Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Vẽ cuộc đời bằng tâm và tài

25/06/2013 05:15 GMT+7

Gần 25 năm cầm máy, Nguyễn Á nói đã nhận được quá nhiều thứ và nhiếp ảnh giúp anh nhìn lại cuộc đời bằng một trái tim đồng cảm.

Nhảy xuống chiếc xe ôm, mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng như thiêu đốt của miền Trung vẫn không làm Nguyễn Á chùn chân. Anh miệt mài bấm máy. Dưới kia, nằm trên những phiến đá nhấp nhô tại ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên), giữa trùng dương sóng vỗ, Á hậu Hương Giang cũng mệt không kém nhưng vẫn nở nụ cười thật tươi. Nguyễn Á đang thực hiện bộ ảnh cho tập sách Tâm và tài - Họ là ai? Đó là những ngày cuối năm 2010. 

Lớn lên từ bần hàn

 Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á - Vẽ cuộc đời bằng tâm và tài
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á - Ảnh: NV cung cấp

Sinh ra trong một gia đình có đến 11 anh chị em, Nguyễn Á không giấu giếm tuổi thơ đầy khổ cực của mình. “Gia đình tôi làm đủ thứ nghề để mưu sinh: bán cơm, cháo vịt, bán kem rồi vựa ve chai, sạp báo... Mấy mươi năm trước đó là khó khăn chung của người dân thành phố. 15 tuổi, tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng đến các tòa soạn nhận báo về phân phối cho các sạp ở quận 1, 3, Bình Thạnh và Gò Vấp (TP.HCM). Xong việc, ngoài giờ học tôi còn  kiêm thêm công tác tổng phụ trách Đội thiếu nhi P.14, Q.Bình Thạnh. Có lẽ nhờ những tháng năm đó mà sau này tôi thực hiện thành công cuộc triển lãm đầu tay: Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh năm 2007”. Á thổ lộ, bộ ảnh đó xuất phát từ ý tưởng những ngày anh làm tổng phụ trách Đội, hiểu được nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần cống hiến, xả thân vì đất nước, vì cộng đồng như thế nào cũng như những ước mơ, hoài bão…

Gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng, phía sau là chồng báo thật nặng, vượt quá sức nặng của người đạp, bóng dáng nhỏ bé của chàng thiếu niên len lỏi giữa Sài Gòn hơn 30 năm trước. Nguyễn Á tự nhận anh trưởng thành từ những công việc nhọc nhằn đó. Nhưng rồi chẳng biết tự bao giờ, Nguyễn Á gắn bó với nghiệp báo chí - điểm tựa quan trọng cho sự nghiệp của anh sau này. “Tôi làm cộng tác viên cho hàng chục tờ báo ở Sài Gòn. Có bất cứ sự kiện nào tôi cũng đều có mặt để chụp ảnh, đưa tin”. Năm 22 tuổi, lần đầu tiên Nguyễn Á cầm máy ảnh sau một quyết định khá khó khăn - từ bỏ vị trí thủ môn đội tuyển bóng ném TP.HCM để theo nghiệp ảnh. “Chia tay sân bóng buồn lắm nhưng nhiếp ảnh cuốn hút tôi mạnh hơn. 27 tuổi, tôi chính thức trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sống nhờ nghề này”. 

Không chấp nhận sự lặp lại, nhàm chán

Nguyễn Á tâm sự nếu chấp nhận đời sống bình lặng, yên ổn bên gia đình có lẽ anh đã chọn nghề khác. “Tôi thích bôn ba, đi đây đó, gặp gỡ nhiều người”, Nguyễn Á thú nhận.

Anh chưa bao giờ bằng lòng với những gì đã làm. Phải tìm ra hướng đi riêng trong nghề nghiệp là tiêu chí hàng đầu Nguyễn Á tâm niệm. Bởi theo anh, nếu không tạo ra dấu ấn riêng, ảnh của Nguyễn Á cũng như bao nhiêu người cầm máy khác. Chính điều đó đã thôi thúc anh cần làm một cái gì đó cho chính bản thân, cho nghề nghiệp. “Càng lao vào làm việc, tôi càng nghiệm ra rằng bức ảnh để lại xúc cảm nhiều nhất chính là bức ảnh lay động được trái tim người xem”.

Suy nghĩ, tìm tòi và không ngừng sáng tạo, Nguyễn Á thuyết phục người xem bằng các cuộc triển lãm ảnh mà gần như ở Việt Nam không ai làm. Anh bỏ nhiều năm dài cùng ăn, cùng sống với những người khuyết tật chỉ để hiểu họ, chia sẻ với họ và… chụp ảnh. “Tôi ghi lại từng mảnh đời không chỉ cho riêng mình hay cho nhân vật mà còn dành cho tất cả mọi người trong xã hội. Tôi muốn khi xem những bức ảnh đó, trái tim mọi người sẽ lay động, thổn thức vì những điều bất hạnh, khiếm khuyết và sẽ có một thái độ sống khác đi với cộng đồng”, anh nói bằng giọng nhẹ bâng.

Ảnh của Nguyễn Á đậm đặc tính báo chí, không quá khai thác những chi tiết giật gân, câu khách, đặc biệt khi chụp người khuyết tật. Nguyễn Á nói anh muốn thay các nhân vật nói lên sự nỗ lực gấp đôi, gấp ba người bình thường để vươn lên và tồn tại trong cuộc sống. “Chụp những con người đó, tôi bỗng thấy mình quá nhỏ bé, tầm thường khi vẫn còn sức khỏe, tay chân lành lặn”.

Hơn 100 trường phổ thông, đại học, cao đẳng đã mời Nguyễn Á đến nói chuyện sau khi bộ ảnh về người khuyết tật ra đời. Anh nói niềm vui đó không thể mua được bằng tiền bạc. Anh đã có dịp chia sẻ với giới trẻ về những người khiếm khuyết về thể xác nhưng lại đầy ắp tâm hồn nhân ái. “Tôi nói nhiều lắm với sinh viên, học sinh. Nói không phải cho tôi hay ca tụng những bức ảnh mà nói vì một điều cao đẹp hơn, một thái độ sống có bổn phận và trách nhiệm hơn với người thân, với xã hội. Tôi muốn các bạn trẻ tự nhìn lại bản thân mình khi xem những bức ảnh tôi chụp”. 

Rơi nước mắt khi bấm máy

Cả triệu lần bấm máy trong đời, Nguyễn Á kể anh có hai lần phải rơi nước mắt khi tác nghiệp. Đó là lần chụp cô gái xương “thủy tinh” Lê Thanh Thúy cách đây 6 năm. Thúy mắc bệnh ung thư xương giai đoạn cuối nhưng vẫn dũng cảm chống chọi với bệnh tật, lập blog, tổ chức các chương trình từ thiện, phát quà cho bệnh nhi ung thư. Chính tấm lòng cao đẹp đó đã khiến Nguyễn Á tiếp cận bằng được Thúy. Sau nhiều lần từ chối, gia đình Thúy đồng ý cho Nguyễn Á được chụp ảnh cô những ngày cuối đời - một sự ưu ái hiếm thấy. “Tôi bấm máy Thúy mà nước mắt lưng tròng. Lúc đó tôi không còn cầm máy bằng lý trí nữa mà chụp bằng trọn vẹn con tim mình. Những bức ảnh đó thật sự lay động lòng người và giúp tôi hiểu thêm giá trị cuộc sống”, Nguyễn Á nhớ lại. Lần thứ hai, anh cũng không cầm được nước mắt là theo chân NSND Y Moan trong những ngày cuối đời, cả đêm diễn cuối của nghệ sĩ ở Hà Nội và trong những ngày tang lễ đau buồn. “Có đi, có chụp tôi mới hiểu hết được nỗi lòng của nghệ sĩ Y Moan, một người vẫn còn muốn cống hiến tiếng hát cho cuộc đời, cho khán giả cả nước, cho núi rừng Tây nguyên”.

Nhưng với Nguyễn Á giọt nước mắt anh trân quý nhất chính là ngày thấy cha rơi lệ khi xuất hiện trong lễ ra mắt tập sách ảnh Tâm và tài - Họ là ai? tháng 5.2013 tại TP.HCM. “Ông khóc vì hạnh phúc khi thấy thằng con trai làm được nhiều việc có ích cho xã hội”, anh nở nụ cười hiền hậu.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á - Vẽ cuộc đời bằng tâm và tài 

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Nguyễn Á từng đoạt rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong đó có những giải thưởng do nước ngoài trao tặng: Tình đồng đội - HCV Áo 2009, Thích thú - giải danh dự của Macau 2008, Đường nét và ánh sáng - HCV FIAP Hồng Kông 2006, Chân dung - HCV Canada 2007...

Anh đã thực hiện 3 cuộc triển lãm ảnh: Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh (2007), Họ đã sống như thế (2009), Tâm và tài - Họ là ai? (2013). Riêng bộ sách ảnh Tâm và tài - Họ là ai? tập hợp 365 câu chuyện với 4.500 bức ảnh của 400 nhân vật thuộc đủ mọi ngành nghề khác nhau trong xã hội được nhiếp ảnh gia Nguyễn Á kể lại bằng hình ảnh. Anh đang lên kế hoạch thực hiện tiếp bộ sách ảnh về chàng trai không tay chân người Úc Nick Vujicic và cả bộ ảnh về quân dân Trường Sa. Nguyễn Á cho biết anh vẫn sống nhờ ảnh dịch vụ cưới hỏi, tiền kiếm được từ ảnh dịch vụ giúp anh thực hiện những bộ sách ảnh theo ý tưởng mà không phải lệ thuộc bất cứ nhà tài trợ nào.

Đỗ Tuấn

>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
>> Tống Văn Hải: Sáng tạo vì nông nghiệp, nông dân
>> Lê Lộc - Sáng tạo vì môi trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.