Mùa hè của con trẻ: Trẻ thiếu sân chơi

12/07/2013 03:00 GMT+7

Diễn đàn “Mùa hè của con trẻ” đã đi qua 4 kỳ với những ý kiến ủng hộ việc cho trẻ được vui chơi nhiều hơn trong mùa hè. Nhưng một câu hỏi được đặt ra: Cho trẻ chơi ở đâu khi có quá ít sân chơi, và vô cùng thiếu những sân chơi an toàn?

Đi học hè để giữ an toàn cho trẻ

Những ngày đầu tháng 7, hầu hết các cổng trường tại TP.HCM nhộn nhịp trở lại. Rất nhiều học sinh quay về với nếp sinh hoạt bình thường và coi như mùa hè của các em đã kết thúc. Chị Khánh Linh (Q.1) có hai con nhỏ cho biết, mấy ngày con nghỉ hè sinh hoạt cả gia đình chị bị xáo trộn vì vừa đi làm vừa phải quản con. “Trẻ chẳng có chỗ nào vui chơi sinh hoạt, nên hầu như ở nhà xem ti vi, chơi game vi tính suốt ngày”, chị Linh phân trần. Nhà trường mở cửa đón học sinh học thêm không bắt buộc, chị cho con đi học ngay. Khi được hỏi sao không cho trẻ tham gia các sân chơi, chị thở dài: “Những sân chơi hấp dẫn thì vừa xa lại vừa mất phí, sân chơi ở gần nhà thì chả có gì đáng chơi và không an toàn chút nào!”.

 
“Sân bóng” này không hề an toàn cho trẻ em - Ảnh: Nguyễn Tường Huy

 
Công viên 23.9 chỉ có thiết bị tập thể dục cho người lớn mà không có thiết bị vui chơi cho trẻ em

Rất nhiều phụ huynh cũng tâm tư như chị Khánh Linh: Trẻ không biết vui chơi ở đâu trong mùa hè nên đành cho con “lao vào học hè”. Nếu không học hè, trẻ lang thang ra đường đá banh, chơi ở sân chơi tập thể bị chiếm dụng làm nơi bán hàng bán quán tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Một nguy cơ khác là trẻ thiếu chỗ chơi thường theo chúng bạn đi tắm sông. Thống kê ở các tỉnh thành cho thấy số trẻ em bị tai nạn do đuối nước tăng đột biến vào mùa hè. Theo thống kê từ Bộ Y tế và Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước, đa số tai nạn xảy ra trong mùa hè.

Trước hiện tượng đông đảo học sinh đi học hè, cô Nguyễn Thị Khánh Dương , Tổ trưởng tổ văn, Trường THCS Trường Chinh (Q.Tân Bình), nhận xét: “Theo tôi, tình hình sân chơi của nước ta hiện nay là thiếu trầm trọng so với nhu cầu chơi của trẻ và đây thực sự là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề đáng báo động nơi học sinh: vô cảm, bạo lực học đường, thói ích kỷ, sự đua đòi... Bên cạnh đó, một số học sinh, do khó khăn trong việc tìm kiếm sân chơi, cùng với áp lực của việc học và một phần nhu cầu giao tiếp, đã phải lao vào học hè như hiện nay”.

Sân chơi vừa thiếu vừa không an toàn

Thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em đã kéo dài nhiều năm nay. Tính đến 2011 cả nước mới có khoảng 148 điểm vui chơi cấp tỉnh, hơn 770 điểm vui chơi cấp huyện, khoảng 4.200 điểm vui chơi cấp xã, phường, 3.673 nhà văn hóa cấp xã, 37.134 nhà văn hóa thôn, bản. Một con số quá khiêm tốn không đủ đáp ứng cho 23,63 triệu trẻ em trên toàn quốc.

 
Khu vui chơi cho trẻ sát nhà vệ sinh, bị xuống cấp trầm trọng (ảnh chụp tại công viên Tao Đàn)

 
Mùa hè học sinh vẫn hối hả đến trường

Nhìn ra thế giới, sân chơi ở Việt Nam quá ít ỏi. Chẳng hạn riêng thành phố Chicago (Mỹ) có xấp xỉ 500 sân chơi đạt chuẩn an toàn quốc gia. Tại Anh, thời gian qua, báo chí nước này chỉ trích tình trạng sân chơi ít, góp phần làm gia tăng trẻ em béo phì - thì cũng có tới số 16.134 sân chơi phục vụ cho 11,2 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Bên cạnh đó, sân chơi của chúng ta hầu như không đáp ứng 4 tiêu chí quốc tế: thiết kế đa dạng phù hợp với độ tuổi của trẻ, sự an toàn của sân, độ bền của các trang thiết bị và phù hợp với môi trường của từng địa phương.

Tại TP.HCM có khoảng 1,7 triệu trẻ em nhưng có chưa đến 20 điểm vui chơi - giải trí và công viên quy mô lớn. Các khu vui chơi đa dạng các trò chơi như: Đầm Sen, Suối Tiên, KizCity… thì phải mất vé, nên các em không thể tự do thoải mái lui tới. Đa số những điểm vui chơi miễn phí dành cho trẻ em bị xuống cấp, xập xệ, trang thiết bị lèo tèo không đáp ứng được nhu cầu vui chơi sáng tạo của trẻ. Dạo quanh những công viên lớn như 23.9, Lê Văn Tám, Tao Đàn… đều thấy sự nghèo nàn, đa số chỉ là nơi để trẻ cùng cha mẹ đi dạo. Các nhà văn hóa thiếu nhi vừa quá tải lại vừa ít phương tiện vui chơi.

Chính vì thiếu sân chơi mà trẻ con nghỉ hè phải quanh quẩn chơi ở các hành lang chung cư cao tầng, trốn ra đầu hẻm đá bóng, thậm chí lén đi tắm sông… Nhiều phụ huynh trăn trở, mùa hè “quanh quẩn” như vậy liệu trẻ học được gì bổ ích?

Theo ông Bùi Kim Thành, Phòng Giáo dục Q.Tân Bình, vấn đề sân chơi của trẻ em “lèo tèo” như hiện nay dẫn đến việc trẻ phải có “học kỳ 3” là một thiệt thòi lớn cho tuổi thơ: “Việc tạo sân chơi cho trẻ là rất quan trọng, song vấn đề này chưa được sự quan tâm đúng mức từ các cấp, các ban ngành. Trong khi đó, hoạt động vui chơi giải trí hè có tầm quan trọng đặc biệt trong việc phát triển thể chất và trí tuệ của các em. Qua vui chơi, trẻ em được tương tác với bạn bè, trau dồi nhiều kỹ năng sống, hoàn thiện tính cách và thậm chí là qua vui chơi trẻ có thể được phát hiện các tài năng, năng khiếu cá nhân... Học hè chỉ là giải pháp tạm thời và an toàn mà nhiều phụ huynh đành phải chọn lựa cho con cái mình trong tình hình hiện nay mà thôi”.

Kim Oanh - H.Dung

>> Mùa hè của con trẻ: Nếu không học, trẻ biết chơi đâu ?
>> Mùa hè của con trẻ - Kỳ 2: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Đừng để các em đánh mất tuổi thơ !”
>> Mùa hè của con trẻ: Lắng nghe các em bày tỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.