Tâm sự với chúng tôi, người đàn ông bán vé số với khuôn mặt đen sạm, giọng nói mộc mạc, chất phát và rất đặc trưng, dễ nhận biết của người Phú Yên đã không giấu vẻ hạnh phúc và tự hào về đứa con của mình. Hành trình đưa con đến với ngày thi đại học là câu chuyện cảm động của người cha mang trên mình căn bệnh hiểm nghèo.
Cái nghèo vây chặt
Sống ở vùng quê nghèo (xã Hòa Vinh, H.Đông Hòa, Phú Yên) quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, người vợ lại mắc bệnh hở van tim, nhiều lần chữa trị nhưng không khỏi, ông Nga vào Sài Gòn bán vé số với hi vọng có chút tiền gởi về quê lo thuốc than cho vợ và nuôi con ăn học. Nhưng sự nghiệt ngã của số phận một lần nữa đổ ập lên thân hình gầy guộc mỏng manh của ông. Căn bệnh tràn dịch màng phổi của ông khiến hoàn cảnh gia đình càng thêm chật vật.
|
Ông Nga nhớ lại: “Hồi đó nếu không có bà con, anh em giúp đỡ chắc tôi phải bán nhà chữa bệnh”. Suốt gần một năm điều trị, căn bệnh quái ác ấy cũng qua đi nhưng gia đình lại lâm vào cảnh túng quẩn, nợ nần chồng chất.
Ông Nga chỉ vào vết mổ dài ngoằng bên hông xúc động: “Tôi không nhớ nổi đã tốn bao nhiêu tiền cho căn bệnh này. Chỉ biết bây giờ còn nợ ngân hàng tám triệu và nợ một số người thân, hàng xóm. Nghèo quá, không biết bao giờ mới trả hết nợ”.
"Dù mắc bệnh hở van tim không thể làm những việc nặng nhọc nhưng mẹ nó (bà Lê Thị Mộng, 42 tuổi) vẫn đều đặn chắt góp mỗi tháng 200.000 đồng từ việc gặt lúa mướn để cho nó đi học vẽ, nuôi mộng trở thành chàng kiến trúc sư. Mình đã khổ rồi thì ráng cho con chút chữ, học hành đàng hoàng mới hy vọng thoát nghèo được”, ông Nga tâm sự.
Thi đại học là niềm vui lớn
Hai ngày thi đại học vừa rồi, ông Nga thức dậy từ 4 giờ sáng để lo bữa ăn sáng cho con. “Nói nghe sang vậy chứ thật ra là nấu mì tôm thôi, hai cha con hai gói mì tôm. Ăn vậy đỡ chứ ngoài quán tô hủ tiếu, tô phở mắc lắm”.
5 giờ là phải ra bắt xe buýt đến điểm thi. “Ngồi đợi con ngoài phòng thi mà mình cứ nôn nóng, hồi hộp không thua gì nó”, ông cho biết.
Ngày thi đầu tiên, Thái thi 2 môn Toán và Lý. Ông kể: “Nghe nó nói 2 môn đó chắc cũng trên 12 điểm tôi thấy cũng mừng. Chỉ không biết môn vẽ thế nào. Nó nói ở quê không có điều kiện tiếp xúc với môn vẽ nhiều, giờ thấy mấy bạn vẽ đẹp quá. Nó đã cố gắng hết sức rồi, kết quả tới đâu mừng tới đó”.
Mặc dù gia đình nghèo khó nhưng suốt 12 năm liền Anh Thái, học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên (H.Hòa Vinh) luôn đạt học sinh tiên tiến. Vốn mê vẽ, đợt 1 Thái đã đăng ký thi vào Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM
“Nhiều người con rớt ĐH thì buồn đã đành, nhưng cũng có người con đậu ĐH cũng buồn vì không biết lấy tiền đâu cho con nhập học. Tôi thì dù thế nào, tôi cũng phải cố gắng cho con ăn học. Nó mà không đi học thì cũng chỉ đi bán vé số như tôi, hoặc đi làm thuê, làm mướn cho người ta. Bao giờ mới hết khổ được?”, ông Nga quyết tâm.
Được hỏi về cái nghèo và ước mơ hiện tại, Nguyễn Anh Thái rụt rè: “Từ nhỏ em đã biết chăn bò, làm những công việc nhỏ trong nhà, cũng hiểu được phần nào cái đói của ba mẹ với những bữa cơm độn khoai sắn. Giờ em sẽ cố gắng thi thật tốt đợt 2 (vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), mai này sẽ vừa đi làm vừa học. Ba mẹ còn phải nuôi đứa em học lớp 7 nữa, mình phải cố gắng tự lập để ba mẹ đỡ khổ”.
Diễm Út - Đức Tiến
>> Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc - Kỳ 2
>> Thương hai chị em mồ côi đưa nhau đi thi đại học
>> Một thí sinh bị bệnh hiểm nghèo trước ngày thi đại học
>> Đi thi đại học bằng xe… thiết giáp
>> Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc
>> Hàng ngàn thí sinh dự thi đại học đổ về TP.HCM
>> 18 điều giúp bạn thi đại học tốt
>> Giảm 10% giá vé tàu hỏa cho thí sinh thi đại học, cao đẳng
Bình luận (0)