Thuế từ titan không như mong đợi

09/07/2013 10:32 GMT+7

Dù được đánh giá là địa phương có trữ lượng titan lớn nhất nước, nhưng ngân sách mà Bình Thuận thu về chưa xứng với tiềm năng của loại khoáng sản này…

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, tổng số giấy phép cấp cho các doanh nghiệp (DN) khai thác titan là 22 giấy phép (Bộ TNMT cấp 5 giấy phép, còn lại là do tỉnh cấp). Tính đến thời điểm tháng 5.2013, chỉ còn 4 DN chưa hết hạn giấy phép.

 Khai thác titan
Ngân sách từ khai thác titan ở Bình Thuận chưa xứng với tiềm năng - Ảnh: Quế Hà

 

Khai thác titan tại Bình Thuận vẫn đang là vấn đề thời sự “nóng” khi nó mang lại nhiều rủi ro về môi trường, mất an ninh trật tự. Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản chỉ đạo “siết chặt” hoạt động khai thác loại khoáng sản này.

Thống kê của ngành thuế cho thấy, năm 2010, tổng công suất cấp phép là 250.811 tấn, nhưng sản lượng kê khai nộp thuế tài nguyên của 15 DN chỉ là 137.024 tấn. Năm 2011, tổng công suất cấp phép là 135.338 tấn, sản lượng kê khai nộp thuế của 15 DN trên là 146.076 tấn (tăng lên 6,6 % so với năm 2010). Năm 2012, tổng công suất cấp phép là 219.529 tấn, sản lượng kê khai nộp thuế chỉ có 204.778 tấn. Trong vòng 3 năm qua (2010-2012) ngân sách Bình Thuận thu được hơn 97 tỉ đồng từ hoạt động khai thác xuất khẩu khoáng sản titan.

Đóng góp ngân sách quá ít

Một Quản đốc công trường khai thác mỏ titan ở xã Hòa Thắng, H.Bắc Bình, (Bình Thuận) thẳn thắng: “Nếu trong vòng 3 năm mà tỉnh chỉ thu được 97 tỉ đồng từ các hoạt động khai thác titan thì quá ít. Con số này không bằng  trị giá một DN titan khá nhỏ, chuyển đổi mỏ cho DN khác ở Hòa Thắng, H.Bắc Bình”.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thuế Bình Thuận Nguyễn Văn Tài lý giải: “Cách tính thuế của ngành chúng tôi là dựa vào sản lượng đăng ký của DN kê khai trong kế hoạch khai thác hằng năm. Họ đăng ký kê khai bao nhiêu tấn thì thu thuế chừng đó sản lượng”. Tuy nhiên, ngành thuế Bình Thuận cũng thừa nhận: “Còn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt sản lượng thực tế mà DN khai thác được. Đặc biệt, là những DN có sản lượng khai thác cao hơn so với giấy phép”. Mặt khác, đối với việc kê khai giá để tính thuế tài nguyên, ngành thuế chỉ căn cứ giá theo hợp đồng, hóa đơn bán ra do Hải quan cung cấp, mà không có cơ chế nào xác minh giá bán thật của DN là bao nhiêu.

Theo Quyết định số 1907/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận, thì khi khai thác xong mỏ hoặc cuối năm, DN phải quyết toán thuế. “Trên thực tế không có DN nào triển khai công việc này. Điều này gây khó cho ngành thuế trong việc tính toán thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường”- một cán bộ ngành thuế cho biết.

“Để giám sát tốt việc thu thuế, chúng tôi đề nghị Sở Tài chính tăng cường giám sát về giá bán. Qua đó, tham mưu cho tỉnh ban hành giá tính thuế tài nguyên, nếu có biến động giá từ 20% trở lên. Ngành Công an cần ngăn chặn và đẩy lùi hiệu quả nạn khai thác, vận chuyển titan trái phép hiện nay”- Cục trưởng Cục Thuế Bình Thuận Nguyễn Văn Tài kiến nghị.

Quế Hà

>> Di dời máy móc khai thác titan khỏi sân bay Chu Lai trước ngày 30.6
>> Xử lý việc khai thác titan trái phép
>> Nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia chế biến quặng Titan tại Việt Nam
>> Quặng sa khoáng titan của Việt Nam đủ để khai thác lâu dài
>> Khai thác titan trái phép
>> Nguy cơ nhiễm xạ titan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.