Tăng giảm chỉ 1-2 điểm
Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho rằng điểm chuẩn mấy năm nay không có gì đột biến do tỷ lệ dự thi, cách ra đề và chất lượng thí sinh (TS) tương đối ổn định. Tuy nhiên điểm chuẩn của từng ngành vào trường nhiều năm nay tăng giảm theo một quy luật, đó là do tâm lý chạy theo số đông của TS. Ví dụ, năm trước điểm chuẩn vào ngành tiếng Anh thấp thì sang năm số TS đăng ký vào ngành này sẽ tăng vọt, kéo theo việc điểm chuẩn năm đó sẽ tăng. Năm nay, ngành tiếng Đức có số hồ sơ đăng ký dự thi cao nhất, Khoa Quốc tế học năm nay tăng gấp đôi số lượng TS đăng ký dự thi… Với đề thi không khó nên dự kiến điểm chuẩn của những ngành này sẽ tăng.
|
Tương tự, ông Trần Ngọc Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho biết: “Một số ngành điểm chuẩn vào trường tương đối ổn định như: Đông phương, báo chí, khoa học quản lý. Những ngành hay có biến động như: văn, sử, du lịch. Năm nay trường này tuyển sinh ngành mới: quan hệ công chúng với 50 chỉ tiêu nhưng có khoảng 300 hồ sơ đăng ký nên dự kiến mức điểm chuẩn cũng sẽ tương đối cao. “Kinh nghiệm cho thấy điểm chuẩn của hầu hết các ngành nếu có tăng giảm thường chỉ 1 - 2 điểm tùy từng khối”, ông Liễu nói.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay: “Dựa trên tình hình thực tế năm nay nhiều khả năng điểm chuẩn vào trường sẽ tăng. Chỉ tiêu của trường năm nay giảm khoảng 10% so với năm trước, trong khi số TS dự thi tăng hơn năm ngoái”.
Điểm sàn có tăng cũng chỉ 0,5
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, điểm sàn khối B, C, D năm nay có lẽ cũng không có biến động. Nhiều khả năng điểm sàn vẫn sẽ bằng năm 2012 (C: 14,5; B: 14; D: 13,5).
Cùng ý kiến, thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết đề thi đợt 2 năm nay cũng bình thường chứ không phải là quá dễ. Vì vậy, điểm sàn nhiều khả năng vẫn như năm 2012. Cùng lắm, mỗi khối sẽ có điểm sàn tăng lên tối đa 0,5 điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét: “Khả năng điểm sàn sẽ giữ nguyên như năm trước vì mức này đã ổn định nhiều năm qua. Với đề thi có nhiều câu dễ hơn các năm trước, nếu kết quả thi của TS cao hơn, điểm sàn có thể tăng thêm 0,5 điểm”.
Trong khi đó, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng dự đoán được điểm sàn các khối B, C, D nhiều khả năng sẽ cao hơn khối A, A1.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dự đoán, điểm sàn các khối năm nay khó có thể thay đổi.
Trường/ngành nào sẽ thay đổi điểm chuẩn ?
Riêng về ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Chính dự báo: “Khả năng điểm chuẩn các ngành của các trường thành viên sẽ giữ ở mức ổn định và có chiều hướng tăng nhẹ”. Tuy nhiên, ông Chính cho rằng điểm chuẩn nếu có thay đổi sẽ chỉ diễn ra ở Trường ĐH Công nghệ thông tin và ĐH Kinh tế - Luật.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, các ngành thi khối B của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM như công nghệ thực phẩm, môi trường do ít TS thi hơn nên có thể điểm chuẩn thấp hơn năm 2012.
Năm nay số lượng TS dự thi vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 55%, nên điểm chuẩn các ngành tại trường vẫn rất khó dự đoán. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh cho biết: “Với sự sụt giảm số lượng TS dự thi, chắc chắn điểm chuẩn các ngành sẽ có những thay đổi nhất định”.
Trường tốp trên cũng xét tuyển nguyện vọng bổ sung Ông Nguyễn Văn Hiền, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết để chất lượng đầu vào cao hơn, năm ngoái nhà trường tuyển khoảng 10% chỉ tiêu nguyện vọng 2. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng thông tin: “Năm ngoái điểm chuẩn một số ngành của học viện tụt xuống 18 điểm, thấp hơn hẳn so với các năm trước (từ 20 đến 23 điểm). Do đó học viện đã quyết định tuyển thêm nguyện vọng 2 để chọn được TS đỗ điểm cao nhưng vẫn trượt ở các trường: ĐH Ngoại thương, ĐH Dược… Năm nay, sau khi chấm thi xong, giám đốc học viện sẽ xem xét và quyết định có tuyển nguyện vọng 2 hay không”. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng khẳng định: “Năm nay, chắc chắn trường sẽ mở rộng cửa hơn với việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung”. Năm 2012, điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất của trường này là ngành ngôn ngữ Anh (20,5 điểm) và thấp nhất là ngành hệ thống thông tin quản lý (17 điểm). |
Nhận xét đề Môn văn khối C, D: Mới trong nội dung và cách thức ra đề Đề thi năm nay vừa quen vừa lạ. Quen vì cấu trúc đề, kiểu bài thường được đề cập trong nhiều năm qua nhưng lạ vì có những điểm mới trong nội dung, cách thức ra đề. Câu 1 dù là giáo khoa, đề cập đến chi tiết quen thuộc, quan trọng trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Tùy bút người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân nhưng đáp ứng đúng yêu cầu của câu hỏi thì phải hiểu rõ chi tiết và ý nghĩa của nó. Học không kỹ, học tủ thì TS khó có thể trả lời tốt được. Câu nghị luận xã hội nêu ra những vấn đề khá lớn so với đề thi của các năm trước: đặc điểm của con người Việt Nam. Đối với học sinh phổ thông đây là vấn đề lớn và khó, hiểu và trình bày một cách thấu đáo không phải là một việc dễ dàng. Vì vậy, đề có tính phân loại khá cao. Câu 3a thuộc chương trình chuẩn, có nội dung liên quan đến thơ. So với năm trước, đây là một kiểu bài có nét mới. Đề nêu ra 2 ý kiến có tính chất khác nhau và yêu cầu TS bình luận về những ý kiến đó. Muốn làm được đề này, TS phải thuộc thơ, hiểu thơ, hiểu ý kiến được nêu trong đề bài, chọn và bố cục bài làm cho phù hợp với yêu cầu của đề. Đó là một yêu cầu khó đối với TS. Câu 3b so với năm trước đây cũng là một kiểu bài có nét mới. Muốn làm tốt được câu này TS không những phải nắm được đặc điểm của nhân vật mà còn phải biết chọn lựa những chi tiết phù hợp để làm rõ những nhận xét trong ý kiến của đề bài. Ngoài ra, TS lại còn phải bộc lộ ý kiến riêng của mình. Nguyễn Hữu Dương Môn hóa (mã đề 537): Khó và phân hóa rõ hơn đề khối A Đề thi khối B năm nay tương đối khó và phân hóa rõ hơn so với đề thi khối A. Số câu hỏi dễ khoảng 17 - 20 câu, chỉ ở mức độ của một đề thi tú tài. Số câu phân hóa học sinh giỏi chiếm khoảng 8 - 10 câu (2 điểm) gồm các câu 3, 4, 7, 8, 22, 29, 38, 45 (mã đề 537). Đề thi bám sát chương trình phổ thông, kiến thức tổng hợp từ lớp 10 đến 12. Có những câu hỏi thể hiện kiến thức tổng hợp cả 3 lớp trong một câu. Do đó nếu ôn bài không kỹ học sinh sẽ khó đạt điểm cao. Nhìn chung, đề thi phù hợp với yêu cầu của một đề thi tuyển sinh, đã phân biệt rõ các học sinh khá, giỏi, trung bình và yếu. Học sinh trung bình có thể đạt 4-5 điểm, khá có thể đạt từ 6 đến 7, giỏi có khả năng đạt đến 8 hoặc 9. Số học sinh có thể đạt điểm 10 rất ít. Thạc sĩ Bùi Văn Thơm |
Còn một phút hết giờ thì bị đình chỉ thi Đợt thi ĐH khối B, C, D và năng khiếu, cả nước có 125 trường ĐH tổ chức thi, 648.102 thí sinh (TS) dự thi trong tổng số 829.941 TS đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 78,09%. Ở đợt thi này, cả nước có 199 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật. Trong buổi thi cuối cùng, tiếp tục có nhiều TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động hoặc tài liệu vào phòng thi. Đáng chú ý, tại hội đồng thi Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, một TS bị đình chỉ thi một phút trước khi hết giờ làm bài do điện thoại reo. H.Ánh - Thanh Hiền - Đ.Nguyên |
Mẹ một thí sinh bị tàu hỏa tông chết Sau khi kết thúc buổi thi tuyển sinh cuối cùng vào sáng qua (10.7), thí sinh Đặng Anh Kiệt (18 tuổi, ở thôn Tân Lệ, xã Cát Tân, H.Phù Cát, Bình Định), thi tại hội đồng thi Trường ĐH Quy Nhơn, chở mẹ là bà Đỗ Thị Trang (58 tuổi) từ Quy Nhơn về nhà. Khi hai mẹ con Kiệt về đến đoạn đường nơi có điểm giao nhau với đường sắt thì bị tàu hàng, ký hiệu SP1, chạy hướng bắc - nam, húc mạnh phía sau xe máy. Cú húc quá mạnh của tàu hỏa làm bà Trang văng ra xa và chết tại chỗ, còn Kiệt bị thương khá nặng được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Hoàng Trọng |
T.Nguyễn - H.Ánh - Đ.Nguyên
>> Thí sinh cảm ơn "chàng trai xuyên Việt với ví rỗng
>> Thi xong, thí sinh đổ xô về quê
>> Phát hiện một thí sinh giở trò “hai ngón”
>> Kỷ luật 202 thí sinh, giám thị vi phạm quy chế thi
>> Điều xe thiết giáp, cứu hộ đưa thí sinh đi thi
>> Đáp án các môn thi khối B, C và D của Bộ GD-ĐT
>> Đón xem đáp án các khối B, C và D
>> Đáp án các môn thi khối A, A1 của Bộ GD-ĐT
Bình luận (0)