Cơ hội từ TPP

11/07/2013 03:40 GMT+7

Việt Nam (VN) được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), nhưng làm thế nào để tận dụng cơ hội này? Đây là chủ đề tại cuộc hội thảo do LBC (CLB DN dẫn đầu) và AmCham VN (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN) phối hợp tổ chức vào ngày 10.7 ở TP.HCM.

Tại hội thảo, ông Fred Burke, đại diện AmCham ở Việt Nam, phân tích 2 trong số các lợi thế của VN trong thương mại với Mỹ là xuất khẩu (XK) nông sản và may mặc. Hiện tại mặt hàng thủy sản đóng hộp nhập khẩu vào Mỹ đang chịu mức thuế suất là 28% nhưng khi có TPP thì sẽ chỉ còn 0%. Ngoài ra, mặt hàng này của VN sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với các đối thủ không có TPP. Theo tính toán, mức tăng XK của VN sau khi vào TPP có thể lên đến 34%. Mặt khác, Mỹ có thể dành ra 3 năm để giúp VN xây dựng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Như thế, VN có thể giải quyết khó khăn vì 40% nguyên liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, nước không tham gia vào TPP. Bên cạnh đó, theo Giám đốc AmCham VN Herb Cochran, DN VN còn có thể thông qua các đối tác Mỹ như Walmart, Lowe’s…, vốn đã xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, để đưa hàng hóa đi khắp thế giới.

Từ năm 2010, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP và tham gia đàm phán ở tất cả các nhóm vấn đề. Hiện tại, TPP có sự tham gia của 11 nước, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. TPP 12 (bao gồm cả Nhật Bản) với dân số khoảng gần 1 tỉ người, có GDP hiện hành khoảng 29.000 tỉ USD và chiếm trên 40% tổng thương mại toàn cầu.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.