Nhiều tài xế cho rằng việc cấm và “mở” như thế này là để một số đơn vị chức năng bán giấy phép, nhóm PV Thanh Niên đã tìm hiểu và nhận thấy phản ánh này không phải là không có cơ sở.
|
Không thu lệ phí
Quyết định 06/2013 của UBND TP.Hà Nội về hoạt động của các loại phương tiện giao thông trên địa bàn ban hành ngày 25.1.2013, có hiệu lực từ ngày 4.2 liệt kê hàng chục tuyến phố hạn chế phương tiện, và nói rõ các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng toàn bộ từ trên 1,25 tấn trở lên chỉ được phép lưu hành từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới các chủ xe tải bởi hầu hết các tuyến đường từ vành đai 4 trở vào trung tâm TP.Hà Nội đều bị cấm. Nếu được cấp phép thì thời gian cũng bị hạn chế nên tất tần tật chủ xe đều phải nháo nhác tìm tới trụ sở các đơn vị CSGT để xin cấp phép vào phố cấm.
|
Thông tin với báo giới về quy định cấp giấy phép cho phương tiện đi vào phố cấm theo Quyết định 06, đại úy Trương Song Thành - Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp của Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội cho biết: nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc vận chuyển hàng hóa, Phòng CSGT (trụ sở tại số 86 phố Lý Thường Kiệt) đang tổ chức cấp 2 loại giấy phép 3 tháng và 3 ngày. Ngoài ra còn tổ chức cấp loại giấy phép ngày (3 ngày) tại trụ sở các đội CSGT từ số 5 đến số 12. Việc cấp giấy phép này không thu lệ phí.
Nhưng lái xe... kẹp tiền
Lúc 20 giờ 15 phút ngày 28.5, tại điểm cấp giấy phép vào đường cấm ở Đội CSGT số 5 nằm trên địa bàn P.Phúc Đồng, Q.Long Biên, mặc dù chưa tới thời gian cho xe trên 1,25 tấn lưu hành nhưng đã có cả một đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ tới lượt. Cánh lái xe đứng, ngồi lố nhố trong dãy quán gần đó kẹp những tờ 50.000 đồng vào xấp giấy tờ trước khi vào làm thủ tục xin cấp phép. “Nghe nói đó là tiền lệ phí cấp giấy phép, khoản này bắt buộc. Vì người nào vào đây cũng nộp 50.000 đồng”, tài xế Trần Văn T., quê ở H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cho biết. Hầu hết xe ở các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… muốn vào nội thành đều phải qua đây làm thủ tục xin cấp phép, ước tính mỗi ngày có cả trăm xe.
Đến 20 giờ 55 phút cùng ngày, cửa ra vào điểm cấp phép của Đội CSGT số 5 đông kín. Một chồng giấy tờ xin cấp phép xếp ngay ngắn trước mặt vị đại úy CSGT. Tới lượt, vị đại úy này lật giở bộ giấy tờ rồi gọi tên, cũng đồng thời nhặt tờ 50.000 đồng bỏ vô ngăn kéo bàn. Tình trạng thu tiền cũng diễn ra tại Đội CSGT số 6 cùng nhiều đội CSGT khác.
Bên cạnh đó, PV Thanh Niên ghi nhận thực tế thời gian tài xế được phép lưu hành vào phố cấm ghi trên giấy phép do các đội cấp cũng khác nhau, không có sự thống nhất và đúng theo quy định mà Phòng CSGT đã thông báo. Tại Đội CSGT số 5, hồi trung tuần tháng 5 thì cấp đủ 3 ngày, nhưng tới cuối tháng 5 và đầu tháng 6 thì chỉ cấp có 2 ngày. Tài xế N.V.T chạy tuyến Bắc Giang - Hà Nội, phản ảnh: “Cũng tùy từng người cấp, có người thì viết giấy cấp đủ 3 ngày, nhưng cũng có người viết 2 ngày”.
Chỉ tính riêng tại Đội CSGT số 5, theo quan sát của PV, chỉ trong chừng 10 phút đã có 5 xe tải vào xin giấy phép, với mỗi hồ sơ lái xe kẹp 50.000 đồng thì trong một đêm số tiền cũng không nhỏ, nhưng không có hóa đơn hay phiếu thu. Không rõ khoản tiền này vào túi ai?
Tinh thần của Quyết định 06/2013 là nhằm hạn chế phương tiện, thế nhưng hầu như bất cứ xe tải nào vào xin phép thì được cấp và được đi, vậy thì có “hạn chế” được không?
|
Thái Sơn - Hà An
>> Cảnh sát trật tự cơ động "làm luật": Chính phủ chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm
>> Cảnh sát trật tự cơ động “làm luật" - Kỳ 3: Đình chỉ công tác những sĩ quan “làm luật”
>> Cảnh sát trật tự cơ động “làm luật" - Kỳ 2: Ngã giá ngay tại trụ sở
>> Cảnh sát trật tự cơ động “làm luật
>> “Làm luật” ở bến xe Mỹ Đình
Bình luận (0)