cũng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa VN, nhất là nông - thủy sản sang thị trường TQ, mặt khác góp phần lành mạnh hóa việc nhập khẩu các mặt hàng gia cầm, gia súc từ TQ vào VN, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả nguy cơ lây lan bệnh dịch từ gia súc gia cầm nhập khẩu. Hai bên cũng nhất trí sẽ thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư lớn, góp phần thúc đẩy tăng đầu tư của TQ vào VN. Hai bên cũng đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Những vấn đề mà dư luận trong và ngoài nước quan tâm như tranh chấp trên biển, vấn đề nghề cá được hai bên đề cập và trao đổi như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Trong các cuộc gặp và hội đàm với lãnh đạo TQ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều nhấn mạnh, việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. VN sẵn sàng cùng TQ trao đổi, giải quyết thỏa đáng tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, và tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí, lãnh đạo hai Đảng, hai nước cần duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề này; kiên trì thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời phối hợp quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh.
Hai bên khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - TQ. Đây là văn bản hết sức quan trọng được 2 nước ký 10.2011 với nội dung đề cập một cách toàn diện những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết tranh chấp trên biển như tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982; thực hiện nghiêm túc DOC.
Căn cứ theo nội dung thỏa thuận này, hai bên nhất trí gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ (VBB) và Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt - Trung. Hai bên đã đặt ra một số mục tiêu thực hiện ngay trong năm nay.
Đối với vùng biển đã phân định trong VBB, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuần tra chung định kỳ giữa hải quân hai nước, đồng thời trao đổi triển khai các hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí. Trên cơ sở kết quả hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai bên trong VBB, hai bên đã ký thỏa thuận nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong VBB.
Vấn đề nghề cá cũng là một nội dung được hai bên quan tâm và trao đổi sâu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan đến đời sống của rất nhiều ngư dân, đề nghị có biện pháp xử lý thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng, an toàn cho ngư dân.
Hai bên thống nhất nhận thức về tính cần thiết của việc phối hợp xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá, triển khai các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ thiết thực các hoạt động nghề cá, đối xử nhân đạo với ngư dân phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước cũng như với luật pháp và thông lệ quốc tế. Hai bên đã ký Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc đột xuất liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển. Cùng với đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng, đây là những biện pháp cụ thể để cơ quan chức năng hai bên liên hệ, trao đổi để phối hợp xử lý khi có vấn đề nảy sinh. Hai bên cũng có thể sử dụng cơ chế đường dây nóng này để phối hợp hỗ trợ, cứu hộ cho các hoạt động nghề cá khi cần thiết, phục vụ cho các hoạt động nghề cá, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Bạn đọc có thể xem toàn văn bài phỏng vấn trên Thanhnien Online (www.thanhnien.com.vn)
Theo TTXVN
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Vùng biển chủ quyền của ta, bà con cứ đánh bắt”
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chủ quyền của ta, bà con cứ đánh bắt
>> Việt Nam - Trung Quốc củng cố và phát triển quan hệ chiến lược toàn diện
>> Trung Quốc thanh tra tài sản quân đội
>> Tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ thăm Trung Quốc
Bình luận (0)