Lớp học do Ban điều hành KP.2 (P.Hiệp Thành, Q.12), phát động thành lập từ tháng 9.2008. Điểm đặc biệt, hầu hết giáo viên đều là sinh viên đến từ nhiều trường ĐH, CĐ (ĐH: Khoa học xã hội và nhân văn, Sư phạm, Sài Gòn; CĐ: Vinatex, Điện lực).
Hơn 40 học sinh theo học tại đây đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ. Chính vì vậy các em ra đời từ rất sớm: đi bán vé số, lượm ve chai kiếm thêm thu nhập mà không có điều kiện đến trường. Có trường hợp gia đình gồm 5 chị em ruột đều học tại đây (chị lớn nhất 15 tuổi, học lớp 2 còn lại đều học lớp 1).
|
Mặc dù khó khăn, nhưng các em vẫn rất muốn được đi học. Em Nguyễn Công Trường (11 tuổi) cho biết: “Học ở đây sướng lắm. Học buổi tối không phải đóng tiền. Em cố gắng học để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người”. Ban ngày em phải bán vé số. Ba em mất từ sớm, mẹ đi bước nữa nên hai anh em Trường sống cùng gia đình dì.
Tuy chỉ là lớp học tình thương nhưng các em vẫn phải trải qua các kỳ thi để được lên lớp. Đề thi do thầy Ngọc (Ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Trãi) cung cấp. Sau mỗi kỳ thi nếu đạt trên 5 điểm các em mới được lên lớp.
Bùi Trọng Nhân, sinh viên Trường CĐ Điện lực TP.HCM, chia sẻ khó khăn trong quá trình dạy: “Do các em còn phải đi làm thêm nên một số đi học không đều khiến cho việc dạy và học bị gián đoạn. Chúng tôi phải ôn lại bài cũ chờ các em đi học đủ mới có thể dạy bài tiếp theo”. Khó khăn lớn nhất của các “giáo viên” ở đây là mấy em chỉ lên đây học vào buổi tối thôi, dạy gì nghe nấy chứ về nhà không hề có thời gian học bài. Đó là lý do tại sao mà một lớp, phải dạy tới mấy năm.
Còn Lương Thị Thúy Hồng, sinh viên Trường CĐ Vinatex, cho biết thêm: “Lúc đầu lộn xộn lắm. Các em tiếp xúc với những môi trường không tốt từ rất sớm. Mấy em nói chuyện với người lớn như nói chuyện với bạn bè, phá phách và không nghe lời nữa”.
Khó khăn là vậy, nhưng các “giáo viên” vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Lương Thị Thúy Hồng, tâm sự: “Khi đứng lớp, mình học được nhiều kỹ năng trong giao tiếp, quản lý lớp học. Nhưng quan trọng hơn mình dạy các em là vì thương và muốn giúp các em biết chữ. Mấy em không có thời gian học bài nên tụi mình cố gắng dạy thật kỹ để các em khắc sâu luôn”. Hồng cho biết thêm các em chưa có ý thức, nên “giáo viên” phải dạy từ những kỹ năng giao tiếp để giúp các em hình thành thói quen và ý thức mới.
Ngọc Thiện
>> Học sinh đóng góp xây nhà tình thương
>> Tặng nhà tình thương
>> Bếp ăn tình thương
Bình luận (0)