Doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn

27/06/2013 11:06 GMT+7

(TNO) Tại Phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra sáng nay 27.6, đánh giá về các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp (DN), nhiều đại biểu đã thẳng thắn cho rằng nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

>> Hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp
>> Giảm thuế cứu doanh nghiệp
>> Chính phủ không “cứu” doanh nghiệp một cách tràn lan
>> Cần “thuốc” liều cao để cứu doanh nghiệp
>> Chính phủ cứu doanh nghiệp
>> Cần gấp rút giải cứu doanh nghiệp

Đại diện TP.Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho rằng nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn theo lộ trình giảm lãi suất.

Ông Thảo nói: “Hà Nội kiến nghị Chính phủ làm sao để DN tiếp cận được với nguồn vốn theo lộ trình giảm lãi suất. Để tăng sức mua, tăng tổng cầu, Chính phủ phải có chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư công”. Theo ông Thảo, tăng sức mua, tăng tổng cầu mới là cách hiệu quả để cứu DN.

Liên quan đến tình hình địa phương, ông Thảo cho biết: Chính phủ giao cho Hà Nội thu ngân sách 162.000 tỉ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ thu được 63.000 tỉ đồng, cuối năm thu 99.000 tỉ đồng là hết sức khó khăn.

Đại diện TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định: Giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh nên là mục tiêu ưu tiên, tập trung giảm lãi suất cho vay, bơm vốn cho DN để vượt qua khó khăn.  

Cũng theo ông Quân, các ngân hàng thời gian qua đã cho DN tại TP.HCM vay 115.000 tỉ đồng để xuất khẩu nông lâm thủy sản, đồng thời cơ cấu lại các khoản vay. Tuy nhiên, hiện các NH vẫn đang dư tiền rất nhiều, nên điều cốt yếu là phải tiếp tục hạ lãi suất tiền vay để các DN mạnh dạn tiếp cận vốn vay.

Đánh giá chung về tình hình kinh tế xã hội địa phương, ông Lê Hoàng Quân cho biết, bình quân 6 tháng đầu năm, GDP của TP.HCM tăng 7,9%, thấp hơn 0,2% so cùng kỳ.

Theo ông Quân, từ đầu năm đến nay TP đã giải quyết trên 2.100 căn hộ, giảm 14% căn hộ tồn kho. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục giảm thấp hàng hóa bất động sản, chuyển một số căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội.

“Hiện chúng tôi đang nắm lại nhu cầu nhà ở xã hội công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, và nếu chính sách cho vay với lãi suất 6% kéo dài từ 10 đến 15 năm sẽ giải quyết được nhu cầu cho các đối tượng này.  Lãnh đạo TP chỉ đạo giải quyết thêm 3.000 căn hộ nữa từ nay đến hết 2013”, ông Quân nói.

Đại diện tỉnh Thanh Hóa, ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thẳng thắn nhận định: Vấn đề hiện còn tồn tại, cho dù ngân hàng đã vào cuộc cứu DN, tuy nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Nhiều công trình, dự án dở dang khiến các DN sản xuất vật liệu, dịch vụ "ăn theo" gặp nhiều khó khăn, làm trì trệ nền kinh tế.

Do đó, ông Ninh đề nghị Chính phủ không đầu tư tràn lan. Những dự án cấp bách, trọng điểm phải đầu tư mạnh, nhất là đối với vốn ODA. Như vậy, mới cứu được nhiều DN, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Lạm phát 7 - 8% là mức “đẹp”

Theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, vốn tài trợ đang có nhiều dấu hiệu rất tích cực; các tổ chức quốc tế như IMF, ADB, WB rất hài lòng khi nhìn vào kết quả giải ngân vốn tài trợ trong năm 2012.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng cần phải đảm bảo được nguồn vốn đối ứng nhất định, tương đương mức 2 đồng vốn nội và 8 đồng vốn ngoại. 

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị Chính phủ ứng trước 20.000 tỉ đồng hỗ trợ vốn ODA cho dự án QL 1A, QL 14 nhằm kích thích tăng trưởng. Bộ này cũng nhận định việc Chính phủ trình Quốc hội (vào tháng 10) cho phép phát hành thêm trái phiếu chính phủ sẽ kích cầu thêm rất mạnh, nhằm đạt mục tiêu GDP 5,5% trong năm 2013.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.