* Chấm thi phải rất chính xác và công bằng
Chiều hôm qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều thông tin nóng trong cuộc họp báo kết thúc hai đợt thi tuyển sinh ĐH.
Ngành có nhiều khối thi, trường phải công khai chỉ tiêu ngành, khối
Qua 2 đợt thi, cả giáo viên và thí sinh (TS) đều nhận định đề thi năm nay dễ hơn mọi năm. Trước câu hỏi có phải Bộ chủ trương ra đề dễ hơn các năm trước để thêm nhiều TS đạt điểm sàn nhằm cứu các trường ngoài công lập, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Chúng tôi chỉ đặt ra yêu cầu đề thi phải nằm trong chương trình phổ thông, không được đánh đố TS, không quá dài, quá khó nhưng phải có tính phân loại cao”. Ông Ga giải thích thêm: “Nghĩa là phải có những câu dễ, trung bình, khó, thậm chí có những câu rất khó. Vì vậy không thể nói rằng đề thi năm nay dễ là để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tuyển đủ TS được”. Ông Ga lưu ý: “Mọi việc phải chờ sau khi kết thúc chấm thi thì chúng ta mới biết được TS đạt kết quả như thế nào trong kỳ thi năm nay và khi đó hội đồng điểm sàn sẽ phán quyết một mức điểm sàn hợp lý. Khi có điểm sàn rồi thì chúng ta mới biết được nguồn tuyển so với chỉ tiêu và các trường có nguồn tuyển dồi dào hay không”.
|
Trước băn khoăn nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập liệu có khó khăn khi chỉ tiêu của các trường công lập vẫn lớn, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí, thông tin: “Tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ ĐH, CĐ chính quy năm nay khoảng 605.000, về cơ bản là không tăng so với các năm trước”. Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh thanh tra, Bộ GD-ĐT thông tin thêm: “Không ít trường gọi TS trúng tuyển đến nhập học nhưng TS không đến chứ không phải do thiếu nguồn tuyển. Do đó, bên cạnh lý do điểm sàn, tôi nghĩ cũng còn một lý do nữa, TS chọn những trường đào tạo có uy tín, chất lượng. Do vậy, bên cạnh việc giải quyết điểm sàn các trường cũng phải lưu ý từng bước nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của người học thì mới có thể tuyển sinh được”. Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho hay: “Với những ngành có nhiều khối thi, yêu cầu các trường phải công khai chỉ tiêu cho từng ngành và theo từng khối”.
Thưởng điểm cho cách làm sáng tạo
Trước băn khoăn về đề thi mở nhưng liệu đáp án có mở, ông Khôi khẳng định: “Yêu cầu về đề thi ra sao thì cũng sẽ yêu cầu về đáp án như vậy. Ngoài ra còn có hướng dẫn chấm thi”. Ông Khôi giải thích thêm: “Quy chế tuyển sinh quy định: những bài làm có tính độc đáo, sáng tạo không giống như đáp án nhưng vẫn đúng thì sẽ được thưởng điểm, mức thưởng không quá 1 điểm. Thưởng điểm là do cán bộ chấm thi đề xuất với chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban chấm thi. Còn độc đáo thế nào, sáng tạo ra sao thì sẽ do các ban chấm thi xác định. Còn khi có sự tranh luận về đáp án thì Bộ sẽ kịp thời chuyển cho ban đề thi xem xét và đưa ra các lý giải.
Về việc bổ sung quy định chấm 5% bài thi tự luận, ông Khôi lý giải: “Qua phản ánh, vẫn có nơi này nơi kia chưa đảm bảo việc chấm thi công bằng, khách quan nên năm nay chúng tôi bổ sung quy định này vào quy chế để đảm bảo kết quả của TS phải rất chính xác và công bằng”.
Vì sao ưu tiên cộng điểm cho… Bà mẹ VN anh hùng ? Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng lý giải xung quanh Thông tư 24 do Bộ GD-ĐT ban hành quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước 1.1.1945 sẽ thuộc đối tượng ưu tiên khi dự thi ĐH. Theo ông Khôi, thông tư này là để cụ thể hóa pháp lệnh người có công theo Nghị quyết số 04 và Nghị định số 31 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 4.2007. Ông Khôi nhấn mạnh: “Theo thông tư này thì những người có công và con của họ được ưu tiên nói chung, trong đó có tuyển sinh và đào tạo nói riêng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện nay không chỉ là những bà cụ 80-90 tuổi mà còn là các bà mẹ có một con nhập ngũ mà hy sinh cũng được nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt là quy chế tuyển sinh lại không hề quy định tuổi để mọi người đều có cơ hội học tập suốt đời. Như năm trước cũng có những thí sinh dự thi ĐH, CĐ rất cao tuổi, năm nay chúng tôi cũng sẽ có thống kê về đối tượng TS này”. |
Xung quanh thông tin “bốc hơi’ 3,73 tỉ đồng lệ phí đăng ký dự thi Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Người Lao Động đề nghị ông Ngô Kim Khôi có ý kiến xung quanh thông tin gần đây có tờ báo nêu “vì một chữ ký của lãnh đạo bộ mà nguy cơ “bốc hơi” 3,73 tỉ đồng (lệ phí từ đăng ký dự thi năm 2008 đến năm 2011) do thí sinh tự do nộp trực tiếp tại trường chuyển về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục lệ phí tuyển sinh trung ương. Ông Khôi cho rằng, đây là vấn đề không liên quan đến việc tuyển sinh năm nay nên sẽ trả lời phóng viên sau. |
Thí sinh bàn luận về tính cách của người Việt Theo nhiều giáo viên, đề văn năm nay có nhiều điểm lạ. Trong đó xu hướng ra đề nghị luận xã hội rất mới khi yêu cầu TS bàn luận về những hạn chế, tiêu cực trong lối sống, suy nghĩ của người Việt Nam. Nếu như đề văn khối C được nhiều TS đánh giá là khó ở câu nghị luận xã hội (bàn luận về sự khôn khéo để vượt qua khó khăn), thì đề văn khối D nhận được sự yêu thích của cả TS và phụ huynh ở phần thi này. Từ nhận định của chàng Việt kiều Tran Hung John về tính thụ động của phần lớn người Việt, đề thi yêu cầu TS bày tỏ quan điểm của mình. Đặng Thị Diệu Liên (Đà Lạt) thi vào Trường ĐH Mở TP.HCM, hào hứng: “Câu nghị luận xã hội bàn về tính thụ động của người Việt qua cách nhìn của một thanh niên Việt kiều tạo nhiều cảm hứng cho tụi em”. Bảo Khuyên (TP.HCM) nhận định, các câu còn lại trong đề văn khối D cũng có cách đặt câu hỏi rất hay. “TS muốn làm tốt phải hiểu được tinh thần của các tác phẩm. Nếu làm câu theo chương trình chuẩn, thì ngoài việc hiểu ý nghĩa bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, TS còn phải đưa ra chính kiến của mình về việc có nên sống “vội vàng”, quan điểm này tích cực chỗ nào và tiêu cực chỗ nào”. Nhiều TS tại Đà Nẵng nhận định đề văn khối C, D lạ, giúp TS phát huy sự sáng tạo nhưng không dễ làm. Lê Thị Hàn Ni (Đắk Lắk), thi vào Khoa Báo chí Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng đề thi văn khối C năm nay rất lạ, TS thấy rất thích thú bởi cách ra đề này. Lê Hoàng Tuấn (Hà Nam) dự thi khối D Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết: “Đề nghị luận xã hội năm nay có cách hỏi thẳng thắn về sự chủ động hay thụ động, tiên phong hay bắt chước”. Trong khi đó, Chu Tiến Huy (Hà Nội) nhìn nhận: “John đi tìm Hùng là cuốn sách em vừa đọc cách đây mấy ngày nên rất có cảm hứng với đề văn này. Em viết một mạch, tranh luận với anh Tran Hung John những điều em nghĩ về sự thụ động ở một số người Việt cũng như sự chủ động sáng tạo của không ít bạn trẻ”. Về đề hóa khối B, Huỳnh Thị Yến Phượng (Quảng Nam), thi vào Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, nhận xét: “Đề hóa năm nay tuy không quá khó nhưng lại nặng bài tập, một số bài để tính toán tốt cần nhiều thời gian”. Nguyễn Quang Minh (Bình Dương), thi vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Em làm khá tốt bài thi, đạt khoảng 9 điểm. Hai môn toán và sinh em cũng đạt khoảng 9 điểm mỗi môn, hy vọng em có thể trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa”. Quang Minh cho biết thêm: “Thực ra, đề hóa khối B khó hơn nhiều so với khối A vừa rồi. Khó hơn bởi phần bài tập chiếm tới 70% trong số 60 câu hỏi”. Thanh Mai (TP.HCM) thi vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng nói: “Số lượng câu dễ của đề thi hóa khối B ít hơn hẳn so với khối A. Đặc biệt, câu hỏi về tốc độ phản ứng là câu khá lạ vì nhiều năm nay đề thi không hề ra tới phần này. Em nghĩ mình chỉ có thể đạt cao nhất là 8,5 điểm”. M.Quyên - D.Hiền - T.Hằng - H.Ánh |
Tuệ Nguyễn
>> Đáp án các môn thi khối B, C và D của Bộ GD-ĐT
>> Đón xem đáp án các khối B, C và D
>> Đáp án các môn thi khối A, A1 của Bộ GD-ĐT
>> Thí sinh cảm ơn "chàng trai xuyên Việt với ví rỗng
>> Thi xong, thí sinh đổ xô về quê
>> Phát hiện một thí sinh giở trò “hai ngón”
>> Kỷ luật 202 thí sinh, giám thị vi phạm quy chế thi
>> Điều xe thiết giáp, cứu hộ đưa thí sinh đi thi
>> Thí sinh Project Runway thiết kế trang phục cho Đồ Rê Mí Đôi 2013
>> Qua Facebook tìm lại hành lý cho thí sinh
Bình luận (0)