Lòng tin doanh nghiệp vào tư vấn

15/07/2013 03:00 GMT+7

Lực lượng tư vấn đang hoạt động khá sôi động tại Việt Nam nhưng vẫn còn những cản trở về lòng tin từ phía doanh nghiệp.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có mặt các công ty tầm cỡ quốc tế đang hoạt động tư vấn kiểm toán, đầu tư, quản trị, luật pháp, chiến lược, nhân sự, thông tin... như PricewaterhouseCooper, TDNT, KPMG, Arthur Andersen, Ernst &... Đây là những tên tuổi toàn cầu đã được gầy dựng hàng chục, thậm chí hơn trăm năm. Số lượng công ty tư vấn Việt Nam cũng ngày càng nhiều và đã xây dựng được uy tín như ICC, BCC, FPT, NetViet, MaxCommunication, Vietnammarcom, Storm Eyes, MKC... Phổ biến không kém là những nhà tư vấn độc lập bao gồm các giáo sư, giảng viên, nhà nghiên cứu hay một số giám đốc, chuyên viên... Họ làm việc cho đơn vị này nhưng cung cấp dịch vụ tư vấn cho đơn vị khác. Đa số các nhà tư vấn độc lập chỉ làm theo từng vụ việc, hợp đồng cụ thể và họ cũng ít ra mặt. Một số là nhà tư vấn ruột của doanh nghiệp nào đó.

Lòng tin doanh nghiệp vào tư vấn
Lòng tin đang hạn chế hiệu quả khi doanh nghiệp thuê tư vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Sự hiện diện đông đảo của lực lượng tư vấn nhằm đáp ứng nhu cầu rất thực tế của các doanh nghiệp trong các chiến lược ngắn lẫn dài hạn.

 

Dù rất mong muốn khai thác hiệu quả của dịch vụ tư vấn, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, nhiều cán bộ công ty không nhiệt tình hợp tác và chia sẻ thông tin. Bởi họ không tin vào khả năng của đơn vị tư vấn hoặc sợ lộ bí mật công việc...

Lãnh đạo một doanh nghiệp

Hạn chế

Tuy nhiên, trong thực tế, việc sử dụng công ty tư vấn vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tại Diễn đàn Tư vấn quản trị 2013 diễn ra ở TP.HCM gần đây, một lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ: “Muốn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, công ty tôi nhờ một đơn vị tư vấn đến hỗ trợ. Dù rất mong muốn khai thác hiệu quả của dịch vụ tư vấn, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, nhiều cán bộ công ty không nhiệt tình hợp tác và chia sẻ thông tin. Bởi họ không tin vào khả năng của đơn vị tư vấn hoặc sợ lộ bí mật công việc... Điều đó làm việc thuê tư vấn không hiệu quả như kỳ vọng”.

Giải thích cho hạn chế trên, nhiều chuyên gia nhận định là do yếu tố gia đình trị trong doanh nghiệp. Ở Việt Nam, số lượng công ty có tính chất gia đình chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong các công ty này, lòng tin chủ yếu chỉ đặt vào những người thân cận. Khi đó, một đơn vị tư vấn lạ lẫm từ bên ngoài bước vào rất khó có tiếng nói và tạo dựng lòng tin cho những người trong nội bộ. Nguyên nhân khác làm hạn chế lòng tin của doanh nghiệp chính là sự suy giảm hiệu quả của giải pháp tư vấn theo thời gian. Nhiều doanh nghiệp than phiền rằng sau khi đơn vị tư vấn rời khỏi, doanh nghiệp lại tiếp tục gặp vấn đề tương tự với những thứ tưởng như đã được đơn vị tư vấn giải quyết trước đó.

Khi không có được lòng tin đủ lớn thì tất yếu khó có thể kỳ vọng kết quả sau cùng. (Còn tiếp)

MBA Huỳnh Thị Minh Châu
 (Đại học Bách khoa TP.HCM)

>> Cán bộ thuế "làm tiền" doanh nghiệp bị bắt
>> Bắt nhóm đòi bảo kê doanh nghiệp
>> Doanh nghiệp du lịch không dám nhận tour vì giá USD tăng
>> Doanh nghiệp Thái quan tâm Myanmar hơn VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.