Lộ Ma cũ, Định Tường xưa - Kỳ 1: Lộ Ma xưa và nay

13/07/2013 10:15 GMT+7

Mỹ Tho (Tiền Giang) là một trong những đô thị có nhiều di tích từ thời nhà Nguyễn, nhưng trong lịch sử phát triển, đặc biệt là giai đoạn thực dân Pháp đô hộ, nhiều di tích đã bị phá. Có những di tích trở thành văn hóa phi vật thể qua những câu chuyện kể và địa danh còn tồn tại trong dân gian, chẳng hạn như Lộ Ma.

Lộ Ma cũ, Định Tường xưa - Kỳ 1: Lộ Ma xưa và nay

Lộ Ma - ngã ba Sở Rác xưa nay là đường Thái Sanh Hạnh - Ảnh: Hoàng Phương

Mỹ Tho xưa là vùng tiếp giáp 3 dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn đã lập một đơn vị quản lý đặc biệt là đạo Trường Đồn tại giồng Kiến Định. Sau đó, đạo Trường Đồn được nâng lên thành dinh Trường Đồn rồi đổi tên là dinh Trấn Định và dời lỵ sở về thôn Mỹ Chánh, H.Kiến Hòa vào năm Tân Sửu (1781).

Năm Nhâm Tý (1792), chúa Nguyễn cho xây thành Mỹ Tho (bấy giờ gọi là thành Trấn Định). Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì: “Thành vuông, chu vi 998 tầm, có mở 2 cửa ở bên phải và bên trái, ở các cửa có làm cầu treo bắc ngang. Hào rộng 8 tầm, sâu 1 tầm, bốn mùa nước đều ngọt, nhiều cá tôm. Dưới cầu có dòng nước nhỏ đổ ra sông lớn Mỹ Tho. Ngoài hào có đắp lũy đất có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai. Mặt trước chân lũy ra 30 tầm đến sông lớn. Trong đồn có kho gạo, kho thuốc súng, trại quân và súng lớn tích trữ đầy đủ, nghiêm túc”. Khi đắp thành, chúa Nguyễn Ánh có ngự giá đến xem để động viên tinh thần quân sĩ. Trong vòng 2 năm, công trình này đã được khánh thành.

Tháng 7 năm 1809, chuẩn theo lời của Thành thần Định Tường, vua Gia Long cho dựng kho tàng ở trong thành, dựng hành cung và các sảnh thự ở ngoài thành. Tuy nhiên thành Định Tường chỉ tồn tại đến năm 1826. Sau khi dời thành qua vị trí mới, thành cũ bị phá, nền cũ trở nên vắng vẻ, hoang tàn. Khi lập địa bạ năm 1836, khu đất này đo đạc được 40 mẫu, triều đình cho bán, nhưng chẳng ai mua, bèn giao lại cho địa phương quản lý, song cũng chẳng ai thuê mướn. Cuối cùng các quan tỉnh Định Tường đã trưng dụng làm pháp trường xử chém tội nhân.

Bấy giờ, thấy nhiều tội nhân bị trảm quyết, người dân xung quanh sợ hãi, bèn lập một ngôi miếu thờ cô hồn dưới gốc một cây gạo để thờ những hồn ma tử tội, gọi là miếu Cây Gạo. Con đường dẫn vô pháp trường vắng vẻ đến lạnh người, nhiều câu chuyện về ma cụt đầu được đồn đãi, ban đêm chẳng ai dám đi ngang nên có tên là Lộ Ma. Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân lấy khu đất này làm bãi rác, vì vậy có tên ngã ba Sở Rác. Cảnh vật hoang tàn, đầu năm 1911, cụ Phan Chu Trinh từ Côn Đảo về Mỹ Tho, thăm Chợ Cũ, ông đã làm bài thơ tặng Huỳnh Trí Phú, một chiến sĩ của phong trào Minh Tân ở Mỹ Tho, than thở:

“Thành xưa dấu sót lau đôi cụm
Nước cũ tro tàn liễu may doanh”

Hiện nay Lộ Ma là ranh giới hành chánh giữa 2 phường 8 và 9, TP.Mỹ Tho, được đặt tên là đường Thái Sanh Hạnh.

Hoàng Phương - Ngọc Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.