Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ?

24/06/2013 03:15 GMT+7

Có lẽ chưa một chương trình tiếng Anh nào triển khai trong trường phổ thông tại TP.HCM lại nhận nhiều ý kiến như chương trình Cambridge. Sự không rõ ràng, độc quyền trong khi vận hành khiến dư luận đặt vấn đề chương trình này có thật sự vì quyền lợi của học sinh?

Thêm một chương trình mang tính quốc tế để học sinh lựa chọn là điều cần làm, nhưng trước hết phải vì lợi ích của người học. Cách thức mà chương trình tiếng Anh Cambrigde đang thực hiện ở nhiều trường phổ thông của TP.HCM đặt ra nhiều câu hỏi.

Chênh lệch học phí gấp 3 lần ?

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tham gia chương trình tiếng Anh Cambridge, học phí chương trình từ lớp 1-3: 150 USD/tháng, lớp 4-5: 200 USD/tháng. Trên website của EMG, mức học phí quy định 180 USD/tháng. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, lãnh đạo một trường học ở TP.HCM làm việc với đại diện CIE tại Đông Nam Á vào tháng 10.2011 thì chi phí tính ra khoảng 50 USD/học sinh/tháng.

Tất cả đều quy về một công ty !?

Chương trình Cambrigde trong trường phổ thông được giảng dạy thí điểm tại TP.HCM từ năm 2010 ở bậc tiểu học, năm 2011 bậc THCS, đều thông qua Tập đoàn giáo dục EMG, đơn vị được xem là được ủy quyền của Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge (CIE).

Thực hiện đề án phát triển hệ thống trường chuyên và đề án dạy ngoại ngữ các trường trung học của Bộ GD-ĐT, từ năm 2011 một số trường THPT tại TP.HCM dạy các môn toán, khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Lúc bấy giờ mỗi trường lựa chọn chương trình và cách thức thực hiện, đánh giá khác nhau. Tại hội thảo dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào cuối năm 2012, EMG được trình bày gần 40 phút trước đại diện các trường về chương trình này. Việc Sở GD-ĐT đi đến thống nhất về nội dung và cách đánh giá chương trình là điều cần làm. Thế nhưng nhiều người cho rằng tại sao không có nhiều (hay ít ra là 2 - 3) mà chỉ có một đại diện nên không thể có lựa chọn khác. Ngay lúc ấy, lãnh đạo nhiều trường tham dự cho rằng đã “nhìn thấy” chương trình nào sẽ được áp dụng thống nhất, chính thức trong việc dạy các môn toán, khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ngày 8.1.2013, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện thí điểm dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh sử dụng chương trình của ĐH Cambridge ủy nhiệm cho EMG thực hiện tại VN. Có 2 phương thức triển khai: Hợp đồng với EMG thực hiện toàn bộ chương trình; sử dụng lực lượng giáo viên sẵn có hoặc do trường tự hợp đồng. Tài liệu dạy và học cả 2 phương thức sẽ do EMG cung cấp theo mức giá thỏa thuận. Chuẩn đầu ra sẽ dựa trên chuẩn của ĐH Cambridge, học sinh sẽ dự các kỳ thi của ĐH Cambridge do EMG thực hiện tại VN.

Như vậy, có thể thấy các chương trình tiếng Anh Cambridge tại TP.HCM từ cấp tiểu học đến THCS đều chỉ do một công ty thực hiện.

Tận dụng cơ sở vật chất trường công !

Chương trình tiếng Anh Cambridge do EMG thực hiện tại TP.HCM phần lớn đều diễn ra ở các trường công lập lớn, có sức hút phụ huynh học sinh và sẵn cơ sở vật chất tốt.

Theo bà C., một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), phòng học của học sinh khi học chương trình này đã có sẵn. Thậm chí, các phương tiện được trang bị trong phòng như máy chiếu, bảng điện tử... đều do phụ huynh đóng góp để mua từ trước đó. Phụ huynh Y. có 2 con đang học lớp 1 và 6 tại 2 trường triển khai chương trình Cambridge cho rằng từ máy chiếu, màn hình... đều là tiền của phụ huynh góp để mua, những thứ khác thì trường công lập đã được nhà nước đầu tư sẵn.

Khi thực hiện ở các trường, những lớp học dạy chương trình này được ưu tiên về sĩ số, phòng ốc, giáo viên... Một giáo viên dạy tại trường có triển khai chương trình này cho biết các trường phải xáo trộn học sinh, dồn lớp để có được sĩ số đẹp từ 25 - 30 học sinh/lớp cho chương trình Cambridge, trong khi đó các lớp khác phải “nhét” 45 - 47 em. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho chương trình này cũng thuộc hàng tốt nhất của trường.

Rất nhiều phụ huynh đã lên tiếng phản bác hiện trạng này vì không thể chấp nhận trong cùng một trường mà có sự phân biệt đối xử về lớp học, cơ sở vật chất giữa học sinh có/không theo chương trình Cambridge. Ông L., một phụ huynh học sinh Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5), lập luận: “Chủ trương của nhà nước là vào trường công lập do nhà nước đầu tư thì phải học giống nhau, cách đối xử giống nhau, không có sự phân biệt học sinh giàu và nghèo. Đằng này, có khoảng cách giữa học sinh học chương trình Cambridge và học sinh không học”.

Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ?
Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia chương trình tiếng Anh Cambridge - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Độc quyền giáo trình giá cao

Nhiều phụ huynh phản ánh, học sinh theo chương trình này phải mua giáo trình, tài liệu với giá cao.

Theo bà Y., giáo trình rất đắt đỏ. Tiền sách dao động tùy theo học kỳ, có thời điểm riêng tiền giáo trình đã hơn 4 triệu đồng. Trung bình, một bộ sách bao gồm sách tiếng Anh, toán, khoa học khoảng 2,2 triệu đồng. Mặt khác, phụ huynh cũng không được thông báo trước về tên giáo trình, chỉ đến khi có thông báo đóng tiền của Công ty EMG mới được biết.

Có phụ huynh còn phản ánh giá tiền giáo trình mà EMG thông báo cao hơn so với trên web bán hàng trực tuyến www.amazon.com. Chẳng hạn, sách Science Success Pupil Book 2, EMG thông báo giá 36 USD, trong khi giá trên trang Amazon chỉ là 9,78 bảng Anh (khoảng 14,97 USD). Hay sách tiếng Anh Companion 2 giá 450.000 đồng, giá trên Amazon là 11,40 bảng (khoảng 365.000 đồng). Sách tiếng Anh Pupil’s Book 2 thông báo giá 400.000 đồng, giá trên Amazon là 10 bảng (khoảng 320.000 đồng). Trong khi đó, liên lạc với dịch vụ tư vấn khách hàng (Customer Services Advisor) của CIE, có phụ huynh được bà Sarah Moss, người phụ trách bộ phận này cho biết có thể đặt mua giáo trình ở bất cứ nơi nào thuận tiện nhất. Phụ huynh này cho biết mình có nhiều người quen hay từ Anh về Việt Nam nên muốn mua trên Amazon hoặc mua trực tiếp tại ĐH Cambridge nhờ mang về. Nhưng vì quy định của EMG nên không thực hiện được ý định này.

Trước thực tế này, có ý kiến cho rằng không hiểu sao Sở GD-ĐT TP.HCM lại đồng ý “bắt tay” với một công ty để triển khai chương trình tiếng Anh Cambridge trong khi Sở hoàn toàn có thể lấy tư cách pháp nhân của mình để tìm hiểu cũng như làm việc trực tiếp với CIE? Thậm chí, nếu EMG độc quyền triển khai chương trình Cambridge tại VN, Sở vẫn có thể làm việc với các đối tác giáo dục có uy tín khác trên thế giới để tìm một chương trình phù hợp.

Các trường tham gia chương trình

Trường tiểu học: Chu Văn An, Minh Đạo, Lương Thế Vinh, Hòa Bình, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Kỳ Đồng, Hồng Hà, Lê Ngọc Hân, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Sơn.

Trường THCS: Ngô Tất Tố, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Lê Văn Tám, Trần Đại Nghĩa, Võ Trường Toản, Lương Thế Vinh, Trần Văn Ơn.

Đang triển khai tại 10 trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Bùi Thị Xuân, Lương Thế Vinh, Gia Định, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Nguyễn Thượng Hiền, Mạc Đĩnh Chi.

Chưa thực hiện đúng cam kết

Tại Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3), nhiều phụ huynh có con theo học chương trình này đã từng khiếu nại nhà trường và EMG không thực hiện đúng cam kết. Chẳng hạn: Học sinh không được tổ chức thành một lớp riêng, phòng học không được trang bị theo tiêu chuẩn “quốc tế”, không có tủ đựng sách vở, không có màn hình - máy chiếu, không có các thiết bị phục vụ dạy học các môn khoa học… Ngoài ra, giờ học Cambridge bị xếp trùng với giờ tiếng Anh tăng cường khiến không ít học sinh bị mất 4 tiết tiếng Anh tăng cường mỗi tuần. Bà M., phụ huynh một học sinh lớp 6, từng gửi thắc mắc đến nhà trường cũng như EMG. Bà nói: “Theo tiêu chuẩn của một lớp học Cambridge và cũng theo như các lớp học tiếng Anh khác, một lớp không quá 25 học sinh. Điều này chính EMG đã cam kết trước khi tôi cho con theo học nhưng lớp của con tôi hiện trên 35 học sinh”.

Nhiều phụ huynh cũng tỏ vẻ không hài lòng về chất lượng chương trình này. Bà M., phụ huynh có con học chương trình tại một trường tiểu học và trường THCS, cho biết những người thực hiện chương trình cam kết giáo viên sẽ kiểm tra thường xuyên để biết khả năng, trình độ tiếp thu của học sinh nhằm bồi dưỡng thêm các kỹ năng còn yếu kém hòng theo kịp chương trình. Nhưng theo bà  M., con bà vẫn còn nhiều bài dường như không hiểu, không biết cách làm bài tập dù đã học ở lớp. Còn ông K., một phụ huynh khác, khẳng định con ông không nắm gì về tiếng Anh qua gần 6 tháng học chương trình tiểu học Cambridge lớp 1!

Rất nhiều phụ huynh khác đặt câu hỏi về nguồn giáo viên của chương trình. Số giáo viên này được tuyển, hợp đồng từ nguồn nào mà phụ huynh không rõ. Phụ huynh cũng không biết ai đứng ra cam kết đảm bảo chất lượng của các giáo viên này.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.