Trong hành trình nhọc nhằn tìm con ấy, có một quy trình bất thành văn mà chúng tôi thấy hầu hết các chị đều đi theo. Đó là ban đầu tìm đến Tây y. Thất bại, hết tiền chuyển sang Đông y rồi cúng bái, chùa chiềng, phong thủy nhà cửa. Thậm chí, có chị bỏ trống nhà của mình để đi thuê nhà hợp hướng nhằm “đổi vận”. Chị thì đổi bếp, thay hướng cửa phòng để đón sinh khí. Và thậm chí có chị còn vận động cả gia đình dời cả mồ mả ông bà, kiếm một mụn con.
Một khâu trong quá trình điều trị hiếm muộn vô sinh - Ảnh: Thanh Tùng |
Xuất ngoại cầu con
Chúng tôi gặp Nguyên ở một phòng khám Đông y trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình). Nguyên cho biết cô đã 2 lần thụ tinh nhân tạo, hai lần thụ tinh ống nghiệm đều thất bại. “Thầy, bà” nào hay, cô đều đến nhờ giải hạn, cúng kiếng. Có lần, “thầy” phán Nguyên phải thành tâm mỗi ngày phải đến chùa lạy xin Phật bà Quan Âm mới giải được hạn mà có con. Thế là, dù mưa, dù gió gì Nguyên cũng đến chùa cầu khấn không bỏ một ngày nào. “Đi cả năm trời, tin tưởng thành tâm tuyệt đối mà cũng chả thấy gì”, Nguyên nói. Sau đó, theo hướng dẫn của bạn bè cô đã sang tận chùa Wat Phnom (Campuchia) cầu con. Chùa Wat Phnom nằm ở thủ đô Phnom Penh (đoạn giao giữa đường 96 và Norodom) do một người phụ nữ giàu có tên Daun Chi Penh lập. Nguyên chia sẻ: “Muốn điều cầu khấn của mình linh nghiệm thì nữ phải đi cầu bà 9 lần, nam 7 lần để chứng minh sự thành tâm. Có người đi rồi, thành công nên về truyền miệng chỉ nhau. Tớ đã đi được 6 lần rồi, đang cố gắng đi 3 lần nữa cho đủ”.
Ngoài Wat Phnom ở Campuchia thì các chị hiếm muộn còn truyền miệng nhau miếu Thần Tài ở Hồng Kông hay còn gọi là miếu Huỳnh Đại Tiên cũng linh nghiệm chuyện cầu con. Cũng có chị bảo đã đến đây cầu khấn được con nhưng hỏi kỹ thì ngoài chuyện cầu khấn về tâm linh chị cũng còn chạy chữa bằng thuốc này, thuốc khác. Xem ra, đó cũng chỉ là một liệu pháp tinh thần, giúp con người ta vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Ngược xuôi nam bắc
|
Với những người không dư dả gì về tiền bạc thì ngay trong nước, nhiều địa phương cũng được truyền tụng là có chùa cầu con như Hải Dương có đền Kiếp Bạc, Nam Định có đền Phủ Giầy... Nổi tiếng nhất khi phải nhắc đến là chùa Hương (Hà Nội) và chùa Ngọc Hoàng (TP.HCM).
Theo đó, ở chùa Hương có một hang động đầy thạch nhũ gọi là hang Cô, hang Cậu trong động Hương Tích. Cầu con trai thì qua hang Cậu mà cầu con gái thì qua hang Cô xoa vào thạch nhũ, khấn vái. “Sau khi cầu xong, thì đi đâu, làm gì cũng phải nghĩ rằng có vong linh của một đứa trẻ được thần linh cho đi theo mình về nhà. Nên đi đò về thì trả tiền thêm
1 người, ăn uống dọc đường cũng mua thêm 1 suất. Về nhà hai vợ chồng ăn cơm thì sắp thêm 1 cái chén, 1 đôi đũa. Ý muốn trong nhà sẽ thêm người. Thành tâm khấn vái là được”, một chị tư vấn cho chúng tôi. Cũng theo chị này, lễ vật dâng lên thánh thần cũng phải có những đồ ăn và cả đồ chơi mà trẻ con thích thì con mới chịu theo về với mình.
Theo hướng dẫn của nhiều chị hiếm muộn ở TP.HCM, chúng tôi tìm đến chùa Ngọc Hoàng vào một buổi chiều. Khuôn viên chùa nhiều cây cối khá mát mẻ. Lượng người đến viếng chùa cũng khá đông vì là ngày mùng một. Thấy chúng tôi lóng ngóng, một chị bày vẽ, nếu cầu con thì mua 1 cặp rùa phóng sanh vào bể. Nếu rùa mang bầu thì là điềm lành, điều cầu nguyện sẽ ứng nghiệm. Có lẽ vì vậy mà có người còn khắc tên vợ, chồng lên lưng con rùa để làm dấu. Bể rùa đông đúc, có nhiều con to tướng và lúc nào cũng có người đứng mải miết nhìn.
Bên trong chùa, ở bên trái chánh điện có phòng treo biển Kim Hoa Thánh mẫu có 12 bà mụ. Đây là nơi nhiều chị mong con hay tới lui, cúng kiếng. Hầu như lúc nào phòng này cũng tấp nập. Chị Thi, bụng lum lúp vừa thành tâm thắp nhang xong, cho biết Kim Hoa Thánh mẫu là vị thánh cai quản việc sanh nở dưới trần gian, còn 12 bà mụ mỗi người lo một việc (nắn tay, chân, mặt...) trong việc tượng hình một đứa trẻ. “Em cũng mong con lâu rồi, cũng vừa làm TTON, vừa thành tâm đến đây cầu nguyên nên được nè. Giờ em cũng thường đến đây để cầu cho mẹ tròn con vuông, sanh nở thuận lợi”, Thi tâm sự.
Cũng có nhiều người dẫn con đến đây tạ ơn thánh thần nhưng cũng có người đang trong hành trình tìm mầm sự sống đến đây cầu con. Thực hư thế nào, linh nghiệm đến đâu chắc chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận được. Tuy nhiên, có lẽ, điều mà nhiều người tìm đến đây có được là sự thanh thản, nhẹ nhàng trong không gian yên bình và đáng trân quý là niềm tin mãnh liệt vào những điều thiêng liêng, hy vọng tốt đẹp về một tương lai với tiếng cười trẻ thơ.
Lê Nga - Hà Minh
>> Liều mình để... có con
>> Liều mình để... có con - Kỳ 2: Có bệnh vái tứ phương
Bình luận (0)