5 năm học Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ngành Kỹ thuật dầu khí, Võ Thị Thương là gương mặt nổi bật khi giành 15 suất học bổng, trong đó có học bổng Nguyễn Thái Bình của báo Thanh Niên.
Sinh ra trong gia đình nghèo, Võ Thị Thương (23 tuổi), quê xã Phú Thọ, H.Quế Sơn (Quảng Nam) luôn tâm niệm chỉ có sự học mới mong thay đổi được cuộc đời. Vì vậy, em đã miệt mài trao dồi kiến thức và kết quả quả là điểm tổng kết đạt tối đa 4 chấm chính là phần thưởng quý giá giành cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của em. Hôm nhận học bổng, Thương mặc bộ áo dài màu trắng xanh, gương mặt đen sạm nắng gió vùng quê nở nụ cười rạng rỡ. Với em, mỗi lần nhận học bổng là một động lực lớn lao giúp em vững bước vượt qua khó khăn. Chưa hết vui, ngay buổi chiều hôm đó, Thương đã vội bắt xe về lại Quảng Nam, bởi mẹ ở nhà đang lên cơn đau nặng, phải nhập viện điều trị. Tranh thủ thời gian hiếm hoi, Thương kể về hoàn cảnh của gia đình: Nhà có ba chị em gái, bố mẹ đều là những người lao động phổ thông, suốt năm tháng vắt kiệt sức lực, chắt chiu tiền bạc nuôi con khôn lớn. Mẹ em làm nghề vác đá, công việc bụi bặm, thường ngày phải oằn lưng vất vả dưới nắng. Tuổi cao sức yếu, mẹ Thương lâm bệnh nằm liệt giường, nỗi khổ chồng chất trên lưng người cha già đang làm bảo vệ ở công ty đá với mức lương thấp. “Cảm nhận nỗi khổ của ba mẹ, nên trong tâm trí em luôn mong mỏi có sự đổi thay số phận. Cuộc sống ba mẹ em dù mặn chát, buồn đau nhưng lúc nào cũng động viên, thúc giục em học hành đường hoàng”, Thương tâm sự. Là một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ra thành phố học tập, thời gian dài Thương đối diện với nhiều thiếu thốn. Thương bùi ngùi: “Mỗi tháng ba mẹ gửi ra cho em 700 ngàn đồng, với chừng đó tiền em phải tính toán cẩn thận, nếu không sẽ đói. Gạo em đưa ở quê ra, trung bình mỗi ngày em chi tằn tiện khoảng 7.000 đồng tiền mua thức ăn. Thế là được no cả ba bữa.”.
|
Chia sẻ về thành tích học tập vượt trội của mình, Thương cho hay, trong 5 năm miệt mài trên ghế giảng đường em chưa bao giờ có khái niệm nghỉ học. Với Thương, học tập là một quá trình rèn luyện không ngơi nghỉ và em cũng không cho phép mình được nghỉ. “Luôn đều đặn đến lớp nghe giảng bài, em chủ trương tự học, tự tìm hiểu, mở rộng vấn đề. Có gì thắc mắc, em bỏ qua sự ngại ngùng cố hữu để hỏi bạn bè, thầy cô”. Nhờ vậy thầy cô, bạn bè quý mến cô sinh viên ngoan hiền biết “căng” mình vượt qua thử thách. Năm 5 học đại học, sống và học tập xa nhà là quãng thời gian giúp hun đúc tinh thần chịu khó, chịu khổ của Thương. Chưa bao giờ em phải khiến bố mẹ phải buồn phiền, cô sinh viên hiếu thảo tâm sự. “Ba mẹ sợ em thiếu tiền nên cứ hay gọi điện nói cần gì thêm cứ xin ba mẹ. Nhưng em thương ba mẹ khổ quá rồi, thà em chịu khó chút ít thì ba mẹ ở quê nhà đỡ cực nhọc biết chừng nào. Em mong ba mẹ giữ gìn sức khoẻ, gắng sống đến lúc thấy con gái mình được công danh sự nghiệp như bao người”, Thương nghẹn ngào nói.
Thanh Tuấn
Bình luận (0)