28.000 “xe lớn” chưa kiểm soát được

02/07/2013 03:00 GMT+7

Bộ GTVT cho biết mới chỉ kiểm soát được thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) của 20.000/48.000 xe trên xe khách, xe container, xe tải.

28.000 “xe lớn” chưa kiểm soát được

Thanh tra giao thông huyện Từ Liêm (Hà Nội) kiểm tra việc gắn hộp đen của một xe khách - Ảnh: Hoàng Trang

Tại cuộc họp báo phát động chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ chiều 1.7, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết theo quy định cả nước có 48.000 xe ô tô thuộc diện bắt buộc phải lắp hộp đen và được kiểm soát qua Trung tâm thông tin quản lý vận tải đường bộ, đặt tại Tổng cục Đường bộ. Tuy nhiên đến ngày 1.7, trung tâm mới kiểm soát được thông tin của 20.000 phương tiện; 28.000 xe còn lại phải tới ngày 15.7 mới được cập nhật đầy đủ lên hệ thống.

“Du di” tới ngày 1.8

 

Tại Bến xe Mỹ Đình (H.Từ Liêm, Hà Nội), trong buổi sáng qua, lực lượng thanh tra giao thông đã kiểm tra 10 xe khách và phát hiện 4 xe vi phạm. Trong đó, 1 xe không có hộp đen, 3 xe hộp đen không đúng chuẩn, không in hay trích xuất được thông tin và lần lượt bị lập biên bản phạt từ mức 2-3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định việc lắp đặt hộp đen chắc chắn sẽ giúp giảm mạnh số vụ tai nạn giao thông, đặc biệt tai nạn nghiêm trọng.

Thống kê các vụ tai nạn giao thông xảy ra từ đầu năm tới nay, Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng đa số các vụ đều có liên quan đến vi phạm tốc độ của các xe thuộc diện bắt buộc phải lắp hộp đen. Theo ông Hiệp, qua hộp đen, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ nắm được 6 thông tin cơ bản về xe và lái xe, hành trình xe, tốc độ, số lần và thời gian dừng đỗ, số lần và thời gian đóng mở xe, thời gian làm việc của lái xe.

“Từ thông tin thu thập được, chúng tôi sẽ tổng hợp và có văn bản gửi về các sở GTVT địa phương, doanh nghiệp vận tải, công an các tỉnh để phối hợp xử lý. Theo Nghị định 93/2012 về điều kiện kinh doanh vận tải thì doanh nghiệp có 5% số xe chạy không đúng hành trình, 20% số xe vi phạm về tốc độ... sẽ bị rút giấy phép kinh doanh”, ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, mặc dù từ ngày 1.7 các lực lượng chức năng trên cả nước bắt đầu ra quân kiểm tra, xử lý đối với những phương tiện thuộc diện bắt buộc phải lắp hộp đen nhưng không lắp hoặc lắp thiết bị nhưng không hoạt động. Tuy nhiên, do mới kiểm soát được thông tin của 20.000 phương tiện nên việc sử dụng các thông tin từ thiết bị hộp đen để xử phạt sẽ được “du di” tới ngày 1.8.

“Nói thật là nếu bây giờ bắt đầu sử dụng thông tin chúng tôi nhận được từ thiết bị giám sát hành trình để xử phạt thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị thu giấy phép kinh doanh vì xe chạy sai lộ trình, vi phạm tốc độ nhiều lần... Nhưng mong muốn của chúng tôi là qua việc này sẽ giúp doanh nghiệp vận tải hoạt động tốt hơn, bớt vi phạm đi để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến xe, chứ mục đích không phải chăm chăm xử phạt”, ông Hiệp nói.

Ngăn chặn “hung thần”

 

Gần 100.000 ô tô chưa nộp phí bảo trì đường bộ

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm, cho biết từ 1.1.2013 đến 30.6 đã có 1.069.000 xe ô tô nộp phí bảo trì đường bộ, với số tiền thu được trên 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn gần 100.000 ô tô có kỳ đăng kiểm từ 1.1.2014 nhưng vẫn chưa nộp phí bảo trì đường bộ theo quy định. Ông Trí khẳng định Thông tư 197/2012 về phí bảo trì đường bộ của Bộ Tài chính đã được tuyên truyền rộng rãi và có lộ trình cho chủ xe thực hiện theo quy định tại Nghị định 18/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, nên đến nay chưa có chủ chương lùi lộ trình thu phí. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chậm trễ mua phí bảo trì đường bộ, gần 100.000 ô tô này có nguy cơ sẽ bị CSGT xử phạt.

Trước lo ngại về sự đồng nhất thông tin thu được từ các thiết bị, ông Hiệp cho biết vừa qua thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra 32 đơn vị cung cấp hộp đen, qua đó rút giấy phép kinh doanh của 6 đơn vị không đạt yêu cầu.

Mặc dù các doanh nghiệp vận tải đang sử dụng tới 52 phần mềm khác nhau để thu các thông tin từ hộp đen nhưng đến nay phần mềm của Bộ GTVT và Ủy ban ATGT quốc gia đã tích hợp được tất cả, “quy về một mối” để trích xuất ra 6 thông tin cần thiết cho công tác quản lý và cứ 30 giây cập nhật một lần. Thậm chí phương tiện đang chạy trên đường mà lái xe cố tình ngắt thiết bị cũng bị phần mềm này phát hiện. “Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành rà soát xem có phải thực tế chỉ có 48.000 phương tiện thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình như các địa phương báo cáo hay không. Với khoảng 2 triệu ô tô hiện nay thì 48.000 xe chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ, khoảng 5%. Chính vì thế còn phải kết hợp với hàng loạt biện pháp khác mới mong kiểm soát được tốc độ của toàn bộ ô tô, giảm thiểu tai nạn giao thông”, ông Hiệp nói.

Theo kế hoạch của Ủy ban ATGT quốc gia, trong thời gian từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9.2013 việc kiểm soát tốc độ sẽ được tiến hành trên tất cả các tuyến quốc lộ, nhất là các tuyến trọng điểm như quốc lộ 1, 5, 51, 18 và 14. Thông qua thiết bị nghiệp vụ (máy đo tốc độ, hệ thống camera), lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tốc độ của lái xe. Đồng thời sử dụng thông số từ thiết bị giám sát hành trình để cảnh báo, xử lý hành vi vi phạm tốc độ của đơn vị.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về thiết bị được sử dụng trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, trong đó sẽ có thiết bị trích xuất được thông tin từ hộp đen. “Các thiết bị này chỉ có giá khoảng 2 triệu đồng/cái và có thể in được ra ngay kết quả nên việc phối hợp trao đổi thông tin để xử phạt sắp tới sẽ không khó”, ông Hùng nói.

Nhiều xe container bị phạt do lỗi hộp đen

Ngày 1.7, ngày đầu ra quân xử phạt việc gắn hộp đen tại TP.HCM, ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội 1 - Thanh tra Sở GTVT TP, cho biết mặc dù quy định hộp đen phải được gắn ở những vị trí dễ nhìn, dễ chiết xuất số liệu nhưng nhiều xe đã gắn không đúng vị trí. Nguy hiểm hơn, chất lượng hộp đen của nhiều xe không đảm bảo, cụ thể là hộp đen không chiết xuất được thông tin về lái xe, phương tiện, hành trình, tốc độ...; hoặc chiết xuất thông tin không đúng. Tại khu vực cầu Suối Cái trên xa lộ Hà Nội (Q.9), Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã lập 5 biên bản vi phạm các lỗi trên, mỗi xe bị phạt 2,5 triệu đồng. Theo Thanh tra Sở GTVT, đơn vị đang lên kế hoạch kiểm tra hộp đen ngay tại trụ sở các doanh nghiệp vận tải.

Đình Mười

Thái Sơn - Thế Văn

>> Thu hồi nhiều giấy chứng nhận hợp quy hộp đen
>> Tỷ lệ lắp “hộp đen” bắt buộc cho ô tô thấp
>> Doanh nghiệp vận tải lúng túng với “hộp đen”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.