Giúp em đôi chiếu

07/07/2013 03:15 GMT+7

Đôi chiếu, trong phong tục tập quán của người Việt Nam là vật khởi đầu cho đêm hạnh phúc lứa đôi, theo đó vợ chồng mới cưới cần phải có đôi chiếu mới, được một người trưởng thượng, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, tự tay trải lên chiếc giường tân hôn của cô dâu, chú rể, coi như một sự chúc phúc may mắn, tốt đẹp.

Chiếu còn được dùng trải ra mời khách ở ngay sân đình, những nơi lễ lạt... Song thông dụng, chiếu được trải ra trên giường để ngủ, có mặt trong hầu hết gia đình người Việt từ xưa cho đến nay. Chiếu đi vào ca dao, trong bài ca dao cổ mà ai cũng biết, mở đầu bằng những câu lục bát thật ngọt ngào và tình tứ: “Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen...” cho đến những hứa hẹn tình tứ, âu yếm: “Giúp em đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo...”. Chiếu cũng đi vào bài ca vọng cổ nức tiếng một thời của soạn giả Viễn Châu là Tình anh bán chiếu qua giọng ca của Út Trà Ôn, làm rung động con tim của biết bao người…

Đi suốt chiều dài đất nước, vùng miền nào cũng có những người dệt chiếu, những làng nghề dệt chiếu danh tiếng của cả nước, tiêu biểu như làng dệt chiếu Kim Sơn (Ninh Bình), làng Vũ Hạ, An Vũ (Thái Bình), làng Lật Dương (Tiên Lãng, Hải Phòng), đây là những làng chiếu cổ xưa của đất nước còn truyền lại đến ngày nay. Miền Trung có chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa), làng chiếu Cẩm Nê (Đà Nẵng), chuyên dệt chiếu cho vua nhà Nguyễn, làng chiếu An Thạnh (Ninh Thuận)... Ở miền Nam, các làng chiếu hầu hết do các nghệ nhân miền Bắc, miền Trung mang theo nghề tổ phụ vào mở mang ở vùng đất mới. Có thể kể như Tân Duyệt (H.Đầm Dơi), Tân Lộc (H.Thới Bình, Cà Mau), chiếu Định Yên, (H.Lấp Vò, Đồng Tháp), làng chiếu Cái Chanh (H.Châu Thành, Hậu Giang), chiếu Long Định (H.Châu Thành, Tiền Giang). Ở Sài Gòn xưa có làng chiếu Bình An thuộc Q.8, và có lẽ tên gọi Xóm Chiếu ở Sài Gòn cũng xuất phát từ một xóm chuyên nghề làm chiếu?... Xem thế đủ biết nhu cầu sử dụng chiếu của người Việt hết sức to lớn và rộng khắp.

Bên cạnh những cọng cói, cọng lát, những sợi chỉ đay, phẩm màu và khung dệt, với khối óc và bàn tay tài hoa của người thợ dệt, đan chiếu, những chiếc chiếu hoa ra đời, tạo sự êm mát cho giấc ngủ. Chiếu có chiếu đơn, chiếu đôi, chiếu trơn, chiếu hoa (in hình bông hoa, công, phượng, chữ hỷ...), độ dày mỏng cũng tùy theo người mua, người đặt, luôn làm hài lòng từ hạng thứ dân cho đến nhà quyền quý, vua chúa...

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu giấc ngủ với “chăn ấm, nệm êm”, hàng loạt các loại nệm ra đời, các gia đình khá giả dần ít sử dụng tấm chiếu, đôi chiếu, cùng lúc với sự xuất hiện của những tấm chiếu bằng ni lon, nhẹ mát và các chiếu tre, chiếu trúc... những chiếc chiếu truyền thống dần mất đi thị phần. Những nghệ nhân đan, dệt chiếu ngày càng lớn tuổi. Nghề dệt chiếu dần đi vào suy thoái, hiện chỉ còn làm cầm chừng, duy trì nghề truyền thống, tổ nghiệp.

 “Giúp em đôi chiếu em nằm” dường như đã phôi pha trước các loại nệm lò xo, cao su, nệm mousse. Chiếc chiếu làm ra bây giờ, có khi để chất đống, buồn mà nhớ lại câu ca trong bài vọng cổ: “Chiếu này tôi chẳng bán đâu/Tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm”...

 Trần Hoàng Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.