Hút khách nhưng giữ di sản

26/06/2013 03:30 GMT+7

Hấp dẫn ngày càng nhiều du khách nhưng vẫn bảo toàn được di sản, nhất là di sản ở vùng lõi (vùng trung tâm), trở thành câu hỏi khó nhân sự kiện Festival Di sản đang diễn ra ở Quảng Nam.

Đe dọa vùng lõi

Trong mắt của nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa quốc tế, khu phố cổ Hội An đang “quá tải” ở nhiều khía cạnh, từ lượng du khách đến nhịp điệu sinh hoạt. “Nhà ở không còn công năng của nhà ở nữa, mà trở thành quán xá phục vụ du lịch, tiệm may. Đánh cá trên sông cũng không còn đánh cá đơn thuần, mà là để… du khách chụp hình”, PGS-TS Jo Caust (ĐH Melbourne, Úc) nhận xét thẳng thắn.

Khi đến Hội An, bà Jo bảo mình bị “sốc” trước số lượng du khách tại đây, thậm chí đêm khai mạc Festival Di sản, số lượng du khách còn nhiều hơn cư dân phố cổ. “Lúc đầu có thể cư dân địa phương còn hào hứng đón du khách, nhưng rồi sẽ giảm dần nếu lượng khách quá đông. Sẽ có sự biến đổi trong thái độ, đôi khi còn trở nên thù địch với du khách”, PGS-TS Jo Caust nhắc lại nguy cơ mà một số di sản nổi tiếng khác đã vấp phải.

 
Tái hiện không gian xưa của nghề chài lưới tại bờ nam sông Hoài - Hội An dịp Festival Di sản lần 5 - Ảnh: H.X.H

Đáng lo ngại hơn, một chuyên gia còn cảnh báo về sự phân hóa và mối quan hệ giữa khu vực trung tâm di sản với ngoại vi. Khi du khách đến tham quan sẽ đẩy phí sinh hoạt tăng, tạo ra mức sống chênh lệch khiến người dân không hài lòng… Ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam cũng nhận xét: “Số lượng du khách đông đúc trong một thời điểm thì liệu phố cổ còn giữ được không gian yên tĩnh hay không, 570 m kể từ Chùa Cầu đến chợ Hội An bình yên hay không? Đó là sự thật!”.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý địa phương, trong cuộc trao đổi với Thanh Niên chiều qua 25.6, ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An lại quả quyết: “Khách đến càng đông, càng mừng. Vấn đề là công tác bảo tồn như thế nào và đó là trách nhiệm của cả chính quyền lẫn người dân. Bảo tồn di sản cho tốt mà người ta không tìm đến thăm thì bảo tồn làm chi?”. Biện pháp để “giảm thiểu tối đa” tác hại lên di sản, theo ông Giảng, chính là tăng cường ý thức của người dân và cán bộ chuyên môn, đưa ra quy định về việc thăm thú của du khách…

Giữ chân du khách

Sức hấp dẫn của 2 di sản văn hóa thế giới (Hội An, Mỹ Sơn) sẽ kéo du khách đến Quảng Nam, nhưng loanh quanh trong vùng trung tâm sẽ dễ gây nhàm chán và tạo nhiều áp lực lên di sản. Theo ông Hồ Tấn Cường, đây là lý do buộc Quảng Nam phải tạo nhiều sản phẩm du lịch làm vệ tinh cho 2 hạt nhân này để giữ chân du khách thông qua các sản phẩm đa dạng, vừa kéo giãn lượng du khách trong cùng một thời điểm. Các chương trình famtrip diễn ra liên tiếp về 3 hướng núi, sông, biển trong dịp Festival Di sản Quảng Nam 2013 cùng với loại hình homestay phát triển cho thấy xu hướng vừa đa dạng sản phẩm du lịch vừa “giảm tải” cho vùng lõi di sản. Trong gần 1 tuần lễ diễn ra Festival Di sản, còn có thêm 2 chuyến famtrip khác: du ngoạn đường Hồ Chí Minh nhân sự kiện khai trương 2 làng du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Đông Giang và về vùng sông nước Cẩm Thanh cách đô thị cổ Hội An chừng 4 km.

Khi vùng lõi di sản bị đe dọa xâm hại, kể cả nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa, thì chính quyền địa phương buộc phải “nhìn” ra trách nhiệm quản lý phù hợp giữa hút khách và giữ di sản. Quyền lợi của cộng đồng dân cư cũng không thể bị xem nhẹ.

“Đôi lúc danh hiệu di sản thực sự đem lại kết quả tốt đứng ở góc độ bảo vệ, sự sở hữu, quản lý và chia sẻ lợi nhuận - ví dụ như ở Hội An - nhưng đôi lúc nó dẫn đến việc tước quyền các cộng đồng địa phương”. GS-TS Oscar Salemink (ĐH Copenhagen, Đan Mạch)

“Sự quá tải của du khách tác động đến khu di chỉ Alhamra, Generalife và Albayzin ở Granada (Tây Ban Nha), các di tích đạo Phật ở Sanchi (Ấn Độ)… đã khiến chính quyền các địa điểm trên điều chỉnh hoạt động du lịch để giảm thiểu lượng du khách đến những nơi này trong một thời gian”. TS Vũ Anh Tú (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam)

Kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Trả lời báo giới tại hội thảo 10 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản phi vật thể của UNESCO, ông San Win (Bộ VH Myanmar) đưa kinh nghiệm: giáo dục thế hệ trẻ, tạo mối liên kết giữa thế hệ cũ với thế hệ mới qua việc bảo tồn văn hóa phi vật thể. Đặt vai trò của Bộ VH Myanmar lên hàng đầu để làm thế nào phong cách và văn hóa Myanmar được phổ biến rộng rãi, từ đó giúp các nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm không chỉ để giải trí mà còn nâng tầm hiểu biết, giáo dục công chúng. Trong khi đó, Indonesia cụ thể hóa bảo tồn di sản phi vật thể bằng cách hợp tác với các nước ASEAN trong việc bảo tồn nghệ thuật múa rối thông qua liên hoan múa rối có các nước ASEAN tham dự.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Bế mạc Festival Biển 2013
>> Không gian Trường Sa - Hoàng Sa tại Festival Biển 2013
>> Bình ổn giá dịp Festival Di sản Quảng Nam
>> Tuyển tình nguyện viên cho Festival di sản 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.