Khu công nghiệp và môi trường

10/07/2013 03:20 GMT+7

Về cơ bản thì giải pháp di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai đã được quyết định, mặc dù việc này sẽ không hề đơn giản vì nó liên quan đến hàng trăm nhà máy, hàng chục ngàn công nhân và nguồn vốn cần huy động hàng chục nghìn tỉ đồng.

Về cơ bản thì giải pháp di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai đã được quyết định, mặc dù việc này sẽ không hề đơn giản vì nó liên quan đến hàng trăm nhà máy, hàng chục ngàn công nhân và nguồn vốn cần huy động hàng chục nghìn tỉ đồng.

Nhưng xét trên lợi ích của số đông những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ ô nhiễm của khu công nghiệp (KCN) này và một chiến lược quốc gia phát triển bền vững thì đây là chuyện không thể không làm.

Song có một vấn đề lớn hơn cần phải xem xét, đó là những hệ lụy về môi trường, cũng như những chi phí tốn kém cho việc “khai tử” một KCN già nua như Biên Hòa 1, có được coi là một bài học đắt giá trong việc tôn trọng các quy định bảo vệ môi trường nói chung và môi trường KCN nói riêng hay không, để tránh những chuyện tương tự trong tương lai. Theo báo cáo tháng 12.2012 của Bộ TN-MT, trong số 179 KCN hiện đang hoạt động trên cả nước, chỉ có 143 KCN đã vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. 60% KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng do vận hành hệ thống này khá tốn kém nên không ít KCN vẫn chọn xả thải trực tiếp ra môi trường. Câu chuyện ở Vedan hay Sonadezi Long Thành là những bằng chứng. Và chẳng phải ngẫu nhiên mà khiếu nại, tố cáo về môi trường đang tăng lên, hiện chỉ đứng thứ hai sau đất đai. 

Tình trạng ô nhiễm ở các KCN là hệ lụy của thời kỳ phát triển quá nóng các KCN, cũng như sự mơ hồ, thiếu thực tiễn của chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo quy định, hiện giờ ban quản lý các KCN có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong KCN, nhưng trách nhiệm của cơ quan này trong việc đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường lại không được quy định. Trong khi đó, họ được xem như người “gác cửa” nhằm ngăn chặn các ngành, nghề ô nhiễm, công nghệ lạc hậu đầu tư vào KCN.

Ngoài ra, cho tới nay, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về phương pháp xác định cũng như khoảng cách an toàn về môi trường từ các KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tới khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên nhằm ngăn chặn các KCN “có nguy cơ gây tác hại đối với môi trường”.

Đã đến lúc, tư duy trong việc quyết định các dự án đầu tư cần được thay đổi; cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài, không là thừa để tránh những hệ lụy. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm môi trường cũng cần quyết liệt, không thể để tình trạng các cơ quan tốn hao công sức đi triệt phá những công ty nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, trong khi cả KCN ngày này qua ngày khác “giết” môi trường thì vẫn công khai tồn tại. 

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.