Biến động điểm thi môn toán
Lý giải về thực tế này, bà Nguyễn Nữ Kim Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ (Q.Bình Thạnh) nói: “Phần bài tập hình học của môn toán khó, ít thí sinh làm được trong khi môn toán lại nhân hệ số 2 do vậy tổng điểm thi của thí sinh bị ảnh hưởng. Năm nay trường có 368 thí sinh dự thi, điểm thi không chỉ thấp hơn năm trước mà ngay ở môn toán, học sinh khá giỏi cũng chỉ đạt 5,5 điểm”.
Một giáo viên chấm thi môn toán cho biết: “Một phòng thi có gần 30 thí sinh chỉ có 1 thí sinh đạt 6,5 điểm, 2 thí sinh đạt 5 điểm còn lại là thí sinh có điểm dưới trung bình”. Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 cho biết thêm: “Điểm thi môn toán có sự biến động rõ rệt. Nếu thống kê số thí sinh đạt từ điểm 5 trở lên là 62,6% thì đến mức điểm trên 6 chỉ còn lại 37,6%”. Trên cơ sở này, bà Kim Xuân dự đoán: “Như vậy điểm chuẩn có thể giảm hơn so với năm trước từ 2 đến 2,5 điểm”.
Từ kết quả điểm thi của thí sinh, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) nhận xét: “So với năm trước, số lượng thí sinh đạt 40 điểm giảm không đáng kể, từ 35 đến 40 điểm giảm khoảng 3%, mức 30 đến 35 điểm lại giảm khoảng 4% trong đó số thí sinh có từ 32 đến 33 điểm giảm nhiều nhất. Ở mức dưới 30 điểm số thí sinh chênh lệch ít, chẳng hạn năm ngoái có 62% thí sinh đạt 27 điểm thì năm nay là 59%. Những mức điểm còn lại hầu như không thay đổi”. Trên cơ sở đó, theo ông Mậu Minh: “Điểm chuẩn sẽ giảm nhưng những trường tốp trên như Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai... không giảm nhiều. Những trường nằm trong giới hạn điểm chuẩn từ 35 điểm đến 40 điểm sẽ giảm từ 1 đến 2 điểm. Thay đổi lớn là điểm chuẩn của những trường nằm trong giới hạn từ 30 đến 35 điểm. Còn lại những trường có điểm chuẩn dưới 30 lại chênh lệch khá ít”.
|
Cơ hội cho học sinh không trúng tuyển
Dù có thể điểm chuẩn lớp 10 sẽ giảm so với năm trước thì vẫn có khoảng 20% trong số gần 40.000 thí sinh dự thi không trúng tuyển. Vì vậy lựa chọn mô hình trường phù hợp để học tiếp là điều học sinh đang quan tâm.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, gợi ý: “Học sinh có thể đăng ký học tại các trường THPT dân lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp chuyên nghiệp”. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú): “Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập không phải hết con đường học vấn. Nếu gia đình có điều kiện, các em có thể theo học các trường dân lập tư thục, mức học phí trung bình từ 1 triệu đồng/tháng trở lên”. Còn một hướng khác, theo ông Hùng có khoảng 1/3 số học sinh không trúng tuyển nằm trong diện gia đình khó khăn vì vậy đăng ký học trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ phù hợp với điều kiện cũng như học lực. Theo quy định, mức phí của loại hình này là 65.000 đồng/tháng. Học sinh sẽ học 7 môn bắt buộc là toán, vật lý, hóa học, ngữ văn, sinh học, lịch sử, địa lý của chương trình THPT có lược bớt một số nội dung để vừa sức.
Mỗi loại hình giáo dục đều có những ưu điểm. Ông Đạt cho biết: “Các trường THPT tư thục hầu hết học 2 buổi/ngày hoặc nội trú, học sinh sẽ được có nhiều thời gian bổ khuyết các kiến thức để tốt nghiệp THPT. Trung tâm giáo dục thường xuyên với số môn học ít hơn và trình độ ngang nhau, giáo viên sẽ dạy theo khả năng tiếp thu của học viên và học viên cũng nhiều thời gian để ôn luyện lấy lại căn bản. Học trung cấp chuyên nghiệp theo hệ 9+ 3,5 năm hay 9+ 4 năm, học sinh vừa học nghề vừa học chương trình THPT theo hệ giáo dục thường xuyên. Khi hoàn thành chương trình học sẽ được lợi nhiều hơn với 2 bằng tốt nghiệp”. Hiện nay khi bằng của trường trung cấp chuyên nghiệp, học sinh có thể dễ dàng tham gia ngay thị trường lao động đang rất cần những người lành nghề như tin học, xây dựng, viễn thông, điện công nghiệp, điện lạnh, công nghiệp thực phẩm, hàn, tiện, khách sạn, du lịch, điều dưỡng.
Bên lề tuyển sinh ĐH Sĩ tử “hạt tiêu” Tại hội đồng thi Trường ĐH Quảng Nam, nhiều người xúc động khi thấy cô bé “hạt tiêu” Nguyễn Thị Hồng (20 tuổi, trú tại thôn Mỹ Lộc, xã Tịnh Châu, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cao khoảng hơn 1 m đến dự thi. Theo ông Nguyễn Lai (ba của Hồng), Hồng sinh ra đã có khối u trên lưng, lúc đầu chỉ nhỏ bằng móng tay rồi lớn dần khiến lưng em ngày càng bị gù xuống. Gia đình khó khăn, ba Hồng làm nghề bốc vác nên phải vay mượn tiền hàng xóm để đưa con đi thi. Hoàng Sơn Đến trường thi trên lưng cha Bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, đôi chân teo nhỏ không đi lại được nên thí sinh Vũ Thị Hoài (xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) được bố cõng đến trường thi Học viện Bưu chính viễn thông. Ở đây, Hoài được các sinh viên tình nguyện nhiệt tình giúp đỡ, cõng đến phòng thi rồi lại cõng về ký túc xá. T.Mai Đậu ĐH để có cuộc sống đỡ khổ hơn Vượt qua những khó khăn về sức khỏe, thí sinh Hồ Thị Quyết (xã Quảng Công, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) vẫn tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Sư phạm Huế với chiếc nạng gỗ. Hồi một tuổi, Quyết bị sốc thuốc nên bị teo chân phải. Từ đó, Quyết đều dựa vào chân trái và chiếc nạng gỗ trong mọi sinh hoạt. “Năm nay, em thi khối A với mục đích đậu vào ngành dược của Trường CĐ Y tế Thừa Thiên-Huế. Gia đình em không có ai được học đến nơi đến chốn vì nghèo nên ba mẹ luôn hy vọng em sẽ được học hành, ra trường làm việc để em có cuộc sống đỡ khổ hơn”, Quyết chia sẻ. Tuyết Khoa Mẹ cùng đi thi Hình ảnh những người cha, người mẹ chăm chút cho con trong những ngày thi diễn ra ở khắp nơi. Có những người mẹ nhường phần cơm cho con ăn để đủ sức khỏe tiếp tục vượt qua những đợt thi; có những người cha đợi con giữa cái nắng cháy da lo cho con trong trường thi nóng nực không làm bài được... Dù cùng bị mắc bệnh xương thủy tinh như con nhưng chị Trần Thị Liên - mẹ của thí sinh Võ Thị Thanh Thảo - không yên tâm cho con xuống Đà Nẵng một mình, nên đi theo để giúp đỡ con (ảnh). Tin, ảnh: D.Hiền |
Bích Thanh
>> TP.HCM công bố điểm thi lớp 10
>> Công bố đáp án môn thi lớp 10
>> Ngày 3.7, TP.HCM công bố điểm thi lớp 10
>> Đề thi lớp 10 có 20% dành cho học sinh khá giỏi
>> Nick Vujicic vào đề thi lớp 10 chuyên Ngữ văn Hà Nội
>> Đăng ký dự thi lớp 10 tại TP.HCM: Công lập, chuyên giảm mạnh
Bình luận (0)