|
Đất mất giá
Len lỏi vào vùng nông thôn ở TP.Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… thi thoảng lại bắt gặp những miếng ruộng, mảnh vườn, ao cá cắm bảng rao bán. Bà Trương Thị Lệ (ngụ xã Nhơn Nghĩa A, H.Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết gia đình bà có 5 công đất ruộng, nằm ngay mặt tiền quốc lộ 61B, nhưng đạt năng suất rất thấp, cộng với giá lúa giảm mạnh, tính ra chẳng thu lời được bao nhiêu. “Hàng chục năm làm lúa nhưng cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo. Vì vậy, cả nhà tôi thống nhất bán hết đất để giải quyết một số việc gia đình, số tiền còn lại chuyển sang làm nghề khác”, bà Lệ tâm sự. Đồng cảnh ngộ trên, ông Huỳnh Văn Điệp (ở xã Trường Long A, H.Châu Thành A, Hậu Giang) bộc bạch: “Nhà tôi chỉ có vỏn vẹn 2 công ruộng, túng thiếu quanh năm. Mấy năm nay tôi bị bệnh phải lên TP.HCM điều trị, nên nợ càng lúc càng đè nặng, buộc lòng phải bán đất để xoay xở”. Theo UBND xã Trường Long A, nếu như trước đây, giá đất ruộng dao dộng từ 90 - 100 triệu đồng/công, nay sụt chỉ còn 60 - 70 triệu đồng/công, nhưng rất khó bán. Đất ruộng mất giá là do làm lúa không lời, nên chẳng ai tha thiết muốn mua thêm ruộng.
Nhiều nông dân nuôi thủy sản cũng đăng bảng bán đất tràn lan. Một số hộ dân ở Sóc Trăng và Trà Vinh cho biết những năm tôm trúng giá, kéo giá đất tăng cao, ai cũng giành mua. Tuy nhiên, từ vụ 2012 đến nay, tôm bị dịch bệnh chết liên tục đã đẩy người nuôi tôm vào cảnh nợ nần phải kêu bán đất. Giá đất nuôi tôm rớt còn 40 - 50 triệu đồng/công vẫn không bán được. Các hộ nuôi cá tra cũng lâm vào tình cảnh bi đát tương tự. Ông Võ Văn Đệ (ở P.Thuận An, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) chua chát nói: “Cá tra rớt giá hơn 2 năm nay khiến người nuôi nợ ngập đầu. Hiện có gần 80% hộ nuôi ở Thốt Nốt bỏ nghề và kêu bán đất trả nợ với giá chỉ 100 triệu đồng/công, giảm phân nửa so với 6 năm trước”.
|
Vấn đề cấp bách
Các ngành chức năng ở ĐBSCL tỏ ra lo lắng trước việc nông dân bán đất nông nghiệp có chiều hướng gia tăng. Ông Võ Hoàng Vũ (ở xã Bình Thới, H.Bình Đại, Bến Tre) nhìn nhận nghề nuôi tôm bây giờ rủi ro quá cao. Ngoài chuyện dịch bệnh không thể khống chế, giá tôm lên xuống thất thường đã đẩy người nuôi vào cảnh thua lỗ bất cứ lúc nào. Cái khó hiện nay là ngân hàng hạn chế cho người nuôi tôm vay vốn, còn đại lý thức ăn cũng không chịu bán thiếu, bán gối đầu như trước. Vì vậy, chỉ cần tôm chết một vụ là nông dân phải đối mặt với chuyện bán đất để giải quyết nợ. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, tính đến nay, nông dân trong tỉnh mới thả nuôi được gần 18.000 ha tôm, chỉ đạt khoảng 40% so với kế hoạch đề ra. Hiện hàng loạt hộ vẫn “treo ao” hơn 20.000 ha do dịch bệnh hoành hành và thiếu vốn sản xuất. Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, trăn trở: “Nông dân không thể tiếp tục nuôi cá tra vì hết vốn, đất bán cũng không xong, do giá cá quá thấp, chẳng ai dám đầu tư. Trong khi đó, ao nuôi cá đào lại rất sâu, nên khó san lấp để trồng lúa hoặc các loại cây khác. Thế là hàng loạt đất ao nuôi cá tra bỏ phế kéo dài, gây lãng phí rất lớn”.
Theo các nhà chuyên môn, để đất đai có giá trị trở lại và giảm tình trạng mua bán tràn lan, việc khôi phục hiệu quả sản xuất là vấn đề cấp bách cần thực hiện. Tuy nhiên, vướng mắc hiện giờ là thiếu vốn và giá cả các mặt hàng nông sản đang hết sức bấp bênh. Do đó, nông dân rất cần ngành chức năng vào cuộc trợ lực tới nơi tới chốn, nhằm sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Có thể nói, bài toán “tam nông” đặt ra những thách thức nghiêm trọng trong điều kiện sản xuất thua lỗ, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định… Nông dân ĐBSCL đang chới với trước cảnh “trồng - chặt” theo thị trường và phải gánh lấy hậu quả là bán đất để trả nợ.
An Lạc
Bình luận (0)