Lắng nghe người nộp thuế

25/06/2013 09:45 GMT+7

Dĩ nhiên là ngành thuế lắng nghe người nộp thuế nói chứ không phải lắng nghe họ ... kêu. Đã thành quy luật rồi, người nộp thuế thì luôn kêu thuế cao, người thu thuế thì luôn “thu đúng thu đủ”.

Tuy nhiên, giữa hai bên đã có những khúc mắc mà bên thu thuế cần phải lắng nghe để bên nộp thuế giãi bày hoặc nêu những bất hợp lý trong quá trình thu thuế để điều chỉnh sao cho hợp lý. Vậy nên mới có chuyện Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức cuộc gặp với người chịu thuế, lắng nghe họ phản ảnh những bất hợp lý để có những điều chỉnh hợp lý hơn, vừa không bỏ sót nhưng cũng không ép uổng người nộp thuế.

Luật pháp nước ta nói chung và Luật thuế nói riêng hiện nay vẫn còn những điều bất hợp lý. Đã gọi là luật thì không thể “hiểu sao cũng được”. Ấy thế mà lâu nay, nhiều người nộp thuế, nhất là thuế thu nhập cá nhân của nhà báo, luôn chịu nhiều “ấm ức” mà ngành thuế vẫn không giải thích thỏa đáng. Theo quy định, mỗi cán bộ công chức đều có mã số thuế và một tài khoản. Ngành thuế chỉ cần kích chuột vào tài khoản là biết nhà báo ấy thu nhập mỗi năm bao nhiêu (chứ nếu không biết thu nhập bao nhiêu thì quy định bắt buộc có mã số thuế làm gì?). Hàng tháng, ngành thuế “tạm thu” tiền thuế từ nhuận bút nếu anh nhà báo nào vượt quá 1 triệu/tháng (hoặc một lần nhận nhuận bút, có thể nửa tháng/lần). Trên danh nghĩa tạm thu thuế nhưng thực chất là ngành thuế “mượn” tiền nhà báo. Cuối năm, ngành thuế chỉ việc kiểm tra mã số thuế và tài khoản, anh nhà báo nào thu nhập vượt khung thì tiếp tục thu, anh nào không vượt thì ngành thuế phải trả lại tiền đã “mượn tạm” cho người ta chứ sao lại bắt nhà báo kê khai đủ loại giấy tờ rồi mới trả? Anh mượn của người ta kia mà? Đó là chưa tính đến điều bất hợp lý này nữa: có tòa báo họ trả nhuận bút mỗi tuần một lần nhưng cũng có những tòa báo họ trả nhuận bút mỗi tháng một lần. Nếu anh nào thu nhập dưới 4 triệu/tháng mà ở tòa báo mỗi tuần trả một lần thì “thoát” thuế (dưới 1 triệu/ lần thu nhập), còn anh ở tòa báo mỗi tháng trả 1 lần thì coi như không thể thoát đâu được! Người nộp thuế phải hiểu sao cho đúng bây giờ?

Lắng nghe dân là một hình thức của dân chủ. Nhưng nghe xong rồi sửa những điều bất hợp lý mới là dân chủ thật sự chứ không phải “luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu” như câu độ chế trong một quảng cáo. Ngành thuế thì lâu nay vẫn luôn lắng nghe người nộp thuế trình bày những điều bất hợp lý nhưng nghe theo hình thức tập trung, diễn ra suốt cả tuần như họ đang làm thì đây lại là lần đầu tiên. Hy vọng lần “nghe tập trung này” sẽ mang lại những điều thiết thực, không chỉ đối với cơ quan thuế mà cả với những người nộp thuế.

Hải Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.