Tại siêu thị Fivimart Đại La, đến cuối ngày rau an toàn vẫn còn la liệt trên kệ. Còn tại siêu thị Big C, rau héo úa, dập nát là chuyện thường ngày.
Siêu thị Fivimart Đại La cho hay, để giải quyết rau tồn, siêu thị muối dưa rau cải bẹ, các loại khác thì giảm giá 30% sau 19 giờ và 50% sau 20 giờ hàng ngày.
|
Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc kinh doanh rau an toàn không như kỳ vọng. Lượng người mua rau tại các chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống vẫn cao và ít khi mua rau an toàn tại siêu thị và các cửa hàng chuyên doanh. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) từng xây dựng 23 điểm bán rau an toàn nhưng không cạnh tranh được với rau thường nên nhiều điểm đã phải đóng cửa.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào nguồn gốc và chất lượng, cách gọi cũng chưa rõ ràng, nơi thì gọi là rau an toàn, nơi là rau sạch, nơi là rau hữu cơ, trong khi bao bì chưa thể hiện cụ thể trách nhiệm của người sản xuất mà chỉ đề chung chung là rau Vân Nội, rau Đạo Đức… Rau an toàn cũng ít chủng loại, và đắt hơn 30% so với rau ở chợ. “Mua rau ở chợ vừa thuận tiện, giá rẻ và phong phú, còn ở cửa hàng rau an toàn, mua được quả chanh, lại thiếu quả ớt”, ông Phú nói.
Cũng theo Sở Công Thương, 5 quận nội thành Hà Nội có 82 điểm kinh doanh rau an toàn nhưng giá thuê địa điểm cao nên khó có lãi. Nguồn rau cũng không ổn định, giá thành cao, gây khó cho việc kinh doanh. Để khắc phục tình trạng này, Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội đã tổ chức các điểm bán rau lưu động, phân phối đến các khu dân cư. Theo đó, mỗi điểm phân phối có khoảng 30 gia đình do một người phụ trách. Nhu cầu rau của từng gia đình sẽ được tổng hợp rồi gửi về sàn trước 12 giờ trưa ngày hôm trước; hôm sau, xe sẽ chở tận nhà. Dự kiến, đến cuối năm nay, đơn vị này sẽ có 300-350 điểm phân phối, đến 2015 là 1.000 điểm.
Thu Hằng
>> Áp dụng phân sinh học sản xuất rau sạch
>> Tổ chức 3 vùng rau sạch 10 ha
>> Trồng rau sạch tại nhà
>> Công nghệ trồng rau sạch cho nhà phố hút khách
Bình luận (0)