Xin đừng giẫm lên… kỷ niệm
Thằng bạn mình, tay sưu tầm xe cũ, rất mê cây đam này. Nó nhờ mình môi giới. Mình bốc phét, nói: “Đồ yêu, để tao. Lệnh ông không bằng cồng bà. Tao gạ chị dâu tao chắc được”. Vậy là mình gặp chị Hường trong vai cò. Cũng như anh Lễ, chị Hường lắc đầu, khoát tay nói kỷ niệm của anh chị đó. Với lại, bán gì thì bán, ai lại đi bán… kỷ niệm. Mình cười khẩy, nói chị ướt át bao giờ vậy. Xe là xe, kỷ niệm là kỷ niệm, chị đừng có lãng mạn hóa đống sắt vụn. Chị nghiêm mặt, nói sắt vụn kệ. Xin chú đừng giẫm lên kỷ niệm của người khác.
Mình lầm bầm: Chiếc đam cổ lỗ sĩ, yên xe rách mem, đèn trước móp méo, bửng xe rúm ró, lốp xe mòn nhẵn, xẹp lép. Vậy mà hễ ai rớ tới, chồng thì không, vợ thì lắc.
Một bữa anh Lễ ghé nhà mình, rồi anh túc tắc kể.
Hồi đó anh và chị yêu nhau đắm đuối nhưng ba chị cấm đoán. Nhà chị mái ngói ba gian. Sân gạch xanh um cây cảnh, hòn non bộ. Chị là thợ may. Anh làm nông với mẹ, nhà cửa tuềnh toàng lắm. Vì nghèo nên cuộc tình cứ cà rịch cà tang. Tự ái bốc lên, anh hẹn chị ra rặng dương sau làng nói lời chia tay sau khi hun ẩu mấy cái liền. Đúng là làm liều gặp… lành. Chị ôm anh, khóc rấm rứt, nói anh đừng bỏ em tội nghiệp. Để em tính.
Xe về trước, người lướt thướt theo sau
Thuở làng bắt đầu có “xế nổ” từ thị trấn xuống cũng là lúc vài cặp đang yêu bỗng đứt gánh vì nàng “bai” người tình xe đạp, chạy theo xe máy. Một trăm lời nói không bằng làn khói hon đa. Ông giáo làng ngâm nga: Tình yêu tình mộng tình si/Tình chi cũng phải có gì chở em.
Mình sốt ruột hỏi rồi sao nữa. Anh nói thì chị Hường đưa tiền cho anh mua xe chớ sao. Cây đam đỏ, cũ nhưng nổ giòn tan. Anh bỏ qua giai đoạn xe đạp, tiến thẳng lên xe máy. Mỗi lần anh tập đi, con nít chạy theo hít khói, hét toáng lên “thơm quá, thơm quá”. Anh nhớ trong số đó có… chú mày, ở truồng mà cũng lon ton chạy theo, thương lắm.
Đi chưa rành, anh ném Hường xuống mương hai lần. Tới chừng biết đi thì xe và người đầy thương tích: đèn xi nhan bể, đèn giữa nứt, bửng trớt huớt, trán anh bị rách hai đường, lại còn trật mắt cá chân, đi cà nhắc cả tháng.
Rồi sao nữa, mình giục. Anh nói anh vèo cây đam thẳng vào sân nhà Hường, nghiêng ngó ngắm nghía rồi tặc lưỡi khen cây xinh, non bộ đẹp. Ba Hường cười khà khà, mời anh uống trà. Thì uống.
Cây đam hay lắm. Chở “sếp” Hường đi công chuyện thì bon bon, đưa đón em Hường thì thư thả, chở khoai chở rạ thì đủng đỉnh từ từ. Anh có thơ như vầy: Đam ơi ta bảo đam này/Nhờ đam ta sẽ có ngày nên duyên.
Anh chở “sếp” đi tham quan cây cảnh, mới hai chuyến ổng đã mê anh. Hường kể hễ vắng anh là ổng hỏi hổm rày thằng Lễ đâu hè. Bạn cây cảnh tới chơi, ổng thường khoe thằng Lễ nói cây này thanh, cây kia nhã… Hi hi. Chọn đúng “điểm rơi”, anh nói mẹ và chú đi hỏi, rồi cưới. Vậy là đam về trước, Hường lướt thướt theo sau.
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn chục năm. Giờ chiếc xe già rồi, đạp rã giò mới chịu nổ nên anh chị mua xe “trẻ” chạy cho trơn. Còn cây đam “lịch sử” - nhân chứng của cuộc tình bầm trầy và tươi sáng - thì phải “bảo tàng”. Cò nó xúi bán nhưng anh đâu có ngu. Bán “kỷ niệm” thì còn gì tình nghĩa nữa.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)