Võ sư Nguyễn Văn Tạo đang dợt lại những đường quyền - Ảnh: Bách Thảo |
Kết tinh 4 loại võ
Mỗi võ sư thường chỉ thạo duy nhất một loại võ, rất ít người luyện được nhiều hơn, riêng võ sư Nguyễn Văn Tạo lại học và kết tinh được 4 loại võ (võ cổ truyền, võ Bình Định, pencak silat và taekwondo). Thấy chúng tôi ngạc nhiên, võ sư Tạo giải thích: “Mỗi loại võ đều có thế mạnh riêng. Khi dung hòa và phát huy được điểm mạnh của cả 4 loại võ, lúc ra đòn sẽ rất dũng mãnh, khiến đối phương không kịp trở tay.”
Ông Tạo nhớ lại hồi xưa, vùng núi Ba Chúc còn rất hoang vu. Lo sợ giặc giã, cướp bóc hoành hành, nên nhà nào có con em mới lớn cũng cho đi học võ. Năm 15 tuổi, ông Tạo theo người bác học võ do một thầy ở chùa Phổ Đà dạy. Thời điểm đó, ở Ba Chúc có một nhóm chuyên hành hung dân lành để cướp bóc. Hễ thấy nhà nào có ăn hoặc nuôi heo, bò là chúng ra tay đánh đập, vòi vĩnh. Nếu chủ nhà manh động, chúng có thể giết luôn. Đặc biệt, trong toán cướp này có một tên võ nghệ rất cao cường. Không biết hắn học món võ gì mà toàn thân cứng như sắt đá, chém chẳng đứt, đâm cũng không thủng. Theo các vị bô lão, có thể hắn học loại võ gồng, có nguồn gốc từ Thái Lan hoặc Campuchia.
Một ngày nọ, nghe có tiếng la lối, chó sủa om sòm ở ngoài chùa, ông Tạo biết chắc là bọn chúng tới cướp của, lấy đồ đạc của dân. Lúc này, bà con trong làng đã học được một số món võ phòng thân, nên rủ nhau đoàn kết lại để vây bắt toán cướp. Tuy nhiên, tên cầm đầu kiên quyết không chịu khuất phục mà vẫn chống trả quyết liệt. Người dân mới nghĩ ra cách dùng cây tầm vông bao vây, đánh cho tên cướp khụy xuống, rồi trói tay, chân lại. Biết cơ thể hắn đâm, chém không thủng, mọi người vót nhọn cây tầm vông, lựa những điểm yếu đâm vào cho đến khi nào hắn xin tha mới thôi.
Sáng tạo “võ vườn”
Đúc kết từ 4 loại võ, ông đã sáng tạo cho riêng mình một loại võ mà ông gọi là “võ vườn”. Năm 1992, ông lên núi Dài (Ngọa Long Sơn) chọn địa điểm để mở lò luyện võ và lấy hiệu: “Võ lâm Ngọa Long sơn/Vi nhân môn võ đạo”. Lò võ của ông từng thu nhận hàng chục đồ đệ đến từ Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp…
Đáp ứng yêu cầu của chúng tôi, ông biểu diễn một vài đòn của món “võ vườn”. Dù đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng khi dợt lại những đường quyền, tư thế ra đòn của ông còn rất dũng mãnh. Vừa múa võ ông vừa giảng giải: “Thế mạnh của loại võ này là “hàn long cước” (đá phang ống), “lôi phong cước” (đá bổ củi). 2 cú đá này nếu tung ra mà đối phương tránh không kịp sẽ bị bại trận ngay lập tức. Đối với quyền thì có thế đánh “chỏ chồng”, mục tiêu của thế đánh này là “lấy nhu chí cương” hoặc “thí ngoại đánh nội” rất bí hiểm. Tức khi áp sát đối phương ở tư thế hẹp, ta có thể tung cùi chỏ trúng cằm, ngực…”.
Ông Tạo cho biết ban đầu, người tập võ phải khổ luyện thân thể bằng cách đánh, đá vào gỗ, thậm chí đá cho sưng các khớp xương, rồi lấy muối, thuốc bắc bó. Sau đó, vết thương hơi lành vẫn tiếp tục luyện đánh vào gỗ cho sưng… Từ 3 tháng cho đến 1 năm thì các gu tay, ống xương chân sẽ cứng cáp. Nếu chịu khó tập luyện thì khi thi đấu va chạm sẽ ít đau.
Thời còn trai trẻ, võ sư Nguyễn Văn Tạo đã thi đấu tổng cộng 17 lần, trong đó thắng 16, hòa 1. Trong 17 trận đánh, ông nhớ nhất là lần “so găng” trên thượng đài với võ sĩ lừng danh Dương Đoàn (huấn luyện viên đoàn Minh Hải thời bấy giờ) được tổ chức ở địa phương. “Lúc đó chiều cao của tôi chỉ 1,63 m, còn đối phương cao 1,75 m và nặng hơn tôi đến 7 kg. Võ sĩ này có có điểm mạnh là tung cước thần tốc, khiến tôi chao đảo nhiều lần. Nhờ có kinh nghiệm trên võ đài, tôi cũng làm đối phương nhận đòn không ít”, ông Tạo kể.
Điều mà võ sư Nguyễn Văn Tạo trăn trở hiện nay là mong các ngành chức năng khôi phục lại món võ cổ truyền, đồng thời đào tạo và bồi dưỡng những tài năng trẻ để nghiệp võ không mai một.
Bách Thảo
Bình luận (0)