Phân loại rõ rệt trình độ thí sinh
|
Đề thi 2 môn toán, lý trong ngày thi đầu tiên thể hiện đúng tính chất một kỳ thi tuyển chọn gắt gao. Trong đó ngoài những phần vừa sức cho các thí sinh trung bình cũng có những câu chỉ dành cho người thật sự giỏi.
Có thể lấy điểm trên trung bình
Đề thi môn toán không quá khó là nhận định của nhiều thí sinh (TS) sau khi dự môn thi đầu tiên. Bùi Quốc Đạt (TP.HCM), dự thi vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Về cơ bản, đề thi toán năm nay có phần dễ hơn năm trước. Trong vòng một tiếng rưỡi em đã kết thúc bài thi, vì có một số câu khó quá. Em hy vọng với phần bài đã làm chắc chắn, em có thể đạt được 6 đến 7 điểm môn này”. Cũng tại hội đồng thi này, Nguyễn Hà Thúy An (Tiền Giang) nói: “Em cũng không thể làm hết bài thi vì bị vướng ở phần giải phương trình. Đề thi không đánh đố, nhưng dàn trải và xâu chuỗi kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 nên không dễ lấy được điểm 10”.
Trung Tính, TS thi vào ngành kỹ thuật môi trường Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, cho biết: “Ở phần chung, em làm khoảng một giờ là xong hết 6 câu. Trong khi ở phần riêng, em miệt mài làm nhưng không ra được kết quả. Em dự đoán mình chỉ được khoảng 5 - 6 điểm”. Tương tự, TS Quang Trấn (Biên Hòa, Đồng Nai) nhận định: “Em thấy đề năm nay dễ làm hơn so với năm trước. Em dự đoán mình được khoảng 6, 7 điểm... Phần lớn các TS đều cho rằng làm khoảng 60% bài thi”.
Trong khi đó tại Đà Nẵng, nhiều TS rời khỏi phòng thi sớm do không làm được bài. Huỳnh Minh Anh, thi vào Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Kinh tế cho biết, sau khi làm được phân nửa đề toán thì không thể giải tiếp những câu còn lại nên xin nộp bài để ra sớm so với thời gian quy định. Một số TS thi vào trường này cũng cho rằng đề thi môn toán quá hóc búa. Một số TS dù thi vào sư phạm toán cũng lắc đầu với đề toán. Lê Thanh Huyền (Thanh Hóa) nhận xét: “Em nghĩ với đề toán này chắc không nhiều bạn đạt được điểm tuyệt đối. Phần giải hệ phương trình, bất đẳng thức... quá khó!” Huyền chia sẻ. Nhiều TS ở Cần Thơ ra về sớm vì cho rằng đề thi khó.
Chỉ giải quyết 50 - 60% môn lý
Khác với sự hớn hở của TS sau khi kết thúc môn toán, buổi chiều nhiều TS lắc đầu vì đề lý khó và lạ. Tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân của hội đồng thi Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Lê Thị Hà Trang (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: “Em làm hết tất cả bài thi, nhưng chắc chỉ đạt khoảng 70% vì một số câu em đánh đại. Đề thi có khoảng 5 câu khó, trong đó phần về dòng điện xoay chiều rất lạ. Kiến thức này thuộc chương trình lớp 12, nhưng cách đề ra em chưa thấy bao giờ”. Dương Ngọc Hùng (Bình Thuận) cũng nói: “Đề khá dài, đặc biệt năm nay đề thi ra ở dạng bài tập khá nhiều”. Nhiều TS khác thi tại TP.HCM cũng nhận định đề hơi khó, nhưng vẫn có thể đạt từ 6 đến 7 điểm.
Phần lớn TS ở Đà Nẵng và Cần Thơ đều cho rằng nếu nắm vững kiến thức cơ bản có thể làm bài đạt điểm trên trung bình, có thể giải quyết trên 50% bài thi.
Đề toán lạ ? Ông Nguyễn Duy Hiếu, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho rằng: “Thực ra, câu xác suất rất dễ vì chỉ ra ở dạng đề cơ bản. Tuy nhiên, kiến thức này thuộc chương trình lớp 11 nên nếu học sinh không ôn tới hoặc ôn không kỹ sẽ thấy đề lạ. Riêng về phần bất đẳng thức, đây là câu hỏi ra ở dạng kiến thức tổng hợp để phân loại thí sinh xuất sắc nên bao giờ cũng khó. Nhưng so với các năm trước, câu này năm nay có phần dễ hơn, học sinh giỏi có thể tìm được hướng làm bài với mức điểm tối thiểu 0,25 điểm”. Nhận định chung về đề thi toán, ông Hiếu nói: “Đề thi này có khoảng 30 đến 35% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và 11, phần còn lại thuộc lớp 12. Cấu trúc không lạ so với mọi năm, hợp lý và có sự phân hóa tốt. Tuy nhiên, để thí sinh đạt được từ 5 đến 6 điểm sẽ dễ hơn mọi năm, nhưng với điểm 7 và 8 thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phải có khả năng suy luận cao. Với đề này, chỉ những thí sinh thực sự xuất sắc mới mong đạt được điểm 10”. Lần đầu tiên đề thi lý có hình vẽ Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên Trường học trực tuyến Sài Gòn, nếu để lên bàn cân thì đề thi môn vật lý năm nay có phần “dễ chịu” hơn năm ngoái. Trong đề thi năm nay không có câu đến mức quá khó khiến cả giáo viên dạy môn này còn không làm được như đề thi năm 2012. Thoạt nhìn, đề thi có nhiều câu cơ bản, khoảng 1/2 câu hỏi nằm trong đề thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ các năm gần đây. Có ít câu hóc búa, không có sự chênh lệch giữa câu dễ và câu khó quá mức. Một nửa các câu còn lại chia đều ra hai mức độ: hơi khó và khó. Tuy nhiên, câu hơi khó thì học sinh có học lực trên trung bình vẫn có thể giải được. Năm nay, một điểm rất đặc biệt là đề thi môn vật lý có hình vẽ. Đây là lần đầu tiên đề thi có thêm hình như vậy. Đề thi như vậy mô tả rõ hơn, dễ dàng hơn cho thí sinh khi làm bài. Theo ông Hiệp, TS học lực khá có thể đạt từ 6 điểm trở lên với đề thi này. Hà Ánh - Đăng Nguyên |
Môn toán: Học sinh khá giỏi có thể đạt 7 - 8 điểm Chương trình chuẩn có 50% câu thuộc lớp 12, chương trình nâng cao có 60% thuộc chương trình lớp 12. Độ khó của phần chuẩn cao hơn phần nâng cao. Ngoài 2 câu đại số, các câu còn lại có độ khó trung bình hoặc hơi khó một tí. Độ khó của đề thi năm nay tương đối nhẹ hơn so với các năm trước. Cụ thể ở câu 5 (hình học không gian), câu 8a và 8b (hình học giải tích trong không gian) dễ, học sinh trung bình có thể giải quyết được. Do đó, dự đoán học sinh khá giỏi có thể đạt 7 đến 8 điểm, học sinh trung bình có thể được 5 đến 6 điểm. - Các câu 1, câu 2, câu 4 , câu 5 của phần chung và câu 8a, câu 9a, câu 8b, câu 9b của phần riêng, học sinh trung bình khá có thể làm được. - Câu 3: Học sinh muốn giải được phải biết cách biến đổi đại số thật tốt rồi dùng tính chất đơn điệu của hàm số hoặc nhân lượng liên hợp để giải quyết. - Câu 6 là câu khó nhất trong đề thi. Chỉ có những học sinh xuất sắc mới có thể giải được câu này. - Câu 7.a và 7b: Độ khó giống đề thi năm ngoái, là câu tương đối khó, thí sinh muốn giải được phải nắm vững tính chất hình học phẳng. - Câu 9.a và 9b: Nếu học sinh nắm vững đề thi năm ngoái thì 2 câu này không còn lạ nữa. Trần Văn Toàn Môn lý: Phải sử dụng kiến thức nằm ngoài chương trình phổ thông Đề trắc nghiệm môn vật lý năm nay rất khác so với đề 2012, số câu lý thuyết chỉ bằng 50% năm ngoái và tương đối dễ, không mang tính vận dụng cao. Ở phần câu hỏi bài tập chung và riêng, số câu dễ rơi vào cơ, giao thoa, sóng dừng, dao động điện từ, lượng tử. Số câu phân hóa phần lớn rơi vào điện, truyền tải điện, ví dụ như: Câu 1, 5, 7, 18, 24, 30, 39. Một số câu ở phần cơ như: Câu 21, 10. Đặc biệt câu 12 phải sử dụng công thức nằm ngoài chương trình phổ thông để xác định được khoảng cách từ vệ tinh đến trái đất; hầu như ở câu này thí sinh đánh mò. Ở phần riêng, cả hai chương trình chuẩn và nâng cao tương đối dễ so với phần chung. Với đề thi này, học sinh học lực trung bình khá chỉ có thể đạt điểm 4 - 5, khá giỏi cũng chỉ đạt điểm 6 - 7, thực sự xuất sắc biến đổi nhuần nhuyễn và tính toán thật nhanh mới có thể đạt điểm 8 - 9. Đề thi trắc nghiệm vật lý năm nay có tính phân hóa rất cao. Dự đoán điểm trung bình môn vật lý năm nay sẽ thấp hơn năm trước. Võ Lý Văn Long |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngày 4.7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có thư cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh và Chỉ huy trưởng BCH quân sự tỉnh Thái Nguyên. Trong ngày TS đến làm thủ tục dự thi (ngày 3.7) BCH Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã dùng xe thiết giáp lội chuyên chở gần 500 lượt TS và phụ huynh qua vùng bị ngập nước. |
Nghi ngờ một trường hợp dùng chứng minh nhân dân giả Tại điểm thi Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên), giám thị đã tạm thời thu lại giấy chứng minh nhân dân của thí sinh B.T.T quê ở Cao Bằng để xác minh có hay không chuyện thi hộ. Theo phản ánh của các giám thị, ảnh thí sinh B.T.T trong chứng minh nhân dân không có dấu nổi. Tuy nhiên, các giám thị vẫn để thí sinh B.T.T tiếp tục được dự thi bình thường. Trao đổi với Thanh Niên cuối giờ chiều ngày 4.7, ông Nguyễn Đăng Hòe, Thanh tra ĐH Thái Nguyên, cho biết Công an tỉnh Cao Bằng đã có phản hồi về việc xác minh giấy chứng minh nhân dân của thí sinh nói trên. Theo đó giấy chứng minh nhân dân mà thí sinh B.T.T trình với giám thị phòng thi là do Công an tỉnh Cao Bằng cấp. Tại Hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Diệu của Trường ĐH Sài Gòn, trong buổi thi môn toán, khi đối chiếu hình ảnh một TS, các giám thị nghi ngờ đây là trường hợp thi hộ vì ảnh trên hồ sơ không giống với TS. Ngay sau đó, trường đã mời công an xác minh, đối chiếu rõ ràng hơn về trường hợp này. Kết quả xác định đúng là TS này và hội đồng cho TS tiếp tục dự thi. Lê Đăng Ngọc - Đăng Nguyên |
Kẹt xe sau giờ thi Chiều 4.7, trên tuyến đường An Dương Vương và Nguyễn Văn Cừ (Q.5, TP.HCM), khu vực trước cổng Trường ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn, sau giờ thi môn lý, thí sinh đổ ra rất đông. Số thí sinh cùng với rất đông phụ huynh, người nhà đậu xe dưới lòng đường chờ đón con em dẫn tới kẹt xe kéo dài (ảnh). Sau đó, nhờ lực lượng CSGT nỗ lực tổ chức phân luồng, hướng dẫn nên giao thông đã trở lại ổn định. Tin, ảnh: Đ.N.Thạch |
Số thí sinh vi phạm tăng Kết thúc ngày thi đầu tiên, thống kê của Bộ GD - ĐT cho biết, có 89 thí sinh bị kỷ luật do vi phạm quy chế thi. So với kỳ thi tuyển sinh năm 2012, số vi phạm tăng hơn 10 trường hợp. “Thủ phạm” chủ yếu vẫn là điện thoại di động Dù đã khuyến cáo rất nhiều từ trước nhưng các lỗi vi phạm mà thí sinh (TS) gặp phải trong ngày thi đầu tiên vẫn do mang điện thoại di động vào phòng thi. Tại Hà Nội, những trường như: ĐH Khoa học tự nhiên, Mỏ Địa chất, Học viện Ngân hàng... đều phát hiện có TS mang điện thoại di động. Có trường hợp TS khi bị lập biên bản vẫn ngỡ ngàng vì nghĩ rằng điện thoại để chế độ tắt nguồn thì... không bị coi là vi phạm quy chế thi. TP.HCM có 11 TS, Trường ĐH Cần Thơ có 4 TS cũng bị đình chỉ thi vì lỗi này.
Bên cạnh đó, vẫn còn có một bộ phận TS đi thi với tư tưởng trông chờ vào sự quay cóp. Trong buổi thi môn toán, ở điểm thi số 20 Trường trung cấp Kinh tế tài chính Hà Nội thuộc hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, có 2 thí sinh đã bị đình chỉ thi với lý do quay cóp, trong đó một thí sinh đã chép công thức toán vào cánh tay và trên người. Sau thời gian làm bài khoảng một giờ, giám thị đã phát hiện TS này có biểu hiện bất thường, khi kiểm tra thấy trên cánh tay và người của TS chép đầy công thức toán. Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết có 2 TS trao đổi giấy nháp đã bị cán bộ coi thi lập biên bản cảnh cáo trừ 50% điểm bài thi; 2 TS khác thì bị khiển trách vì nhìn bài của nhau. Trường ĐH Mỏ địa chất cũng có TS bị xử lý kỷ luật vì nhìn bài của TS khác... Cũng tại hội đồng thi Trường ĐH Cần Thơ, trong buổi thi môn toán một TS bị đình chỉ do ra trước thời gian quy định, 2 TS khác bị khiển trách trừ 25% điểm bài thi do trao đổi bài với nhau. Trong khi đó, tại hội đồng thi ĐH Quy Nhơn một TS bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi. Một TS tại hội đồng thi Trường ĐH Tây Đô bị đình chỉ do dán công thức lượng giác vào máy tính trong giờ thi môn toán. Đáng chú ý, trong giờ thi môn toán tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, giám thị phát hiện một TS vào khu vực dự thi nhưng không có tên trong danh sách phòng thi. Do TS này không có giấy tờ tùy thân nên hội đồng thi đã lập biên bản giữ thí sinh này 2/3 thời gian làm bài. Số đề thi ít hơn thí sinh trong danh sách Trong ngày 4.7, đoàn thanh tra của Bộ đã tiến hành thanh tra tại một số trường ĐH ở khu vực TP.HCM. Qua đó, một số trường vẫn còn sai sót về kỹ thuật trong quá trình tổ chức thi. Tại hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, đoàn thanh tra phát hiện một số phòng thi có số bài thi thấp hơn số lượng TS trong danh sách. Cụ thể, dù danh sách TS là 40 người nhưng có phòng thi chỉ khoảng 37 đề thi. Khi kiểm tra các phòng thi cũng như công tác quản lý hồ sơ tại hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đoàn thanh tra phát hiện trường không có biên bản bàn giao túi đề thi dư theo quy định. Nội dung biên bản xử lý TS vi phạm không có phần cho TS ký tên xác nhận. Cán bộ phụ trách nhận bài thi của TS không để giám thị chứng kiến rõ ràng quá trình kiểm tra bài thi... Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp đến 11 điểm thi nhưng chỉ có 4 thanh tra lưu động của trường luân phiên thanh tra tại các điểm này. Theo đoàn thanh tra, với thời gian thi môn trắc nghiệm trong 90 phút, chắc chắn 4 thanh tra này không thể đi qua tất cả các điểm thi được. T.Nguyễn - P.Hậu - Đ.Nguyên - H.Ánh |
73 thí sinh bị đình chỉ thi Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc ngày thi đầu tiên, trên toàn quốc số TS đến dự thi đạt tỷ lệ 77,09% (cao hơn so với năm 2012 xấp xỉ 1%). Có 89 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật (trong đó 12 khiển trách; 4 cảnh cáo và 73 bị đình chỉ thi). Có 5 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật với mức khiển trách. |
H.Ánh - M.Luân - D.Hiền - M.Quyên - H.giang
>> Nhận xét đề thi môn toán khối A, A1
>> Gợi ý giải đề thi môn toán khối A, A1
>> Đà Nẵng: Đề thi môn Toán có tính phân loại cao
>> Nhận xét đề thi môn lý khối A, A1
>> Gợi ý giải đề thi môn lý khối A, A1
>> Cơm miễn phí ấm lòng thí sinh
>> Những thí sinh chống nạng đi thi
>> Ước mơ vào đại học của thí sinh mắc bệnh xương thủy tinh
>> Phát hiện thí sinh không có tên trong danh sách
>> Ngày thi ĐH-CĐ 2013 đầu tiên: 89 thí sinh vi phạm bị kỷ luật
Bình luận (0)